Các bên tham gia vòng đàm phán sáu bên và Trưởng Ðoàn thanh sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Adel Tolba đều xác nhận ngày 16-7 CHDCND Triều Tiên đã đóng cửa lò phản ứng hạt nhân Yongbyon đánh dấu hoàn tất giai đoạn một của Thỏa thuận Vòng đàm phán sáu bên được đưa ra ngày 13-2 năm nay. Vòng đàm phán sáu bên diễn ra tại Bắc Kinh ngày 18 - 19-7 thảo luận việc thực hiện giai đoạn hai của Thỏa thuận, theo đó Bình Nhưỡng phải công bố đầy đủ các chương trình hạt nhân và cam kết đình chỉ toàn bộ hoạt động hạt nhân của nước này.
Việc CHDCND Triều Tiên đóng cửa Tổ hợp hạt nhân Yongbyon được ông Peter Beck, Giám đốc Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế khu vực Ðông - Bắc Á, hãng tin AP coi là "một bước tiến có ý nghĩa", là "bước đi quan trọng" khai thông đàm phán tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo triều Tiên... Trong khi đó tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng (ngày 16-7) dẫn ý kiến các nhà phân tích tin tức tình báo khu vực cho rằng, CHDCND Triều Tiên có đủ các thanh nhiên liệu để sản xuất khoảng 10 vũ khí hạt nhân. Lò phản ứng hạt nhân Yongbyon, một lò kiểu cũ của Liên Xô (trước đây) đã hoạt động khoảng 20 năm và hằng năm có thể cung cấp đủ nhiên liệu để sản xuất một vũ khí hạt nhân. Theo báo này, lò phản ứng hạt nhân Yongbyon đóng cửa, nhưng CHDCND Triều Tiên vẫn là một cường quốc hạt nhân. Ðó là lý do dư luận quan tâm tình hình cơ sở hạ tầng hạt nhân của nước này.
Trang mạng CNS của Viện Nghiên cứu quốc tế
Các lò phản ứng hạt nhân :
- Lò phản ứng 2 MWt IRT - 2000 do Liên Xô giúp xây dựng hồi tháng 5 - 6-1965, đi vào hoạt động năm 1967.
- Lò phản ứng O.1 MWt do Liên Xô giúp đầu năm 1960.
- Lò phản ứng 5 MWe, khí-graphít, uranium tự nhiên được xây dựng năm 1980, hoàn thành năm 1985, đi vào khai thác đầy đủ năm 1999.
- Lò phản ứng 50 MWe, khí-graphite, uranium tự nhiên được xây dựng năm 1984, ngừng năm 1994 theo Hiệp định khung CHDCND Triều Tiên - Mỹ.
Các cơ sở chế biến hạt nhân:
- Phòng thí nghiệm tái chế/hóa từ được xây dựng từ năm 1987, ngừng năm 1994 theo Hiệp định khung CHDCND Triều Tiên - Mỹ ký năm 1994.
- Cơ sở chế biến Isotope đặt tại Trung tâm nghiên cứu năng lượng nguyên tử (AERC) Yongbyon được cho là chiết xuất plutonium từ hạt nhiên liệu bị phá vỡ của lò phản ứng hạt nhân 5 MWe năm 1990.
- Cơ sở chất thải hạt nhân có ba kho chứa tại Yongbyon. Kho 1 ở phía tây-bắc Phòng thí nghiệm tái chế/ hóa từ, hoàn thành năm 1976 được cho là đã hoạt động như một cơ sở chất thải hạt nhân nguyên sinh của AERC cho đến năm 1990.
- Bin-đinh 500 (theo CIA) là cơ sở đi vào khai thác năm 1990, được coi là một trong những cơ sở hạt nhân không công khai của CHDCND Triều Tiên. Năm 1999 nó được nối với Phòng thí nghiệm tái chế /hóa từ và đã bị lấp đi. CHDCND Triều Tiên từ chối cho các thanh sát viên của IAEA kiểm chứng cơ sở này.
Các cơ sở làm giàu uranium/thanh nhiên liệu:
- Cơ sở thanh nhiên liệu đã đóng cửa.
- Cơ sở tinh lọc nhiên liệu đang khai thác.
Các cơ sở liên quan vũ khí hạt nhân:
- Nơi thử nổ: Theo các nhà nghiên cứu hạt nhân, đây là nơi có thể được sử dụng để thử thiết bị hoặc chất gây nổ được dùng trong vũ khí hạt nhân.
Tổ hợp hạt nhân Yongbyon, theo giới quan sát, gồm hai lò phản ứng hạt nhân và một lò lớn hơn đang trong quá trình xây dựng, các phòng thí nghiệm hóa từ và kho chứa nằm trong 400 ngôi nhà. Các phương tiện thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên nằm ở vùng đông-bắc Yongbyon, cách Bình Nhưỡng khoảng 100 km về phía bắc. Roi-tơ (ngày 18-7) nói Tổ hợp hạt nhân Yongbyon có năm cơ sở, là trung tâm chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên với 2.000 nhân viên làm việc. Năm cơ sở đó gồm một lò phản ứng nguyên tử 5 mê-ga-oát; một nhà máy chiết xuất plu-tô-ni-um từ nhiên liệu hạt nhân được sử dụng trong lò phản ứng; một cơ sở thanh nhiên liệu hạt nhân và hai phòng thí nghiệm. Tổ hợp còn có một lò phản ứng 5 mê-ga-oát được xây dựng theo một hợp đồng hạt nhân ký với Mỹ năm 1994, nay chưa hoàn thiện.
Các thanh sát viên IAEA đến Yongbyon lần đầu vào tháng 7-1992. Ðoàn thanh sát viên IAEA lần này đến Yongbyon với chương trình công tác từ hai tuần đến hai tháng nhằm thực hiện Thỏa thuận ngày 13-2 của Vòng đàm phán sáu bên - đóng cửa Tổ hợp hạt nhân này.
Theo Nhandan, 23/07/2007