Cơ chế một cửa quốc gia là việc cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp. Cơ quan quản lý nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được xuất nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan Hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp.
Bên cạnh lợi ích đối với doanh nghiệp, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho các cơ quan quản lý nhà nước, giúp các cơ quan nhà nước làm quen và dần chuyển đổi sang thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử phi giấy tờ và có nhiều kinh nghiệm hơn trong đơn giản hóa, cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính; giúp Việt Nam sẵn sàng về mặt kỹ thuật cũng như pháp lý để đàm phán các thỏa thuận song phương, đa phương trong việc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật, giấy phép/giấy chứng nhận điện tử nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính tại nước nhập khẩu; giảm thời gian thông quan và tạo thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra các thị trường quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; góp phần tăng cường tính minh bạch, rõ ràng, giảm sự tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, khắc phục và ngăn chặn các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu có thể xảy ra, góp phần phòng, chống tham nhũng.
Các thủ tục hành chính chỉ đi vào cuộc sống khi được đông đảo người dân và doanh nghiệp tham gia và thực hiện. Một trong những trở ngại của doanh nghiệp khi thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia là chuyển đổi phương thức thực hiện thủ tục hành chính từ thủ công sang phương thức điện tử. Theo đó, khi thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, doanh nghiệp phải chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa trong việc chuẩn bị hồ sơ, sử dụng phương thức điện tử trong giao dịch với các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, sự tích cực, chủ động và chuẩn bị của doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020, năm 2018 Bộ Khoa học và Công nghệ đăng ký triển khai mới 02 thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa quốc gia và giao cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) là đơn vị chủ trì tổ chức triển khai nhiệm vụ này.
Sau một thời gian ngắn (04 tháng - từ tháng 8 đến tháng 12/2018) làm việc hết sức quyết tấm, với sự chỉ đạo sát sao quyết liệt của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả của các đơn vị trong và ngoài Bộ KHCN có liên quan trực tiếp đến hệ thống (Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan (đơn vị đầu mối của Tổng cục Hải quan giao quản lý cổng thông tin một cửa quốc gia); Trung tâm Công nghệ thông tin (đơn vị được Bộ KHCN giao quản lý và vận hành Trục tích hợp gateway của Bộ KHCN); các Nhà thầu (Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel – Nhà thầu của Tổng cục Hải quan; Công ty cổ phần giải pháp công nghệ thông tin Việt Nam (Vietesoft) – Nhà thầu của Cục ATBXHN), Cục ATBXHN đã phối hợp công tác rất hiệu quả với các bên liên quan để xây dựng xong Hệ thống Công nghệ thông tin kết nối với cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN - phân hệ Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Hệ thống một cửa của Cục ATBXHN) sẵn sàng cho việc triển khai thật trên Cổng thông tin một cửa quốc gia vào những tuần cuối của tháng 12 năm 2018.
Để chuẩn bị cho công tác triển khai hệ thống một cửa của Cục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia Cục ATBXHN cũng đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và thống kê Hải quan tiến hành đào tạo hướng dẫn sử dụng cho các Doanh nghiệp và Người dân sẽ sử dụng hệ thống này để đăng ký xin cấp phép các hoạt động có liên quan tới Xuất, Nhập khẩu chất phóng xạ.
Bắt đầu từ 8 giờ 30 phút ngày 21/01/2019 Hệ thống một cửa của Cục ATBXHN đã chính thức hòa chung trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để Doanh nghiệp và Người dân khai thác sử dụng.Với 02 bộ thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu do Bộ KHCN quản lý thực hiện bao gồm:
1. Thủ tục cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ (nhập khẩu chất phóng xạ):
- Thủ tục cấp mới giấy phép tiến hành công việc bức xạ (nhập khẩu chất phóng xạ);
- Thủ tục gia hạn giấy phép tiến hành công việc bức xạ (nhập khẩu chất phóng xạ);
- Thủ tục sửa đổi giấy phép tiến hành công việc bức xạ (nhập khẩu chất phóng xạ);
- Thủ tục cấp lại giấy phép tiến hành công việc bức xạ (nhập khẩu chất phóng xạ).
2. Thủ tục cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ (xuất khẩu chất phóng xạ):
- Thủ tục cấp mới giấy phép tiến hành công việc bức xạ (xuất khẩu chất phóng xạ);
- Thủ tục gia hạn giấy phép tiến hành công việc bức xạ (xuất khẩu chất phóng xạ);
- Thủ tục sửa đổi giấy phép tiến hành công việc bức xạ (xuất khẩu chất phóng xạ);
- Thủ tục cấp lại giấy phép tiến hành công việc bức xạ (xuất khẩu chất phóng xạ).
Việc chính thức triển khai 02 thủ tục hành chính liên quan tới hoạt động cấp phép tiến hành công việc bức xạ trong Xuất, Nhập khẩu chất phóng xạ trên Cổng thông tin một cửa quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Bộ Khoa học và Công nghệ nói chung và Cục ATBXHN nói riêng trong việc thực hiện Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo điều kiện thuận lợi thương mại gia đoạn 2018-2020, cụ thể hóa mục tiêu “Tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4” trong lĩnh vực công tác thuộc trách nhiệm quản lý của Cục.
Cục ATBXHN