Chi bộ Cục ATBXHN tổ chức chương trình Về nguồn tại Thanh Hóa
10:10 13/02/2023: Ngày 11 tháng 2 năm 2023, Chi bộ Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) tổ chức chuyến công tác Về nguồn tại tỉnh Thanh Hóa. Tham gia Đoàn công tác, có các đồng chí Phạm Gia Chương, Phó Bí thư thường trực Đảng bộ Bộ KHCN, đồng chí Nguyễn Tuấn Khải, Bí thư Chi bộ Cục ATBXHN, các đồng chí đảng viên và quần chúng Cục ATBXHN.
Thanh Hóa là là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, nơi đây có bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống văn hoá độc đáo. Nhắc đến vùng đất xứ Thanh, người ta nhớ đến cái nôi của những vị anh hùng dân tộc, những câu chuyện lịch sử hùng tráng với những chiến tích vẻ vang.
Trong khuôn khổ chương trình, Đoàn đã đến thăm Thành nhà Hồ. Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) nằm ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới. Công trình được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ. Thành nhà Hồ với những nét đẹp cổ kính, rêu phong, là chứng tích cho một giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam. Ngày 27/6/2011, Di tích Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Tiếp đó, Đoàn đã đến dâng hương tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá). Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi (1385-1433), là nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh (1418-1428). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long (Đông Kinh), mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh). Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... cũng bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn với hai chức năng chính: Điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời, cũng là nơi ở của quan lại và quân lính thường trực trông coi Lam Kinh; Khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc. Lam Kinh ngày nay không chỉ là sơn lăng nhà Lê xưa, mà những giá trị to lớn về mặt lịch sử và văn hóa, vật chất và tinh thần không thể thay thế. Lam Kinh là biểu tượng cho niềm tự hào dân tộc ở một giai đoạn lịch sử oai hùng chống giặc ngoại xâm, cũng như công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt cường thịnh trong quá khứ.
Đồng chí Nguyễn Trung Tính, Chi ủy viên kể những mẩu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tại đây, Chi bộ Cục ATBXHN đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề: Học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức, Phong cách Hồ Chí Minh. Đoàn đã được nghe đồng chí Nguyễn Trung Tính, Chi ủy viên và đồng chí Nguyễn Tiến Mạnh, đảng viên trẻ Chi bộ Cục ATBXHN và quần chúng Nguyễn Hồng Sánh kể lại những mẩu chuyện hết sức cảm động, chân thực, đời thường về Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó hiện lên hình ảnh một con người Hồ Chí Minh giản dị, gần gũi, một nhân cách lớn, hiện thân của đạo đức cách mạng sáng ngời, suốt đời gắn bó với nhân dân, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân.
Chuyến công tác về nguồn là đợt sinh hoạt chính trị ngoại khóa, có ý nghĩa giáo dục về tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, về truyền thống cách mạng vừa mang ý nghĩa tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc gìn giữ giá trị di sản văn hóa của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc đối với mỗi đảng viên Chi bộ Cục ATBXHN. Qua đó cũng thắt chặt hơn nữa sự đoàn kết, thống nhất để ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Chi bộ Cục ATBXHN./.
TTĐT, Cục ATBXHN
Tin bài khác
Online: 41
Số lượt truy cập: 10325033
Lên đầu trang
SSL