Liệu Iran có bị trừng phạt?
00:12 22/08/2006: Nếu Iran không ngừng chương trình hạt nhân, nước này sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt. Các kịch bản trừng phạt thế nào? Thái độ các bên ra sao?

Iran tuyên bố sẽ phúc đáp lại bản đề xuất do 6 cường quốc thế giới đệ trình kêu gọi nước này ngừng chương trình hạt nhân để đổi lấy gói ưu đãi hoặc phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an LHQ. 

Dưới đây là những kịch bản trừng phạt, các bước tiến hành và thái độ của các bên liên quan.

Hội đồng bảo an làm gì?

Iran đã che đậy các hoạt động làm giàu urani trước các thanh sát viên quốc tế trong suốt gần 20 năm, buộc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) phải đưa vấn đề này lên HĐBA hôm 4/2. 

HĐBA đã thông qua nghị quyết bắt buộc vào ngày 31/7 yêu cầu Tehran ngừng ngay tất cả các hoạt động liên quan đến tái chế, làm giàu, trong đó gồm cả các hoạt động nguyên cứu và phát triển trong vòng 30 ngày.

Vào ngày 31/8, Tổng giám đốc IAEA Mohamed ElBaradei sẽ báo cáo trước HĐBA để xác định liệu
Iran có ngừng các hoạt động nói trên hay không?

Liệu Iran có tuân thủ?

Không thể. Iran khẳng định quyền được làm giàu năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình với tư cách là thành viên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). IAEA đã không tìm thấy bằng chứng chứng minh những nghi ngờ của phương Tây cho rằng, Iran có ý định chế tạo bom hạt nhân. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời.

Iran gợi ý có thể thảo luận về việc chấm dứt các hoạt động làm giàu như một phần trong tiến trình đàm phán thực hiện các ưu đãi về năng lượng, thương mại và ngoại giao. Tuy nhiên, Tehran không coi đó là tiền đề cho các cuộc thương lượng do 6 cường quốc đặt ra.

HĐBA sẽ làm gì kế tiếp?

Nếu Iran vẫn cứng đầu, bản nghị quyết 31/7 cho phép HĐBA thông qua các biện pháp thích đáng theo Điều 41, Chương 7, Hiến chương LHQ, cho phép cấm vận ngoại giao và thương mại, song loại trừ dùng lực lượng quân sự. 

Mỹ hy vọng HĐBA nhanh chóng trừng phạt Iran ngay trong tháng 9, viện dẫn lý do trừng phạt được củng cố bởi việc Iran ủng hộ lực lượng du kích Hezbollah trong cuộc chiến với Israel

Tuy nhiên, nguyên văn bản nghị quyết không đề cập đến việc tự động hành động trừng phạt nhanh. Thay vào đó, bản nghị quyết yêu cầu các bên liên quan trong đó có Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp thảo luận hơn nữa. 

Do đó, quyết định trừng phạt có thể phải mất nhiều tuần, hoặc thậm chí nhiều tháng mới có thể được đưa ra. Các nhà lãnh đạo phương Tây coi Iran là mối đe doạ khẩn cấp đối với hoà bình, trong khi đó Nga và Trung Quốc không coi vậy. 

Các biện pháp trừng phạt nào có thể được áp dụng?

HĐBA có thể tập trung vào các biện pháp xoay quanh những phản ứng của Iran, trước tiên là cấm cấp visa cho các quan chức Iran, phong toả các tài khoản ở nước ngoài, kế đến mới là cấm vận kinh tế, cô lập ngoại giao.

Tuy nhiên, Moscow và Bắc Kinh lên tiếng phản bất kỳ biện pháp trừng phạt nào. Hai nước này muốn tiến tới một sự thoả hiệp ngoại giao. Và, các nước EU, trong đó có Đức và Pháp, cũng không muốn áp đặt những biện pháp trừng phạt cứng rắn có thể làm tê liệt các hợp đồng xuất khẩu lớn với Iran và làm nghẽn dòng dầu mỏ từ quốc gia Trung Đông này. 

Trước tình hình đó, có nhiều khả năng Washington sẽ kiếm tìm sự ủng hộ bên ngoài HĐBA, cụ thể từ Anh và Australia.

Hành động quân sự là giải pháp cuối cùng?

Mỹ và Israel đã từng nói về khả năng không kích nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, nhiều khả năng HĐBA không phê chuẩn kế hoạch này. Thậm chí, nhiều đồng minh phương Tây lớn của Mỹ lo ngại, hành động quân sự sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến ở Trung Đông, trong khi không thể phá huỷ được chương trình hạt nhân bí mật và rải rác trên diện rộng của Iran.

Iran sẽ phản ứng thế nào trước các bước trừng phạt?

Iran có thể rút khỏi NPT - bản hiệp ước cấm các thành viên tìm kiếm vũ khí hạt nhân - đồng thời đẩy mạnh hoạt động làm giàu, ngừng xuất khẩu dầu sang phương Tây, kích động bạo lực thông qua các nhóm vũ trang tại Iraq, Lebanon và những vùng lãnh thổ Palestine.

Tuy nhiên, cũng có thể Iran ẩn mình, và phản ứng không đáng kể dựa vào những lợi ích xung đột của các cường quốc lớn nhằm huỷ hoại các lệnh trừng phạt.

Theo Vietnamnet ngày 22/8/2006

Tin bài khác
Online: 42
Số lượt truy cập: 10403038
Lên đầu trang
SSL