Kiểm tra nguồn phóng xạ tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân
00:12 26/07/2006: Nhằm tăng cường công tác đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ tại các cơ sở bức xạ và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm về Tổng kiểm tra các nguồn phóng xạ trong phạm vi cả nước, vào hồi 8h30 ngày 18/7/2006, Đoàn kiểm tra của Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân (KSATBXHN) đã đến Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (KHKTHN) để kiểm tra việc thực hiện pháp luật và công tác quản lý các nguồn phóng xạ tại đây.

Tham gia Đoàn kiểm tra có ông Ngô Đặng Nhân - Cục trưởng Cục KSATBXHN làm Trưởng đoàn và các chuyên viên Phòng Hỗ trợ kỹ thuật của Cục KSATBXHN làm thành viên.

Tính đến thời điểm này, Viện KHKTHN là đơn vị có tổng số 89 nguồn phóng xạ dùng trong nghiên cứu và đào tạo. Số nguồn này nằm tại 3 trung tâm của Viện đó là Trung tâm kỹ thuật hạt nhân, Trung tâm Kỹ thuật an toàn bức xạ & môi trường và Trung tâm chiếu xạ.

Đoàn kiểm tra làm việc với Lãnh đạo Viện và các thành phần có liên quan về công tác quản lý các nguồn phóng xạ. Tiếp đó, Đoàn đã tiến hành kiểm tra xác suất 2 trong 3 cơ sở trên và có những nhận xét cụ thể như sau. Tại Trung tâm Kỹ thuật an toàn bức xạ và môi trường, trong tổng số 39 nguồn phóng xạ của Trung tâm có 37 nguồn đã được cấp phép, 2 nguồn còn lại đã hoàn thành thủ tục xin cấp phép và đang chờ được giải quyết. Nhìn chung, Trung tâm tuân thủ đầy đủ những quy định về an toàn và kiểm soát bức xạ của Nhà nước, có đầy đủ các biển cảnh báo bức xạ, nội quy an toàn.

 

Tại Trung tâm kỹ thuật hạt nhân, vào thời điểm Đoàn tiến hành kiểm tra, Trung tâm có tổng số 45 nguồn phóng xạ, trong đó 28 nguồn phóng xạ đã được cấp phép, 14 nguồn phóng xạ đã hoàn thành thủ tục xin cấp phép và 3 nguồn phóng xạ mới nhập về chưa kịp làm thủ tục khai báo. Trung tâm có tiến hành kiểm kê nguồn phóng xạ, nắm rõ số nguồn phóng xạ mà đơn vị mình đang quản lý, tuân thủ tương đối đầy đủ các quy định của Nhà nước về lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ. Tuy nhiên, Trung tâm chưa có sổ sách theo dõi sự di chuyển của các nguồn phóng xạ và tại sổ theo dõi các nguồn phóng xạ vẫn tồn tại một vài thông tin chưa chính xác. Ngoài ra, trong kho nguồn chưa có biển cảnh báo mức phóng xạ, chưa có các phương tiện thích hợp để thao tác với các vật nặng khi tiếp cận với nguồn phóng xạ và còn thiếu thiết bị đo kiểm soát mức liều.

Đợt kiểm tra đã cho thấy Viện KHKTHN là một đơn vị có nhiều nguồn và công tác quản lý ở đây tương đối tốt. Đơn vị nắm được hầu hết tổng số nguồn hiện có và biết rõ vị trí để nguồn. Trong thời gian tới, để hoàn thiện hơn nữa công tác quản lý, Viện KHKTHN cần có quy chế thống nhất trong toàn Viện về quản lý các nguồn bức xạ và khắc phục những thiếu sót còn đang tồn tại.

Hà Mi

 

 

 

Tin bài khác
Online: 11
Số lượt truy cập: 10353042
Lên đầu trang
SSL