Việt Nam và Pháp tiếp tục hợp tác về năng lượng hạt nhân
00:12 13/07/2007: Lễ ký kết gia hạn thỏa thuận hợp tác giữa Ủy ban Năng lượng hạt nhân Pháp (CEA) và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VAEC) vừa diễn ra tối nay tại Hà Nội.

Theo đó, hai bên sẽ tiếp tục thực hiện những thỏa thuận đã được ký vào năm 2002. Thỏa thuận này là sự tiếp nối việc hợp tác đầu tiên về khoa học và k‎ỹ thuật ký kết giữa CEA và Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) vào năm 1996 về những ứng dụng hòa bình‎ của công nghệ hạt nhân.

Quan hệ hợp tác giữa CEA và VAEC nằm trong khuôn khổ kế hoạch của Việt Nam nhằm xây dựng một nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2020.

Việc hợp tác này đã tạo điều kiện cho việc trao đổi khoa học giữa hai cơ quan và cho phép đào tạo các chuyên gia Việt Nam tại Pháp trong các lĩnh vực khoa học.

Sau lễ ký kết, ông Phạm Khánh Toàn, Viện trưởng Viện Năng lượng cho biết, trên cơ sở đánh giá tiềm năng của Việt Nam, Viện Năng lượng đã tính toán nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2020, nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam là 247 tỷ kwh, nhưng các nguồn năng lượng đến lúc đó chỉ đáp ứng được 223 tỷ kwh. Một trong những giải pháp khả thi để bù đắp thiếu hụt là xây dưng nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, những giải pháp khác là nhập khẩu điện, hoặc nhập khẩu các nguồn năng lượng như than, khí để sản xuất điện…

Ông Toàn cho biết, cách đây ba năm, Bộ Công nghiệp đã xây dựng xong Đề án tổng thể phát triển năng lượng của Việt Nam đến năm 2025, trong đó có phần quan trọng là sự cần thiết của việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. 

Theo ông Toàn, có 6/16 địa điểm được đưa ra lựa chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân, trong đó hai địa điểm là Phước Dinh và Vĩnh Hải (Ninh Thuận). Theo dự kiến, hai tổ máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020-2021.

Ông Keichmer, trưởng Ban quan hệ quốc tế Cơ quan Năng lượng nguyên tử Pháp cho biết, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân có bốn lĩnh vực chính: Khuôn khổ pháp lý và quản lý; lựa chọn địa điểm và xác định đặc tính của địa điểm; nghiên cứu khả thi về kinh tế và kỹ thuật, trong đó quan trọng là việc đấu nối điện hạt nhân và mạng lưới điện quốc gia; xác định nhu cầu về năng lực, đào tạo nguồn nhân lực. Pháp sẽ cố gắng trợ giúp Việt Nam cả bốn lĩnh vực này.

*Trước đó, ngày 10-7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Việt Pháp “Tiến tới  một nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam”. Quy tụ những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực nguyên tử năng lượng, hội thảo đề cập đến nhiều chủ đề hiện đang là mối quan tâm của các nhà lãnh đạo Việt Nam như nhu cầu về nhân sự để xây dựng và khai thác một lò phản ứng hạt nhân, tổ chức và giải quyết sự cố trong trường hợp khẩn cấp về nguyên tử vào tia phóng xạ...

Ngoài ra, hội thảo cũng đề cập đến các chủ đề nóng khác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân như đánh giá đầu tư tổng thể cần thiết để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, thực hiện nghiên cứu khả thi về một nhà máy điện hạt nhân…

Cũng nhân dịp này, ngài Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam chính thức trao tặng đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ mã phần mềm phỏng đoán sự cố CATHARE, công cụ tham chiếu quốc tế được sử dụng để giả định các biến cố nhiệt lưu trong một lò phản ứng điều áp. Phần mềm này là thành tựu của 500 kỹ sư Pháp làm việc trong 30 năm.

Thỏa thuận hợp tác của CEA và VAEC tập trung chủ yếu vào các vấn đề: Đánh giá các chiến lược có thể có về các ứng dụng của năng lượng hạt nhân; Vật lý‎ nguyên tử và vật lý các lò phản ứng; Công nghệ các lò phản ứng; Sử dụng các lò phản ứng thử nghiệm và nghiên cứu; Nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân; Quản l‎ý các chất thải phóng xạ; An toàn tại các cơ sở hạt nhân; Chống phóng xạ; Kinh tế năng lượng nguyên tử; Thông tin cho công chúng và truyền thông; Dự thảo luật Năng lượng nguyên tử.

Theo Nhandan, 11/07/2007

 

 

 

 

 

Tin bài khác
Online: 7
Số lượt truy cập: 10411318
Lên đầu trang
SSL