Cuộc gặp Mỹ - Iran: Kỷ nguyên mới?
00:12 28/05/2007: Cuộc gặp giữa đại sứ Mỹ và Iran tại Iraq diễn ra hôm nay được coi là một phần trong bước chuyển quan trọng trong chính sách của Mỹ?

Đây sẽ là cuộc gặp song phương chính thức đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 1979, thời điểm mối quan hệ ngoại giao của hai bên bị đổ vỡ. Liệu cuộc gặp này có mở ra một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ giữa hai nước?

Trước tiên, nhìn vào những diễn biến vào đêm trước của cuộc ’’hội kiến quan trọng’’, chúng ta không thấy bất kỳ dấu hiệu của sự thoả hiệp nào từ cả hai phía.

Cuộc đối đầu giữa WashingtonTehran xung quanh chương trình hạt nhân của Iran đang ngày một nóng bỏng, và xem như thể nó đang leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang.

Mới đây, Mỹ đã ’’giương oai, diễu võ’’ khi điều hàng loạt tàu chiến chở 150 chiến đấu cơ tiến hành tập trận trên vịnh Persian, gần bờ biển Iran. Đại diện tiêu biểu của phe diều hâu ở Mỹ, Phó Tổng thống Dick Cheney đã thẳng thừng thừa nhận, cuộc triển khai rầm rộ đó nhằm gửi một thông điệp tới Tehran.

Thêm nữa, mới hôm qua Iran tuyên bố lật tẩy một số mạng lưới gián điệp được điều hành bởi Mỹ và các đồng minh phương Tây - lực lượng chiếm đóng ở Iraq.

"Các mạng lưới gián điệp này đang hoạt động dưới sự chỉ đạo của các cơ quan an ninh  tình báo của những kẻ chiếm đóng và sự hỗ trợ của một số phe cánh có ảnh hưởng tại Iraq", trích thông báo được phát trên đài truyền hình quốc gia Iraq.

Đặc biệt, Mỹ và Israel đang gia tăng nỗ lực ’’phá hoại’’ nền kinh tế Iran. Cả hai nước đang cố thuyết phục các công ty lớn,  các nhà băng, quỹ tín dụng và nhiều định chế tài chính khác không cho Iran vay tiền, không làm ăn với các ngân hàng Iran, cấm mọi hình thức buôn bán vũ khí với Iran và trừng phạt các công ty làm ăn hoặc đầu tư vào Iran.

Trong tuần này, Mỹ, Anh và Pháp sẽ thuyết phục Hội đồng bảo an LHQ thông qua bản nghị quyết thứ ba áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế, chính trị và tài chính đối với Iran nếu nuớc này không dừng các hoạt động làm giàu uranium. Tuy nhiên, giả sử bản nghị quyết thứ ba này có được thông qua, thì cũng có rất ít khả năng Iran tuân thủ. Chú ý, Tehran đã phớt lờ hai bản nghị quyết trước đó của HĐBA thông qua hồi tháng 12/2006 và 3/2007.

Tổng giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohammad Al Baradei đã ’’lao tâm khổ tứ’’ ngăn chặn cuộc khủng hoảng leo thang thành chiến tranh. Ông đã đề xuất một công thức giúp cả hai phía đều có thể rút chân khỏi bờ vực chiến tranh mà không bị mất mặt. Là một người thực tế, ông Al Baradei đề xuất nên để Iran được phép ’’làm giàu một lượng uranium nhất định’’ và rằng, thời gian còn nhiều dành cho các nỗ lực ngoại giao, do đó phương Tây và Israel không cần phải lo sợ. Tuy nhiên, Anh, Pháp và Mỹ đã thẳng thừng bác bỏ. 

Đá trả những động thái gia tăng sức ép của phương Tây, Iran đã tăng tốc các hoạt động làm giàu uranium, bắt hàng loạt các nhân vật người Mỹ gốc Iran, trong đó có Haleh Esfandiari, một học giả tại Trung tâm Học giả quốc tế Woodrow Wilson có trụ sở tại Washington và Kian Tajbakhsh, một nhà quy hoạch đô thị làm việc cho Viện Xã hội mở George Soros.

Như vậy, những động thái ăn miếng trả miếng giữa hai bên chắc chắn ảnh hưởng rất nhiều tới ’’cuộc gặp lịch sử’’ giữa đại sứ Mỹ và người đồng nhiệm Iran tại Baghdad để bàn về vấn đề an ninh Iraq.

Thật khó cho cả hai tiến tới những biện pháp bình ổn Iraq trong khi vẫn ’’hăng máu cãi nhau’’ xung quanh vấn đề hạt nhân Iran. Một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ - Iran chắc hẳn vẫn chưa được mở.

Theo Tintuconline, 28/05/2007

Tin bài khác
Online: 8
Số lượt truy cập: 10343554
Lên đầu trang
SSL