IAEA ra mắt Chương trình hợp tác Tia hy vọng với 11 trường đại học và tổ chức khoa học của Nhật Bản để tăng cường chăm sóc ung thư ở Châu Á và Thái Bình Dương
10:10 06/04/2023: Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã ký một thỏa thuận với hiệp hội gồm 11 thành viên đến từ các trường đại học và tổ chức khoa học ở Nhật Bản theo sáng kiến Tia hy vọng (Rays of Hope), nhằm tăng cường nguồn lực y học hạt nhân ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.

Thỏa thuận này, dựa trên những kết quả đạt được của mối quan hệ đối tác ba năm trước đó giữa IAEA và hiệp hội, nhằm mục đích khai thác các chuyên môn kỹ thuật để cung cấp thêm cơ hội đào tạo và chia sẻ kết quả nghiên cứu, giúp các bệnh viện cải thiện việc chẩn đoán và điều trị ung thư, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Sáng kiến Tia hy vọng của IAEA được khởi động vào năm 2022 nhằm hỗ trợ các quốc gia thiết lập hoặc mở rộng quy mô năng lực y học bức xạ an toàn, an ninh và hiệu quả, khắc phục sự thiếu hụt lớn về thiết bị và nhân viên có tay nghề cao ở nhiều nước đang phát triển. Bằng cách tập trung vào các quốc gia không có xạ trị hoặc tiếp cận không công bằng, Tia hy vọng ưu tiên một số can thiệp có tác động cao, hiệu quả về chi phí và bền vững phù hợp với nhu cầu và cam kết của quốc gia.
“Thỏa thuận này được xây dựng trên chương trình đối tác đã mang lại lợi ích cho 25 quốc gia thành viên trong khu vực trong vài năm qua. Các Thỏa thuận mới có tiềm năng to lớn để cải thiện các dịch vụ chăm sóc ung thư bằng cách đầu tư thời gian và nguồn lực theo cách có mục tiêu qua chương trình Tia Hy vọng.” Ông Hua Liu, Phó Tổng Giám đốc IAEA kiêm Trưởng Ban Hợp tác Kỹ thuật, cho biết tại lễ ký kết.
Hợp tác cùng nhau, IAEA và hiệp hội của Nhật Bản đã đào tạo được hơn 175 chuyên gia y tế trong các lĩnh vực như chẩn đoán hình ảnh tim, y học hạt nhân nhi khoa, thần kinh học và tâm thần học, đã tổ chức bốn khóa đào tạo vào năm 2019 và ba chuyến thăm khoa học về thần kinh học, chẩn đoán hình ảnh kết hợp và đảm bảo chất lượng thiết bị cho các nước kém phát triển.
Thỏa thuận mới, được ký kết vào tuần trước, sẽ tập trung vào việc xây dựng năng lực liên quan đến các ứng dụng lâm sàng của y học hạt nhân và trao đổi dữ liệu và thông tin. Tất cả các thành viên của hiệp hội có cơ hội tổ chức ít nhất một chuyến thăm khoa học mỗi năm.
Các bên ký kết đã đồng ý hợp tác đào tạo các chuyên gia y tế trong các chuyên ngành khác nhau của y học hạt nhân, đồng thời chia sẻ kiến thức và thực hành tốt nhất với mạng lưới rộng lớn hơn các cơ sở y học hạt nhân, với mục đích đẩy nhanh việc thành lập và mở rộng các cơ sở chăm sóc ung thư.
11 tổ chức đã ký thỏa thuận bao gồm các trường đại học và bệnh viện hàng đầu tại Nhật Bản, chuyên về các dịch vụ y học phóng xạ và nghiên cứu ung thư là: Trường Đại học Y khoa Đại học Osaka; Khoa Y Đại học Fujita Health; Đại học Y khoa Đại học Hokkaido; Đại học Y tế và Phúc lợi Quốc tế; Viện Khoa học Y tế, Dược phẩm và Sức khỏe Đại học Kanazawa; Bệnh viện Đại học Kyoto; Trung tâm Ung thư Quốc gia; Viện Nghiên cứu Khoa học Thần kinh Nam Tohoku; Cao học Y khoa Đại học Tohoku; Đại học Kagawa; và Bệnh viện Đa khoa Shonan Kamakura.
Ra mắt chỉ hơn một năm trước, sáng kiến Tia hy vọng đang nhanh chóng hoàn thành mục tiêu củng cố quan hệ đối tác chiến lược và khai thác các lĩnh vực tài trợ đa dạng để cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc ung thư ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Theo sáng kiến này, các thỏa thuận quốc tế với các hiệp hội nghề nghiệp lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này cũng như với khu vực tư nhân đã được thiết lập.
“Việc sử dụng khoa học và công nghệ hạt nhân vì sức khỏe và phúc lợi của bệnh nhân là một lĩnh vực ưu tiên của hiệp hội,” ông Jun Hatazawa từ Trường Đại học Y khoa Đại học Osaka, trường đại học hàng đầu của hiệp hội cho biết. “Việc tham gia sáng kiến Tia hy vọng của IAEA mang lại hứa hẹn mới trong việc tăng cường chẩn đoán và điều trị ung thư trong khu vực.”
Sáng kiến Tia hy vọng
Các dự án được bao gồm trong Tia hy vọng, dựa trên tính bền vững, xây dựng hoặc củng cố luật pháp và cơ sở hạ tầng an toàn bức xạ, đồng thời cung cấp kiểm soát chất lượng, hướng dẫn, đào tạo và thiết bị. Tia hy vọng kết hợp một số yếu tố thành một tập hợp các biện pháp can thiệp xây dựng và bổ sung cho nhau để tối đa hóa tác động. Thông qua việc tập trung mạnh vào các quốc gia không có xạ trị hoặc tiếp cận không công bằng, Tia hy vọng tập trung vào việc ưu tiên một số biện pháp can thiệp có tác động cao, hiệu quả về chi phí và bền vững phù hợp với nhu cầu và cam kết của quốc gia.
IAEA đang củng cố các mối quan hệ đối tác mới và khai thác các nguồn tài trợ đa dạng, bao gồm từ các chính phủ, tổ chức tài chính quốc tế và khu vực tư nhân để đảm bảo khả năng tiếp cận, tác động và tính bền vững tối đa của Tia hy vọng.

TTĐT, theo IAEA

Tin bài khác
Online: 8
Số lượt truy cập: 10354553
Lên đầu trang
SSL