Quản lý nhà nước về an toàn bức xạ tại địa phương trong 2 năm 2013 – 2014
15:03 28/05/2015: Trong khuôn khổ Hội nghị Pháp quy hạt nhân lần thứ 2 diễn ra tại TP. Đà Lạt – tỉnh Lâm Đồng từ ngày từ 19/5/2015 đến ngày 21/5/2015, Tiểu ban quản lý nhà nước về an toàn bức xạ tại địa phương được diễn ra trong buổi chiều ngày 19/5/2015. Tham gia Tiểu ban có trên 80 đại biểu đến từ các cơ quan liên quan, trong đó chủ yếu là Lãnh đạo và cán bộ Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN), đại diện các Sở Khoa học và Công ghệ (KH&CN) và một số cơ sở tiến hành công việc bức xạ.
Tiểu ban được chủ trì bởi các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, gồm: PGS.TS Vương Hữu Tấn – Cục trưởng Cục ATBXHN; PGS.TS Lê Xuân Thám – Giám đốc Sở KHCN Lâm Đồng và TS. Dương Quốc Hùng – Chánh Thanh tra Cục ATBXHN.
Tiểu ban đã nghe báo cáo mang tính trao đổi về công tác quản lý an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ ở Việt Nam của Cục trưởng Cục ATBXHN và các báo cáo trao đổi kinh nghiệm của Lãnh đạo các Sở KHCN địa phương trong công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, bao gồm: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trong báo cáo, Cục trưởng Cục ATBXHN đã đưa ra các hạn chế trong công tác quản lý an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ ở Việt nam, như: Vẫn để xảy ra tình trạng mất nguồn phóng xạ trong thời gian qua; Việc thanh tra chưa tuân thủ hoàn toàn các quy định của Thông tư 19/2010/TT-BKHCN hướng dẫn thanh tra chuyên ngành ATBXHN về tần suất và nội dung thanh tra; Nhiều Sở KH&CN không nắm được nguồn phóng xa và thiết bị bức xạ trên địa bàn quản lý của mình; Việc kiểm tra chất lượng các thiết bị bức xạ trong y tế vẫn chưa được quan tâm đầy đủ do năng lực kiểm tra trong nước còn hạn chế và các cơ quan quản lý cũng không có khả năng thực hiện được nhiệm vụ này; Việc chuẩn thiết bị đo hoạt độ phóng xạ trong y học hạt nhân chưa được thực hiện bởi cơ quan chuyên môn, chủ yếu do các đơn vị y học hạt nhân tự làm dựa trên kinh nghiệm của họ; Ở phạm vi quốc gia vẫn chưa có cơ sở lưu giữ lâu dài chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng; Việc thực hiện kiểm soát nguồn phóng xạ tại các cơ sở thu mua phế liệu sắt thép và cơ sở sản xuất sắt thép sử dụng nguồn phế liệu trong nước vẫn chưa được thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng về kiểm soát các nguồn phóng xạ vô chủ được ban hành năm 2007; Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ trưởng số 4050/CT-BKHCN ngày 4/11/2014 về tăng cường công tác quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân.
Về hệ thống quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATBXHN, trong báo cáo của Cục trưởng Cục ATBXHN đã cho thấy rằng các văn bản quy phạm phục vụ quản lý an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ đã có tương đối đầy đủ, nhưng hiệu lực thi hành còn yếu. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương đã được thiết lập. Tuy nhiên, năng lực hỗ trợ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân còn rất hạn chế, cần được quan tâm đầu tư trong thời gian tới.

Thông qua hội nghị, Lãnh đạo các sở KH&CN đã có trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ tại các địa phương đồng thời nêu ra một số bất cập, kho khăn trong thực tế. Cục ATBXHN và các sở KHCN đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị và giải pháp để tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý, cụ thể:
1. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý Rà soát lại các văn bản quy phạm phục vụ quản lý an toàn và an ninh nguồn phóng xạ, cập nhật, bổ sung các vấn đề còn khiếm khuyết; nghiên cứu tăng chế tài xử lý vi phạm đủ mức răn đe cho các cơ sở chưa hoặc không làm tốt công tác quản lý.
2. Tăng cường công tác thẩm định cấp phép. Quan tâm đầy đủ các khía cạnh về an toàn và an ninh nguồn phóng xạ dựa trên các kinh nghiệm thực tiễn và các bài học vừa qua về mất an toàn và an ninh nguồn phóng xạ trên thế giới và ở nước ta.
3. Tăng cường công tác thanh tra và xử lý vi phạm. Tổ chức thanh tra tổng thể năm 2016 các đơn vị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp và các nhà máy có thiết bị đo hạt nhân sử dụng nguồn phóng xạ để chấn chỉnh công tác bảo đảm an toàn, an ninh nguồn phóng xạ.
Phối hợp giữa Cục ATBXHN với các Sở KH&CN trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Thông tư 19/2010/TT-BKHCN.
4. Tổ chức công tác thông tin tuyên truyền về bảo đảm an toàn và an ninh nguồn phóng xạ: hằng năm luân phiên tổ chức hội nghị tập huấn theo vùng miền. Xây dựng văn hóa an toàn, văn hóa an ninh trong các cơ sở bức xạ.
5. Áp dụng các giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ công tác quản lý. Cục ATBXHN tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ thực hiện dự án giám sát an ninh các nguồn phóng xạ nhóm 1 và 2 được sử dụng cố định cho các cơ sở còn lại; lắp đặt thiết bị giám sát an ninh nguồn phóng xạ cho các thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp (NDT) và yêu cầu cơ sở vận chuyển nguồn phóng xạ phải trang bị thiết bị giám sát an ninh nguồn phóng xạ cho phương tiện. Yêu cầu chủ cơ sở thu mua phế liệu sắt thép và cơ sở sử dụng sắt thép phế liệu để luyệt thép phải lắp đặt thiết bị kiểm soát nguồn phóng xạ.
6. Cục ATBXHN cần xây dựng hướng dẫn về việc lập Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp tỉnh phù hợp với tình hình ứng dựng bức xạ tại địa phương, tránh tình trạng như hiện nay kế hoạch của các tỉnh gần như là giống nhau.
7. Các Sở KHCN rất cần có hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của Cục ATBXHN để thực hiện quản lý các nguồn phóng xạ.
8. Nguồn phóng xạ được nhập vào Việt Nam trong các dây chuyên công nghệ đồng bộ nên không thể kiểm tra được.
9. Hiện nay các nhà máy xi măng lò đứng đóng cửa (khoảng 35 nhà máy) thì việc quản lý an ninh các nguồn phóng xạ của họ đang gặp khó khăn, cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước.
10. cần có các quy định chặt chẽ về chụp X-quang, CT chẩn đoán trong y tế để tránh việc chụp X-quang đang bị lạm dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh.
11. Cần có quy định rõ về thủ tục cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho các loại cơ sở khác nhau.
12. Các quy định về điều kiện của nhân viên bức xạ về khám sức khỏe không cụ thể khám các chỉ tiêu nào, khám ở đâu, gây khó khăn cho việc xử lý hồ sơ cấp phép.
13. Một số loại hình công việc bức xạ không cần phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố như X-quang chụp răng. Đề nghị cần có nghiên cứu để sửa đổi các quy đinh liên quan.
14. Cần có quy định về danh mục thiết bị và quy trình kiểm định hiệu chuẩn thiết bị bức xạ.
15. Cần có các quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại do các sự cố với nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ.
16. Cần xem xét quy định về kính thước phòng X-quang theo quy định tại Thông tư 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT.
17. Cần có phương án quản lý các nguồn phóng xạ đã hết hạn sử dụng.
18. Sở KH&CN đề nghị được tham gia thẩm định ATBX đối với các cơ sở công nghiệp để nâng cao năng lực quản lý ATBX tại địa phương.
19. Tăng cường phối hợp giữa Cục ATBXHN và các Sở KHCN để cập nhật thông tin về nguồn phóng xạ tại địa phương.
20. Bộ KHCN cần hỗ trợ xây dựng các trạm quan trắc phóng xạ môi trường tai địa phương theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và hỗ trợ công tác xử lý chất thải phóng xạ tại địa phương. Với các vấn đề nêu trên, Cục trưởng Cục ATBXHN đã trao đổi giải đáp một số vấn đề, còn lại một số vần đề sẽ được đưa vào chương trình công tác trong 2 năm tiếp theo của Cục cũng như của các sở KH&CN để từng bước hoàn thiện và tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân tại địa phương. Một số vấn đề phải được xử lý và giải quyết ở cấp cao hơn, Cục ATBXHN sẽ kiến nghị Bộ KH&CN và các bộ, ngành liên quan phối hợp giải quyết.

 
Phạm Xuân Linh, Cục ATBXHN
 
Tin bài khác
Online: 47
Số lượt truy cập: 10321462
Lên đầu trang
SSL