Về Nguồn - về với đất thiêng Quảng Trị
08:08 09/04/2024: Ngày 6 tháng 4 năm 2024, Chi bộ Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) tổ chức Chương trình “Về Nguồn - về với đất thiêng Quảng Trị” do đồng chí Nguyễn Tuấn Khải – Bí thư Chi bộ, Cục trưởng Cục ATBXHN làm trưởng đoàn.
Chương trình Về nguồn có sự tham dự của đồng chí Phạm Gia Chương, Phó Bí thư thường trực Đảng bộ Bộ KHCN; đại diện Công đoàn, Đoàn Thanh niên, các đồng chí đảng viên Chi bộ và quần chúng Cục ATBXHN. 
Trong chuỗi các hoạt động về nguồn, Đoàn đã đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trong không khí trang nghiêm, các thành viên Đoàn đã kính cẩn dâng hương và dành phút mặc niệm bày tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc trước công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người Anh hùng của dân tộc, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.
Đến với Quảng Trị vào những ngày đầu tháng 4 trong không khí cả nước tưng bừng chuẩn bị kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2024). Đoàn đã dừng chân tại Cầu Hiền Lương. Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải của tỉnh Quảng Trị là chiếc cầu biểu tượng cho nỗi đau của 20 năm chia cắt đất nước đồng thời cũng là biểu tượng cho khát vọng thống nhất non sông trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đoàn đến thăm Di tích Hiền Lương - Bến Hải
Địa danh Hiền Lương - Bến Hải là nơi đã chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền và những sự kiện lịch sử gắn với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân ta trong thời kỳ chống Mỹ - Ngụy. Sau khi Hiệp định Giơ-Ne-Vơ được ký kết ngày 20/7/1954, nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Bắc - Nam, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm ranh giới, để chờ đến tháng 7/1956 tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng với những biến cố do sự phá hoại của các thế lực thù địch, đã khiến chúng ta phải mất 21 năm sau (1975), với bao xương máu của chiến sĩ, đồng bào đã đổ xuống mới giành được độc lập, thống nhất đất nước.
Tiếp đó, Đoàn đã đến dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, nơi an nghỉ của hơn 10.300 anh hùng liệt sỹ trên khắp mọi miền đất nước đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Suốt những năm tháng kháng chiến trường kỳ, bộ đội Trường Sơn đã không ngừng phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần quyết chiến quyết thắng, liên tục tiến công, vượt qua mưa bom, bão đạn, đạp bằng mọi khó khăn gian khổ, anh dũng mở đường, hoàn thành thắng lợi đặc biệt xuất sắc, lập nên kỳ công trong lịch sử chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

Dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn
Tiếng chuông ngân lên, không gian trầm mặc, uy nghiêm, cả đoàn lặng lẽ cúi đầu tưởng nhớ công ơn các Anh hùng liệt sỹ không tiếc xương máu tuổi xuân nhuộm thắm lá cờ tổ quốc, hy sinh cho tự do của đất nước.
Tại đây, Chi bộ Cục ATBXHN đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề: Học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xúc động trước sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ, đồng chí Lâm Thị Hà Mi, đảng viên trẻ Chi bộ Cục ATBXHN đã sáng tác bài thơ “Gửi người lính Trường Sơn”:
…..
Anh nằm xuống khép lại nỗi đau
Khép lại ước mơ vẫn còn dang dở
Khép lại thanh xuân tươi hồng rực rỡ
Nhưng vết thương chiến tranh...không khép lại bao giờ
......
Đoàn cũng được nghe các quần chúng ưu tú kể lại những câu chuyện hết sức cảm động, chân thực, đời thường về Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó hiện lên hình ảnh một con người Hồ Chí Minh giản dị, gần gũi, một nhân cách lớn, hiện thân của đạo đức cách mạng sáng ngời, suốt đời gắn bó với nhân dân, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân.
Điểm tiếp theo, Đoàn đã đến dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị. Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy năm 1972 Thành cổ Quảng Trị được cả thế giới biết đến qua cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt, đây được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính Thành Cổ đã ngã xuống vì quê hương vì sự hòa bình thống nhất đất nước.
Đến với Thành cổ Quảng Trị hôm nay không chỉ nhìn lại dấu vết của một số đoạn thành, lao xá, các cổng tiền, hậu, tả, hữu mà là một bảo tàng sống về ý chí và sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Mỗi tấc đất nơi đây thấm đẫm máu xương của biết bao người con yêu quý trên mọi miền Tổ quốc vì một lý tưởng cao đẹp đó là độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Chính vì vậy, Thành cổ Quảng Trị trở thành mảnh đất thiêng, nơi hội tụ tình cảm của chiến sỹ, đồng bào cả nước, là nơi tôn vinh, tri ân cho những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự độc lập tự do của Tổ quốc về sự trường tồn của dân tộc. Nơi đây mãi mãi là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước tinh thần bất khuất kiên trung của cả một dân tộc anh hùng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Hành trang người lính
Chuyến công tác về nguồn là đợt sinh hoạt chính trị ngoại khóa, có ý nghĩa giáo dục về tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, về truyền thống cách mạng vừa mang ý nghĩa tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc gìn giữ giá trị di sản văn hóa của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc đối với mỗi đảng viên Chi bộ Cục ATBXHN. Qua đó cũng thắt chặt hơn nữa sự đoàn kết, thống nhất để ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Chi bộ Cục ATBXHN./.
TTĐT, Cục ATBXHN
Tin bài khác
Online: 118
Số lượt truy cập: 10343839
Lên đầu trang
SSL