RCA ghi nhận những thành tựu quan trọng vào dịp kỷ niệm 50 năm
09:09 10/10/2022: Những đại biểu tham dự sự kiện kỷ niệm 50 năm Hiệp định hợp tác vùng về Nghiên cứu, Phát triển và Đào tạo liên quan đến Khoa học và Công nghệ Hạt nhân cho khu vực Châu Á và Thái Bình Dương (RCA) đã nghe Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi đánh giá Hiệp định như một “ví dụ đẹp về hợp tác dựa trên mong muốn cải thiện cuộc sống của người dân trong khu vực”.
Với sự hỗ trợ của IAEA, RCA đã thúc đẩy thành công phát triển nguồn nhân lực trong khu vực trong 5 thập kỷ qua. Hơn 170 dự án RCA đã hỗ trợ đào tạo cho 10.000 đối tác thông qua hơn 650 khóa đào tạo khu vực. Ngoài ra, hơn 4.500 chuyên gia và giảng viên đã được mời để chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm và kỹ năng cho việc sử dụng an toàn, hiệu quả công nghệ hạt nhân trong hỗ trợ phát triển bền vững.
Được tổ chức bên lề Đại hội đồng lần thứ 66 của IAEA để kỷ niệm 50 năm ngày thành lập RCA, Hội nghị cấp Bộ trưởng RCA lần đầu tiên được tổ chức đã mang đến một cơ hội để cùng nhìn lại những thành tựu này. Để ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc, một buổi lễ trao giải do Chủ tịch RCA, ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, đã vinh danh những đóng góp của các cá nhân và tổ chức. 28 giải thưởng đã được trao cho những người nhận từ 12 quốc gia, mỗi người nhận được đề cử bởi các Quốc gia thành viên của RCA dựa trên cam kết và hỗ trợ lâu dài của họ đối với chương trình RCA.
“Những thành tựu và câu chuyện thành công này có thể là những ví dụ điển hình về sự gắn kết và hợp tác trong khu vực, và chúng ta phải rút ra những bài học kinh nghiệm từ 50 năm qua để phấn đấu xây dựng trên những thành công của mình”, ông Hua Liu, Phó Tổng Giám đốc IAEA kiêm Trưởng ban Hợp tác Kỹ thuật phát biểu tại lễ trao giải.
Tại Hội nghị cấp Bộ trưởng, các Quốc gia thành viên RCA đã củng cố cam kết của mình đối với chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA, qua việc thông qua Tuyên bố chung. Tuyên bố tái khẳng định vai trò quan trọng của RCA trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, góp phần giải quyết các thách thức khu vực và nâng cao phúc lợi kinh tế - xã hội của khu vực. Ngoài việc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thỏa thuận 50-năm tuổi này, Tuyên bố chung đặt ra các ưu tiên trong tương lai, bao gồm mở rộng thành viên trong khu vực và tăng cường quan hệ đối tác để đảm bảo thành công sâu rộng.
Cũng trong tuần diễn ra Đại hội đồng IAEA, một cuộc họp của các đại diện quốc gia RCA để xác định các ưu tiên khu vực trong tương lai cho Hiệp định. Các quốc gia thành viên đã nghe cách thức mà Chiến lược trung hạn RCA cho giai đoạn 2024-2029 đang được soạn thảo dựa trên các bài học kinh nghiệm.
Các đại diện cũng thảo luận về kết quả của một nghiên cứu khả thi tập trung vào một chương trình học bổng RCA tiềm năng trong các lĩnh vực liên quan đến hạt nhân có thể xây dựng năng lực của khu vực về nguồn nhân lực có trình độ cao thông qua các chương trình thạc sĩ. Thay mặt Việt Nam, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch RCA, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh vai trò then chốt của nguồn nhân lực đối với sự thành công của bất kỳ chương trình khoa học hoặc chương trình hạt nhân nào.
Chương trình học bổng đang được thảo luận sẽ mở rộng dựa trên sự hỗ trợ hiện nay của IAEA, với mục tiêu tiếp cận khoảng 1.000 người được trao vào năm 2032. Ở Châu Á và Thái Bình Dương, nhiều quốc gia đã thiết lập các chương trình học bổng giáo dục sau đại học trong nhiều lĩnh vực liên quan đến hạt nhân, bên cạnh Chương trình Học bổng Marie Sklodowska-Curie của IAEA, tài trợ cho khoảng 100 sinh viên nữ mỗi năm.
Là hiệp định đầu tiên trong số các hiệp định khu vực của IAEA, RCA đã phát triển từ một sáng kiến ​​mang tính đột phá thành chất xúc tác cho sự phát triển trong khu vực. “RCA đã có 50 năm kinh nghiệm, chúng ta hãy cam kết trong 50 năm nữa và cho các thế hệ tiếp theo,” Tổng Gám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết.
RCA được thành lập năm 1972 dưới sự bảo trợ của IAEA nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực trong việc sử dụng hòa bình khoa học và công nghệ hạt nhân nhằm giải quyết các thách thức trong khu vực thông qua nghiên cứu và phát triển.
Hiện có 22 quốc gia thành viên tham gia Hiệp định RCA: Úc, Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, New Zealand, Pakistan, Palau, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam.
Cuộc họp hai năm một lần tiếp theo của các Đại diện Quốc gia RCA sẽ diễn ra tại Úc vào năm 2023.
TTĐT, theo IAEA
Tin bài khác
Online: 4
Số lượt truy cập: 10344819
Lên đầu trang
SSL