Một ngày làm việc ở Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt
00:12 14/04/2006: Mỗi tháng, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt có 108 giờ hoạt động liên tục để chiếu mẫu sản xuất đồng vị phóng xạ sử dụng trong y tế, phân tích kích hoạt nơtron, thực hiện các thí nghiệm ứng dụng và nghiên cứu cơ bản liên quan đến vật lý hạt nhân và vật lý nơtron.

Trước khi khởi động Lò phản ứng, kíp vận hành lò  phải kiểm tra tỉ mỉ, thận trọng các hệ thống công nghệ của lò phản ứng (hệ đo liều phóng xạ, hệ cung cấp điện, hệ thống làm nguội, hệ thống thông gió, hệ điều khiển lò phản ứng…). Vì vậy, có thể xem ngày đầu tiên của mỗi đợt làm việc 108 giờ là ngày đặc biệt trong tháng ở Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (Viện NCHN).

Thứ hai, ngày 10/4/2006 là một ngày làm việc đặc biệt như vậy. Chúng tôi, hai cán bộ Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân đã có mặt từ 8 giờ sáng, để chứng kiến công tác chuẩn bị cho khởi động Lò phản ứng. Giám đốc Trung tâm Lò phản ứng (thuộc Viện NCHN) và kíp vận hành gồm 7 người đã có mặt, sẵn sàng ở vị trí làm việc. Trên tay Giám đốc là bản báo cáo kỹ thuật xác nhận tình trạng sẵn sàng của thiết bị trong các hệ thống công nghệ của lò phản ứng và quyết định của Lãnh đạo Viện NCHN cho phép lò hoạt động liên tục 108 giờ. Mặc dù các hệ thống nói trên đã được các bộ phận quản lý trực tiếp kiểm tra và có xác nhận cho phép hoạt động từ thứ sáu tuần trước, nhưng kíp vận hành vẫn phải có trách nhiệm tổng kiểm tra lại toàn bộ trước khi khởi động lò.

Giám đốc Trung tâm Lò phản ứng cho biết, việc kiểm tra thường mất khoảng 60 phút, sau đó là thao tác nâng công suất lò từ 0 lên 500 kW trong khoảng 60-90 phút và chế độ tải nhiệt của lò phản ứng sẽ đạt cân bằng sau khoảng 3-4 giờ.

Nhưng hôm nay hai bất thường nhỏ đã xảy ra. Đầu tiên, một đèn tín hiệu báo trạng thái làm việc của một quạt thông gió không sáng ở chế độ kiểm tra đèn đã làm cho công tác kiểm tra toàn bộ các hệ thống công nghệ phải kéo dài thêm 45 phút. Tiếp theo, khi lò đang được tăng dần công suất lên 80% công suất danh định, thì chuông cảnh báo xuất hiện, báo hiệu một trong 3 tủ thu nhận và xử lý thông tin về mật độ thông lượng nơtron thuộc hệ điều khiển lò phản ứng có vấn đề. Theo Bảng phân loại các biến cố hạt nhân Quốc tế (INES) của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), thì đây chỉ là sự kiện mức 0 (tức là không có ý nghĩa đối với an toàn), nhưng Giám đốc Trung tâm Lò phản ứng vẫn yêu cầu bộ phận điện tử lò phản ứng phải kiểm tra lại và mời Phó Viện trưởng Viện NCHN - phụ trách công tác vận hành lò - trực tiếp đến phòng điều khiển để xin ý kiến chỉ đạo. Cuối cùng thì vấn đề đối với tủ thu nhận và xử lý thông tin về mật độ thông lượng nơtron cũng đã được khắc phục. Lò phản ứng đã đạt giá trị công suất danh định 500 kW.

Đồng hồ chỉ quá 12 giờ từ lâu, mà nhiều người ở Trung tâm Lò phản ứng vẫn chưa nghĩ đến chuyện phải đi ăn cơm trưa…

Được chứng kiến các đồng nghiệp ở Viện NCHN làm việc, chúng tôi rất cảm phục tinh thần làm việc nghiêm túc, cẩn trọng của họ.

Nhưng với tư cách là cán bộ của Cơ quan quản lý về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, chúng tôi xin được có ý kiến: Viện NCHN đã có quy định rất chặt chẽ đối với kíp vận hành lò, có danh bạ điện thoại của tất cả cán bộ Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam trong Phòng Điều khiển, nhưng nên có quy định ràng buộc hơn đối với những chức danh quan trọng cần thiết được huy động giải quyết bất thường có thể xảy ra: họ phải ở đâu, số điện thoại liên lạc…; các số điện thoại này phải dễ thấy ngay trong Phòng Điều khiển. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, ở một số người làm công tác vận hành lò phản ứng quá lâu có thể nảy sinh tâm lý chủ quan. Vì vậy, nên có chế độ thay đổi vị trí công tác cho các cán bộ vận hành lò. Tuy nhiên, qua các cán bộ của Viện, chúng tôi được biết, Viện NCHN có thể có đủ nhân lực cho 5 kíp vận hành. Nhưng mỗi kíp vận hành có 2 vị trí quan trọng, đó là kíp trưởng và kỹ sư điều khiển. Mà hiện Viện NCHN cũng chỉ có 5 kíp trưởng và 5 kỹ sư điều khiển, trong đó có 1 kỹ sư điều khiển còn đang ở chế độ tập sự, chưa được chính thức giao nhiệm vụ. Như vậy, chỉ còn cách là Viện NCHN phải được tăng cường thêm cán bộ chuyên ngành vật lý hạt nhân và tự đào tạo bổ sung nhân lực cần thiết cho chính mình.

LCD

Tin bài khác
Online: 8
Số lượt truy cập: 10353264
Lên đầu trang
SSL