Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Pháp lệnh an toàn và Kiểm soát bức xạ
00:12 25/04/2006: Ngày nay, khái niệm “bức xạ” không còn mới mẻ và xa lạ đối với mỗi chúng ta. Bức xạ hay còn gọi là Bức xạ ion hoá được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Hiệu quả mà chúng đem lại cho mọi lĩnh vực đời sống như y tế, công nghiệp, nông nghiệp, nghiên cứu…hoàn toàn không nhỏ và được cả xã hội thừa nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà chúng đem lại, bức xạ ion hoá còn có thể gây ra những mối nguy hiểm lớn, ảnh hưởng tới sức khoẻ con người và môi trường. Loài người đã phải trả giá đắt cho những tai nạn & sự cố phóng xạ xảy ra trên thế giới những năm gần đây. Chính vì vậy, vấn đề bảo đảm an toàn bức xạ là vô cùng quan trọng, cần được quan tâm đặc biệt của mỗi quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế.

Việt Nam đang trên con đường phát triển Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá đất nước và tiến hành hội nhập với quốc tế & khu vực, vì thế để thúc đẩy những ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào cuộc sống, đặc biệt trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đồng thời tránh cho nhân dân khỏi tai nạn về phóng xạ, ngày 25 tháng 6 năm1996 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ (Pháp lệnh ATKSBX). Pháp lệnh này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1997.

Đây là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất hiện nay trong lĩnh vực bức xạ hạt nhân và cũng là nền tảng cơ sở để xây dựng Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử sắp tới. Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ năm 1996 đã quy định việc thống nhất quản lý nhà n­ớc về an toàn và kiểm soát bức xạ trong phạm vi cả nước và giao cho Bộ Khoa học Công nghệ & Môi trường, nay là Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà n­ước về an toàn và kiểm soát bức xạ.

Hướng tới Kỷ niệm 10 năm ngày ban hành Pháp lệnh ATKSBX của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 25/6/1996 – 25/6/2006, chúng ta có dịp nhìn lại chặng đường thực hiện và triển khai Pháp lệnh này vào cuộc sống cùng với những đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ an toàn bức xạ.

Trước hết, phải khẳng định sự ra đời của Pháp lệnh ATKSBX là tất yếu, cần thiết và là công cụ hữu hiệu giúp cơ quan nhà nước thực hiện tốt công tác quản lý an toàn bức xạ.

Thực tế đã chứng minh khẳng định này, bởi vì đại đa số các cơ sở bức xạ chủ yếu là của Nhà nước đã tồn tại, hoạt động trong nhiều năm nhưng thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn bức xạ cũng như thiếu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn về an toàn bức xạ, quản lý chất thải phóng xạ.

Trong 10 năm qua, mặc dù còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của đội ngũ cán bộ an toàn bức xạ và sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ KH&CN và các Bộ, ngành có liên quan, Pháp lệnh ATKSBX đã từng bước đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng. Từ chỗ các nguồn bức xạ không được quản lý, đến nay hầu hết các nguồn bức xạ đã được theo dõi, kiểm soát. Chúng ta đã tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm soát an toàn bức xạ trong cả nước. Hệ thống đăng ký và cấp phép cho cơ sở bức xạ và các hoạt động khác có liên quan đến sử dụng bức xạ đã được hình thành. Có rất nhiều cơ sở bức xạ đang hoạt động được cấp phép và nhiều thiết bị bức xạ được khai báo. Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân là cơ quan trực thuộc Bộ KH&CN có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc khai báo, đăng ký và cấp phép cho các cơ sở bức xạ, hạt nhân đã cố gắng cải tiến thủ tục đăng ký cấp phép theo hướng hữu hiệu nhất. Cục đã có kế hoạch đưa công nghệ thông tin vào quản lý, tiến tới sẽ phổ biến phần mềm E-RAIS cho các Sở KH&CN. Khi phần mềm này được áp dụng, công tác quản lý các nguồn và cơ sở bức xạ sẽ được thông suốt từ Trung ương đến địa phương và mọi thông tin đăng ký cấp phép có thể cập nhật từng ngày. Phát biểu về vấn đề này, ông Lã Trường Giang, phụ trách phòng Đăng ký, Cấp phép của Cục đã khẳng định: “E-RAIS là một phần mềm rất tiện ích và khi đi vào sử dụng nó sẽ trở thành công cụ đắc lực phục vụ cho công tác quản lý cấp phép cũng như đẩy mạnh việc thực thi Pháp lệnh ATKSBX”.

Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo an toàn cho cán bộ làm việc trong Ngành cũng được Pháp lệnh quy định rõ. Công tác kiểm soát liều chiếu xạ nghề nghiệp cho nhân viên bức xạ đang được triển khai thực hiện. Việc kiểm soát an toàn bức xạ & đảm bảo chất lượng chiếu xạ y tế đã bắt đầu được quan tâm.

Pháp lệnh ATKSBX ra đời đã thực sự góp phần đáng kể trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở cũng như những người làm việc trong lĩnh vực này về an toàn và an ninh nguồn. Pháp lệnh không chỉ là căn cứ để Nhà nước quản lý tốt những nguồn phóng xạ mà còn có tác dụng phổ biến kiến thức về an toàn bức xạ cho toàn thể nhân dân.

Tuy nhiên, quá trình 10 năm thực hiện cũng đã bộc lộ một số bất cập và hạn chế trong nội dung của Pháp lệnh. Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần phải hoàn thiện, sửa đổi và bổ sung Pháp lệnh cho phù hợp với thực tiễn và các chuẩn mực quốc tế.

Hiện nay, Bộ KH&CN đang triển khai đề án nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật năng lượng nguyên tử. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ, hạt nhân vẫn tiếp tục được tăng cường, trong đó việc rà soát và hoàn thiện Pháp lệnh ATKSBX là vô cùng quan trọng và là trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan. Hy vọng Pháp lệnh ATKSBX trong tương lai sẽ sớm được hoàn thiện và phát huy vai trò là kim chỉ nam cho cơ quan Nhà nước về quản lý an toàn bức xạ.

Hà Mi

Tin bài khác
Online: 13
Số lượt truy cập: 10353897
Lên đầu trang
SSL