Văn hóa an ninh
08:08 18/10/2016: Văn hóa an ninh hạt nhân hiệu quả có thể mang đến một sự nâng lên đáng kể về tính hiệu quả của an ninh vật liệu phóng xạ, các cơ sở liên quan và an ninh vận chuyển. Văn hóa an ninh hạt nhân vững mạnh sẽ tạo thuận lợi và tối ưu hóa các khía cạnh về con người trong chương trình an ninh hạt nhân quốc gia.
Theo định nghĩa của IAEA, văn hóa an ninh hạt nhân là tập hợp các đặc điểm, thái độ và hành vi của các cá nhân, tổ chức và cơ quan trong các hoạt động hỗ trợ và tăng cường an ninh hạt nhân.
Một nền văn hóa an ninh hạt nhân thích hợp nhằm đảm bảo rằng việc thực hiện các biện pháp an ninh hạt nhân phải nhận được sự quan tâm đảm bảo theo mức độ quan trọng của chúng.
Xây dựng một nền văn hóa an ninh phù hợp sẽ liên quan đến nhiều cá nhân trong nhiều lĩnh vực khác nhau và các tổ chức phải làm việc cùng nhau để đạt được hiệu quả. Hình 1 minh họa các đặc tính chính của văn hóa an ninh và các thành tố chịu trách nhiệm chính cho các đặc tính đó và các nhóm thành phần được liệt kê dưới đây phải được xem xét như là một phần của toàn bộ hệ thống để xây dựng văn hóa an ninh thông qua phối hợp và đối thoại:
 
 
HÌNH 1. Các đặc trưng chung của văn hóa an ninh
Văn hóa an ninh nâng cao sẽ đảm bảo thực hiện các chức năng của hệ thống an ninh được tăng cường trong việc phòng ngừa, phát hiện, trì hoãn và ứng phó đối với các hành động trộm cắp, phá hoại, truy cập trái phép, chuyển giao bất hợp pháp hoặc hành vi nguy hiểm khác liên quan đến vật liệu phóng xạ và các cơ sở liên quan, cũng như trong quá trình vận chuyển.
Hưởng ứng thực hiện và thúc đẩy văn hóa an ninh từ IAEA, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã quan tâm đến hoạt động này. Nhiều quốc gia đã đề cập đến văn hóa an ninh hạt nhân tại một số văn bản pháp luật có liên quan và tại các quy định pháp quy, trong đó nêu rõ đến các khái niệm cơ bản và các thành tố của văn hóa an ninh hạt nhân. Cũng dựa trên các hướng dẫn của IAEA, nhiều quốc gia đã hoạch định và thực hiện một chương trình để cải thiện và nâng cao văn hoá an ninh tại quốc gia, đặc biệt chú trọng nâng cao văn hóa này trong các hoạt động pháp quy, các hoạt động của các tổ chức chính phủ và nâng cao nhận thức công chúng nói chung.
Từ xu hướng quốc tế, nâng cao văn hóa an ninh tại các quốc gia thành viên của IAEA và thực tế của một số quốc gia có kinh nghiệm về văn hóa an ninh, có thể thấy rằng việc nghiên cứu các kiến thức về văn hóa an ninh, đề xuất và thúc đẩy thực hiện văn hóa an ninh tại Việt Nam là hết sức cần thiết, cần triển khai sớm. Đặc biệt trong thời điểm hiện tại, Việt Nam mới tiếp cận và triển khai một số hoạt động ban đầu về bảo đảm an ninh cho vật liệu phóng xạ và hạt nhân. Có thể kể đến rằng, cơ quan pháp quy hạt nhân của Việt Nam đã nghiên cứu và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về an ninh hạt nhân từ năm 2010, 24 cơ sở bức xạ sử dụng nguồn hoạt độ cao đã được trang bị hệ thống bảo vệ thực thể, và trong năm 2015 quy định về định vị nguồn phóng xạ di động cũng đang được xem xét và ban hành… Tuy nhiên, không khó để nhận ra rằng văn hóa an ninh cần phải được phổ biến rộng rãi và thúc đẩy trên toàn bộ các hoạt động của các tổ chức, cá nhân liên quan và cần đặc biệt chú trọng đến văn hóa an ninh tại cơ sở.  Chính vì vậy, các chính sách và các văn bản hướng dẫn về văn hóa an ninh cần nghiêm túc nghiên cứu và xây dựng, và có thể áp dụng ngay đối với các cơ sở bức xạ và hạt nhân đang tồn tại của Việt Nam.
TA, Cục ATBXHN
Tin bài khác
Online: 54
Số lượt truy cập: 10322807
Lên đầu trang
SSL