Đại hội đồng IAEA lần thứ 67
15:03 25/09/2023: Từ 25 đến 29/9, đại diện từ 177 quốc gia thành viên của IAEA đến tham dự Đại hội đồng IAEA lần thứ 67 tổ chức tại trụ sở của IAEA ở Viên, Áo.Tại phiên họp toàn thể vào ngày đầu tiên của Đại hội đồng IAEA lần thứ 67, bà Vilawan Mangklatanakul, Đại sứ và Đại diện thường trực Thái Lan tại LHQ đã được bầu làm Chủ tịch Hội nghị.
Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đã đề cập đến phát biểu “Nguyên tử vì hòa bình” của Tổng thống Hoa Kỳ Dwight D Eisenhower 70 năm trước vào năm 1953 và tầm nhìn của ông đã trở thành một phần quan trọng, tích cực như thế nào trong đóng góp của IAEA đối với hòa bình, an ninh thế giới và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Ông Grossi nói: “IAEA là công cụ hoạt động cho mục đích cao cả này”.
Trong tuần, các đại biểu sẽ thảo luận về nhiều chủ đề, từ Báo cáo thường niên năm 2022 và ngân sách năm 2024 đến tăng cường các hoạt động liên quan đến khoa học, công nghệ và ứng dụng hạt nhân, cũng như các hoạt động an toàn và an ninh hạt nhân của IAEA và tăng cường hiệu quả và nâng cao hiệu lực của các hoạt động thanh sát.
Sự kiện bên lề và hoạt động thăm quan
Trong suốt tuần, IAEA sẽ tổ chức khoảng 50 sự kiện bên lề và các Quốc gia thành viên sẽ tổ chức hơn 60 sự kiện. Các sự kiện này sẽ nêu bật các khía cạnh khác nhau trong công việc của IAEA, từ Ngân hàng Uranium làm giàu thấp của IAEA, nơi tạo ra nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân đảm bảo cho các quốc gia trong trường hợp thị trường bị gián đoạn cho đến sự kiện thúc đẩy hợp tác giữa các chuyên gia quốc tế, cho phép cung cấp công nghệ hạt nhân trong tương lai như các lò phản ứng mô-đun nhỏ.
Trong sự kiện bên lề diễn ra vào thứ Hai, như một phần của sáng kiến Atoms4NetZero, các chuyên gia sẽ thảo luận về cách năng lượng hạt nhân có thể giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua việc sử dụng các công cụ lập mô hình năng lượng của IAEA.
Một sự kiện khác sẽ cung cấp tình hình và định hướng tương lai của Hành động Tích hợp Bệnh lây truyền từ động vật (ZODIAC). IAEA đã ra mắt ZODIAC vào năm 2020 để hỗ trợ các quốc gia trong việc phát hiện sớm, phòng ngừa và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Sáng kiến Tia hy vọng của IAEA, được triển khai vào năm 2022, đã tạo ra tác động bằng cách mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ xạ trị, chuẩn đoán hình ảnh trong y tế và y học hạt nhân ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Một sự kiện bên lề cung cấp thông tin cập nhật về sáng kiến này cũng như các sự kiện về cách giải quyết bệnh ung thư ở trẻ em và vai trò quan trọng của các nhà y vật lý trong việc đảm bảo chất lượng và an toàn trong y học bức xạ hiện đại.
Năm nay, IAEA đã ra mắt Mạng lưới Phòng thí nghiệm Phân tích Nước Toàn cầu (GloWAL) tại Hội nghị Nước của Liên Hợp Quốc năm 2023, trao quyền cho các quốc gia tạo ra dữ liệu về nước hóa học, sinh học và đồng vị của riêng quốc gia. Một sự kiện bên lề sẽ đề cập đến cách GloWAL hỗ trợ hợp tác và kết nối giữa các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới, tạo ra dữ liệu và thông tin để giúp các quốc gia đáp ứng Mục tiêu Phát triển Bền vững 6 (Nước sạch và Vệ sinh).
Năm nay IAEA kỷ niệm 65 năm công bố các tiêu chuẩn an toàn, được các cơ quan pháp quy quốc gia sử dụng trên toàn cầu. Tại một sự kiện bên lề, một cuộc thảo luận nhóm sẽ thảo luận về việc các tiêu chuẩn đã phát triển như thế nào theo thời gian để bảo vệ dân chúng và môi trường khỏi tác hại của bức xạ ion hóa.
Hỗ trợ phát triển kịp thời các lò phản ứng hạt nhân tiên tiến
Một sự kiện bên lề vào thứ Tư đề cập đến những nỗ lực của IAEA nhằm hài hòa các phương pháp tiếp cận pháp quy và tiêu chuẩn hóa các phương pháp tiếp cận ngành công nghiệp qua Sáng kiến Tiêu chuẩn hóa và Hài hòa Hạt nhân của IAEA (NHSI), nhằm hỗ trợ triển khai kịp thời các lò phản ứng hạt nhân tiên tiến an toàn và an ninh, như các lò phản ứng mô-đun nhỏ.
Các sự kiện bên lề khác bao gồm các phiên thảo luận về vai trò quan trọng của các nhà y vật lý trong chẩn đoán X quang, tuyển dụng tại IAEA, sáng kiến Công nghệ hạt nhân để kiểm soát ô nhiễm nhựa (NUTEC Plastics),….
Diễn đàn khoa học về Đổi mới hạt nhân cho Net Zero
Trong khuôn khổ Đại hội đồng, IAEA tổ chức Diễn đàn khoa học thường niên từ ngày 26 đến ngày 27 tháng 9 với chủ đề năm nay là Đổi mới hạt nhân cho Net Zero. Chủ đề này gắn liền với sáng kiến của IAEA, Atoms4NetZero, nhằm giúp các quốc gia khai thác sức mạnh của năng lượng hạt nhân trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch sang mức khí thải ròng bằng 0 (Net zero). Diễn đàn thảo luận những phương pháp đổi mới trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân làm xương sống đáng tin cậy cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, giá cả phải chăng, linh hoạt và an toàn hơn.
Diễn đàn được chia thành 5 phiên đề cập đến những cải tiến mới về năng lượng hạt nhân, có thể giúp thay thế nhanh chóng việc sản xuất năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng hạt nhân carbon thấp an toàn và đáng tin cậy. Các diễn giả thảo luận về các lò phản ứng hạt nhân tiên tiến mới để sản xuất năng lượng, như các lò phản ứng mô-đun nhỏ, cũng như các lò phản ứng và lò phản ứng thorium có thể cung cấp các giải pháp chu trình nhiên liệu mới như thế nào. Sự đổi mới thông qua số hóa, trí tuệ nhân tạo, robot và sản xuất tiên tiến cũng được thảo luận. Diễn đàn cũng xem xét cách năng lượng hạt nhân có thể được sử dụng trong các quy trình công nghiệp, hệ thống giao thông và sưởi ấm trong tòa nhà cũng như trong điện năng.
TTĐT, theo IAEA
Tin bài khác
Online: 14
Số lượt truy cập: 10343600
Lên đầu trang
SSL