Một số sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ trên thế giới và Việt Nam
11:11 26/12/2016: Các nguồn phóng xạ đem lại nhiều lợi ích cho con người qua các ứng dụng trong y tế, công nghiệp, nông nghiệp, quản lý môi trường và nghiên cứu. Về cơ bản các nguồn phóng xạ đang được sử dụng trong một môi trường được quản lý, kiểm soát tốt. Tuy nhiên, đã và hiện vẫn có tình trạng mất kiểm soát đối với một số nguồn phóng xạ và trong một số trường hợp đã dẫn đến các sự cố gây hậu quả đối với con người, môi trường và tác động xấu đối với dư luận xã hội.
Trên thế giới đã từng xảy ra các sự cố nguồn phóng xạ do mất kiểm soát dân đến các tai nạn với hậu quả nghiêm trọng. Năm 1996, tại Đài Loan phát hiện thấy 1206 căn hộ  và một số trường học bị nhiễm chất phóng xạ Co-60. Nguyên nhân là do sử dụng thép xây dựng bị nhiễm chất  phóng xạ từ nguồn bị thất lạc lẫn vào phế thải kim loại. Khoảng 6000 người bị  chiếu xạ do sống trong những căn hộ bị nhiễm xạ ( từ 1 đến 10 năm) với mức liều lớn hơn giới hạn liều đối dân chúng.
Năm 2000, tại Thái Lan đã xảy ra sự cố một nguồn phóng xạ Co-60 dùng trong xạ trị bị bỏ hoang và lẫn trong phế thải kim loại. Hậu quả, 4 người dân đã bị tử vong do bị chiếu quá liều, 3 người khác bị tổn thương nặng, một số người bị tổn thương nhẹ. Để khắc phục hậu quả, Chính phủ Thái Lan đã phải huy động lực lượng quân đội tham gia  khắc phục sự cố. Đặc biệt, sự cố đã gây ảnh hưởng xấu đối với tâm lý xã hội.
Tai nạn tại Goiania, Brazil liên quan đến nguồn phóng xạ mất kiểm soát bị phá vỡ phải chi phí cho khắc phục sự cố: 20-35 triệu US$ và để lại hậu quả tác động về kinh tế lớn được đánh giá mất 10 năm để thành phố có thể phục hồi được về mức kinh tế trước sự cố.
Năm 1998, tại nhà máy luyện thép Acerinox Tây Ban Nha đã  xảy ra sự cố nung chảy nguồn phóng xạ Cs-137 bị lẫn trong phế thải kim loại. Nhà máy đã phải thu hồi toàn bộ một lô sản phẩm thép xây dựng được bán tại châu Âu sau khi phát hiện bị nhiễm phóng xạ. Thiệt hại về kinh tế lên tới trên 10 triệu Đô la Mỹ. Bên cạnh những thiệt hại về kinh tế cho việc thu hồi và xử lý lô sản phẩm như chất thải phóng xạ, ngành công nghiệp thép Tây Ban Nha còn bị ảnh hưởng lớn về uy tín.
Tại Việt Nam cũng đã xảy ra nhiều sự cố mất an ninh dẫn đến mất nguồn phóng xạ:  Sự  cố mất nguồn phóng xạ tại Công ty CP xi măng Việt Trung năm 2003; sự cố mất nguồn phóng xạ tại Nhà máy xi măng Sông Đà, thuộc Công ty Cổ phần xi măng Sông Đà năm 2006; sự cố mất nguồn phóng xạ và bị phá vỡ tại Viện Công nghệ Xạ hiếm (CNXH) thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) năm 2006 và gần đây là các sự cố mất trộm nguồn phóng xạ tại Công ty TNHH APAVE châu Á - Thái Bình Dương (quận Tân Bình), TP HCM) năm 2014, tại công ty Ponima 3, Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2015, tại Công ty Cổ phần xi măng Bắc Kạn năm 2015.

Ngoài ra, với tình hình bất ổn an ninh trên phạm vi thế giới đã hiện hữu nguy cơ các nhóm khủng bố và tội phạm tiếp cận, chiếm đoạt các nguồn phóng xạ có hoạt độ cao để sử dụng vào các mục đích xấu như chế tạo “bom bẩn”. Do vậy, trên bình diện thế giới, hiện đang có khuynh hướng tăng cường các biện pháp kiểm soát bảo đảm an ninh đối với các nguồn phóng xạ để ngăn chặn các hoạt động sử dụng vào mục đích xấu và ngăn ngừa các hậu quả có thể có do mất kiểm soát đối với các nguồn phóng xạ.
Cục ATBXHN
Tin bài khác
Online: 13
Số lượt truy cập: 10302133
Lên đầu trang
SSL