Vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, thật hay giả?
00:12 11/10/2006: Các nhà khoa học trên thế giới đang giữ quan điểm thận trọng sau khi CHDCND Triều Tiên khẳng định đã tiến hành thử nghiệm hạt nhân thành công dưới lòng đất hôm 9/10.

Theo giới khoa học, phải phân tích kỹ lưỡng dữ liệu do các máy cảm biến địa chấn hoặc khí quyển truyền về mới quyết định được liệu vụ nổ trên thành công hay thất bại. Họ cũng chưa thể loại trừ khả năng CHDCND Triều Tiên đã cho nổ một lượng lớn thuốc nổ thông thường để làm mạnh thêm lời khẳng định là đã gia nhập câu lạc bộ hạt nhân.

  • Nổ lớn hay... xịt?

Trên thực tế, có những khác biệt lớn giữa các báo cáo về quy mô của vụ nổ. Trung tâm nghiên cứu động đất của Hàn Quốc cho biết có một cơn chấn động với độ lớn 3,58 từ tỉnh Hamgyong, miền Bắc CHDCND Triều Tiên. Chấn động này tương đương với sức mạnh của 0,8 kilotonnes (800 tấn) thuốc nổ TNT.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Ivanov cho biết sức mạnh của vụ nổ là 5-15 kilotonnes. Quả bom nguyên tử huỷ diệt Hiroshima trong Đại Chiến thế giới lần thứ hai giải phóng sức mạnh tương đương khoảng 12,5 kilotones TNT.

Jame Acton, nhà vật lý hạt nhân tại Vertic - một tổ chức độc lập tại London chuyên xác minh các nghiên cứu, cho biết: Tôi được biết từ ba nguồn khác nhau rằng vụ nổ của CHDCND Triều Tiên chưa tới 1kilotones. Con số mà Nga đưa ra không phải khác biệt 10-20% mà là rất lớn. Chúng ta nên đợi xem tuyên bố của Nga có được khẳng định hay không.

Theo giải thích của Acton, sức mạnh của vũ khí hạt nhân mà một quốc gia muốn thử thường là 15 kilotonne. Điều mỉa mai là việc chế tạo và thử nghiệm một quả bom như thế dễ dàng hơn so với việc chế tạo và thử nghiệm bom nhỏ hơn. Chế tạo bom nhỏ đòi hỏi phải có trình độ và kỹ thuật thu nhỏ tiên tiến. Nếu đúng là vụ nổ của CHDCND Triều Tiên nhỏ hơn 1 kilotonne, vụ nổ đó giống như tiếng xì xì - một quả bom không nổ hết sức và đạt được phản ứng dây chuyền trọn vẹn.

Acton cho biết có thể phân biệt một vụ thử hạt nhân và một vụ nổ thông thường song cần có thời gian để phân tích bởi sự khác biệt không dễ phát hiện. Ông cũng cảnh báo cho nổ một lượng lớn TNT để giả vờ đó là một vụ nổ hạt nhân quả thực rất khó. Công việc này đòi hỏi phải đào một khoang lớn dưới đất và vệ tinh do thám có thể dò thấy các công việc trên bề mặt.

Còn Bruno Seignier, chuyên gia Phòng phân tích và giám sát thuộc Uỷ ban năng lượng nguyên tử Pháp, cho biết chấn động của một vụ nổ hạt nhân truyền xa hơn so với vụ nổ TNT.

Các thiết bị hạt nhân thường được thử nghiệm dưới lòng đất để đảm bảo bí mật cũng như ngăn không cho vật liệu phóng xạ phát tán ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường.

  • Chuẩn bị

Địa điểm thử nghiệm được khảo sát địa chất kỹ lưỡng để đảm bảo tính phù hợp. Các vụ nổ hạt nhân như vậy thường xảy ra cách xa các trung tâm dân cư. Thiết bị hạt nhân được đặt vào một lỗ khoan hoặc đường hầm, thường ở độ sâu 200-800m và rộng vài mét.

Sau khi đưa xuống một chiếc hộp bọc chì chứa thiết bị giám sát, lỗ bị bịt lại bằng sỏi, cát, thạch cao và các vật liệu mịn khác để kìm hãm vụ nổ và bụi phóng xạ dưới lòng đất.

Thử nghiệm

Thiết bị hạt nhân được kích nổ từ một boongke kiểm soát trên mặt đất. Vụ nổ làm bốc hơi đá ngầm, tạo ra một khoang ngầm dưới lòng đất chứa đầy khí phóng xạ siêu nóng. Khi khí này nguội đi, một khối đá nóng chảy tụ lại ở đáy khoang. Vài phút hoặc vài giờ khi áp lực giảm, khoang ngầm tự sụp, gây lún đất và một miệng hố xuất hiện trên mặt đất.

Các chuyên gia tin rằng CHDCND Triều tiên đã thử nghiệm một thiết bị hạt nhân tương đối nhỏ tại một địa điểm có tên là Punggye-yok trong một khu vực xa xôi ở miền Đông của nước này, gần Gilju.

  • Nhận biết

Khi đất trên bề mặt bị lún, các hạt và khí phóng xạ có thể thoát ra, cung cấp những manh mối về loại nguyên liệu (plutonium hoặc uranium), kích cỡ và sức mạnh của thiết bị hạt nhân đó. Các máy bay do thám và các máy cảm biến trên mặt đất có thể được sử dụng để thu thập bằng chứng nói trên. Tuy nhiên, trong trường hợp địa điểm thử hạt nhân hoàn toàn bị bịt kín, sẽ chẳng thu được manh mối nào.

Kỹ thuật giám sát thứ hai là sử dụng các vệ tinh chụp ảnh mặt đất. Vệ tinh sẽ ghi lại địa hình của địa điểm thử trước và sau vụ thử. Chuyển động hoặc sụt lún đất có thể là dấu hiệu của một vụ nổ lớn.

Ngoài các máy cảm biến địa chấn do chính phủ nhiều nước điều hành, Tổ chức Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện của LHQ (CBTO) tại Vienne cũng có một mạng lưới 189 trạm giám sát địa chấn và thuỷ âm học để dò các vụ thử hạt nhân. Tổ chức này không có quyền đưa ra các tuyên bố công khai về bản chất của các sự kiện mà mạng lưới giám sát của họ ghi nhận được. Do vậy, CBTO vẫn chưa khẳng định liệu đã xảy ra một vụ nổ hạt nhân như CHDCND Triều Tiên khẳng định hay không.

Tuy nhiên, dữ liệu thô đã được chuyển tới 176 quốc gia thành viên của CBTO và 770 viện nghiên cứu khắp thế giới.

Theo Vietnamnet, 10/10/2006

Tin bài khác
Online: 8
Số lượt truy cập: 10402898
Lên đầu trang
SSL