Các nhà nghiên cứu Campuchia sử dụng kỹ thuật đồng vị để nâng cao năng suất cây trồng và thu nhập cho người nông dân
08:08 13/07/2017: Tại Phnom Penh, Campuchia, các nhà nghiên cứu nông nghiệp nhận thấy những người nông dân nghèo không đủ khả năng tài chính mua phân hóa học nhưng vẫn có thể đạt được năng suất cây trồng cao bằng cách sử dụng nhiều phân hữu cơ, đồng thời trồng các loại cây xen canh giữa các vụ mùa. Khuyến nghị của họ được đưa ra sau khi IAEA và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) hỗ trợ thực hiện nghiên cứu sử dụng các kỹ thuật liên quan đến hạt nhân để đo đạc mức nước và số lượng phân bón dùng cho cây lúa và các cây trồng khác.
Campuchia là một trong số những quốc gia đang phát triển sử dụng các kỹ thuật như vậy để nâng cao năng suất cây trồng, tối ưu hóa lượng phân bón sử dụng và xem xét loại lúa, ngũ cốc, và rau xanh nào thích hợp trồng xen canh để có hiệu quả tốt nhất trong việc sử dụng phân bón.  Hiện nay, các nhà khoa học từ 60 quốc gia đang được IAEA cùng FAO hỗ trợ thực hiện các nghiên cứu trong lĩnh vực này. 
Hỗn hợp phân hữu cơ và vô cơ
Các nhà khoa học thực hiện nhiều thử nghiệm tại Viện nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Campuchia (CARDI), nhận thấy khi phân bón vô cơ không được hấp thụ hết hoặc không đem lại năng suất cây lúa cao thì việc thay thế một nửa số lượng phân hóa học đang sử dụng bằng các chất hữu cơ đã đem lại lợi ích kinh tế cho người nông dân, ông Sarith Hin, Giám đốc khoa học đất đai và nguồn nước tại CARDI giải thích.
Ông Hin cho biết: “các kết quả chứng minh rằng dù cho những người nông dân nghèo không đủ tiền để mua nhiều phân bón, nhưng vẫn có thể tăng năng suất cây trồng.” Trong trường hợp của cây đậu phộng, một cây công nghiệp họ đậu, việc cắt giảm một nửa số lượng phân hóa học bằng hỗn hợp phân gia súc và rơm đã đem lại năng suất cao gấp đôi (theo dõi sơ đồ). Đối với cây lúa, cho dù sử dụng số lượng phân hóa học ít đi thay vào đó là sử dụng phân hữu cơ thì năng suất cây trồng không giảm so với việc chỉ bón phân hóa học.

Tại Campuchia, nông nghiệp chiếm 27% tổng nền kinh tế, và là nguồn kinh tế chính của khoảng 60% người dân. Quốc gia này có nhiều nông dân chỉ sống dựa vào nông nghiệp, do đó việc nâng cao sản lượng cho cây trồng là chìa khóa để tăng thu nhập và giúp họ thoát nghèo. Trước đây, nông dân Campuchia không sử dụng phân bón trong nông nghiệp.
Borey Thai là nông dân tại tỉnh Kampong Speu, phía nam của Phnom Penh. Cô có 1.5 hec đất, và trong vụ mùa năm nay cô cắt giảm một nửa phân bón hóa học thay bằng hỗn hợp phân chuồng và rác thải tại nông trại - nhờ đó tiết kiệm được 1/3 chi phí mua phân bón. Cô cho biết: “sử dụng loại phân hỗn hợp này rẻ hơn rất nhiều, nhưng lại nhiều việc hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là tôi có thể sử dụng số tiền tiết kiệm được để sửa sang lại ngôi nhà của mình.” Cô hi vọng sản lượng năm nay sẽ tăng khoảng 20% so với năm trước, nhờ việc sử dụng phân bón hỗn hợp.
Tuy nhiên, có một khó khăn, mà người nông dân gặp phải, là lấy phân hữu cơ có chất lượng tốt ở đâu? Cô Borey Thai cho biết thêm: “Nếu người nông dân có nhiều phân chuồng hơn, chúng tôi sẽ chuyển sang dùng phân hữu cơ.”
Cây trồng xen canh
Các nhà nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Campuchia nhận thấy việc trồng xen canh các cây trồng khác trên cánh đồng vào giữa mùa trồng lúa là một phướng pháp khác giúp người nông dân tăng thu nhập. Theo truyền thống, nông dân chỉ trồng lúa vào mùa mưa. Còn vào mùa khô, các cánh đồng đều bị bỏ hoang.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy thời tiết trong mùa khô phù hợp với một số loại cây trồng, đặc biệt là cây họ đậu như đậu đỏ và đậu lăng. Phirum cho biết: “Việc trồng xen canh gối vụ không chỉ giúp nông dân tăng thêm thu nhập, mà cây đậu xanh còn hấp thụ thêm nitơ từ khí quyển vào trong đất, thêm nữa, việc phân hủy thân cây đậu cũng góp phần làm tăng chất lượng đất, dẫn đến năng suất cây lúa cao hơn trong vụ mùa sau.” Các nhà nghiên cứu sử dụng kỹ thuật đồng vị nitơ-15 để nghiên cứu số lượng phân bón được cây hấp thụ từ đất, một lượng ổn định từ khí quyển, để xác định số lượng phân bón hiệu quả cần sử dụng.
Các nhóm nghiên cứu nhận được nhiều hình thức hỗ trợ theo chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA. Họ học được cách sử dụng kỹ thuật liên quan đến hạt nhân và các kỹ thuật khác tại các buổi hội thảo và các khóa học tại các quốc gia láng giềng. Họ được hỗ trợ các thiết bị và vật liệu để thực hiện các thí nghiệm, và được các chuyên gia của Phòng kỹ thuật hạt nhân hợp tác giữa FAO/IAEA về Thực phẩm và Nông nghiệp hỗ trợ giải thích các kết quả. 

Khoa Học- Đồng vị Nitơ
Ni tơ đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và quang hợp của thực vật. Quang hợp là quá trình chuyển hóa năng lượng từ ánh sáng mặt trời thành năng lượng hóa học. Nitơ thường được thêm vào đất dưới dạng phân bón. Việc sử dụng phân bón có gắn đồng vị ổn định Nitơ 15(15N)- một nguyên tử có thêm neutron so với các Nitơ thông thường- giúp các nhà khoa học có thể theo dõi quá trình và xác định mức độ hấp thụ phân bón của cây trồng hiệu quả như thế nào. Kỹ thuật này giúp xác định số lượng phân bón tối ưu để sử dụng. 
Trung tâm TTĐT- Theo IAEA
Tin bài khác
Online: 64
Số lượt truy cập: 10352485
Lên đầu trang
SSL