Những hành trình bí mật của bom hạt nhân
00:12 15/12/2008: Vào năm 1945, sau khi hai thành phố Nhật Bản bị bom nguyên tử phá hủy, J. Robert Oppenheimer đã cảnh báo về sự phổ biến vũ khí hạt nhân. "Không quá khó để làm ra chúng. Chúng sẽ phổ biến nếu con người muốn chúng được phố biến", ông nói với đồng nghiệp trong Dự án Manhattan tại Phòng thí nghiệm Los Alamos của Mỹ.

Các máy li tâm được sử dụng để làm giàu urani tại nhà máy ở Piketon, Ohio. (Ảnh: Russia’s Arms & Technologies, Moscow)

"Không nước nào tự phát triển được vũ khí hạt nhân"

Sự nhạy cảm đó xuất hiện ở nơi quả bom nguyên tử đầu tiên ra đời. Trong 6 thập kỷ kể từ khi Oppenheimer đưa ra cảnh báo, câu lạc bộ hạt nhân giờ đã có 9 thành viên. Điều gì có thể giải thích cho sự phổ biến chậm chạp này? Có thể làm gì để giảm số thành viên đó? Có cơ hội nào để tương lai bom nguyên tử tươi sáng hơn cảnh báo của Oppenheimer?

Hai cuốn sách mới của những người trong cuộc đã mở ra hy vọng. Các tác giả đã đập tan những tin đồn thổi không căn cứ, làm sáng tỏ những động lực ngầm của việc phổ biến hạt nhân cũng như gợi ý những cách thức mới để giảm mối đe dọa hạt nhân trên thế giới.

Không cuốn sách nào ủng hộ quan điểm của Oppenheimer rằng, chế tạo bom hạt nhân tương đối dễ. Cả hai cuốn sách đưa ra những dẫn chứng xác thực về những con đường dẫn tới sự sở hữu vũ khí hạt nhân của các quốc gia. Để có những dẫn chứng đó, họ phải dựa vào những điệp viên và chính trị gia sẵn sàng tiết lộ các bí mật nhà nước.

Thomas C. Reed, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại phòng thí nghiệm vũ khí Livermore ở California và đồng thời là một cựu chỉ huy Không lực Mỹ, cùng Danny B. Stillman, cựu Giám đốc tình báo ở Los Alamos, đã cùng hợp tác với nhau trong cuốn "The Nuclear Express: A Political History of the Bomb and its Proliferation”, chỉ ra tầm quan trọng của các điệp viên, những nhà khoa học và quan trọng nhất là những quyền lợi nhạy cảm của các quốc gia hạt nhân.

"Kể từ khi bắt đầu kỷ nguyên hạt nhân, không một quốc gia nào tự phát triển được vũ khí hạt nhân mặc dù đã có nhiều lời khẳng định trái ngược’’. Cuốn sách cũng mô tả chi tiết sự trợ giúp bí mật từ Pháp và Trung Quốc đã góp phần khai sinh thêm 5 quốc gia hạt nhân nữa.

Họ cũng nêu tên nhiều nhà khoa học khác nhau, trong đó có những ngôi sao sáng như Isidor I. Rabi. Nhà khoa học đoạt giải Nobel này đã làm việc trong Dự án Manhattan trong Chiến tranh thế giới thứ hai và sau đó là một thành viên của Hội đồng quản lý Viện khoa học Weizmann - nơi khai sinh ra vũ khí hạt nhân của Israel.

Quả bom hạt nhân của Mỹ có tên gã Béo đang được chuẩn bị để thả xuống Nagasaki.

Sự hợp tác bí mật đã được mở rộng tới những địa điểm hẻo lánh, nơi các quốc gia thử nghiệm vũ khí hạt nhân của họ thông qua những vụ nổ rung chuyển mặt đất. Chẳng hạn, cuốn sách tiết lộ Trung Quốc đã mở cửa bãi thử hạt nhân ở sa mạc cho Pakistan, để khách hàng này thử nghiệm một quả bom đầu tiên ở đó vào ngày 26/5/1990.

Chỉ riêng việc này thôi đã viết lại lịch sử nguyên tử. Nó làm sáng tỏ hơn uy quyền của Benazir Bhutto với tư cách là Thủ tướng Pakistan và góp phần giải thích làm sao quốc gia Nam Á này có thể phản ứng nhanh tới vậy vào tháng 5/1998 khi Ấn Độ tiến hành 5 vụ thử hạt nhân. "Người Pakistan chỉ mất 2 tuần và ba ngày để đưa ra và bắn thử một loại vũ khí hạt nhân của riêng họ’’, trích cuốn sách.

Một tiết lộ nữa là Trung Quốc "đã bí mật mở địa điểm thử hạt nhân Lop Nur cho người Pháp’’.

Các tác giả đã viết dựa trên hiểu biết sâu sắc của họ về thế giới vũ khí và tình báo. Ông Stillman đã thăm những địa điểm hạt nhân được canh gác chặt chẽ ở Trung Quốc và Nga, và cả hai tác giả đã có những mối quan hệ thân thiết với những người đồng cấp với họ ở nước ngoài. Họ cũng cảm ơn hai cựu giám đốc CIA, nói rằng các chuyên gia tình báo "đã hướng dẫn họ nghiên cứu’’.

Nhà lịch sử hạt nhân Robert S. Norris, tác giả của cuốn "Racing for the Bomb’’ (cuốn sách nói về Dự án Manhattan), đã ca ngợi cuốn sách trên vì "những tiết lộ tuyệt vời về hiểu biết hạt nhân được chia sẻ công khai và ngấm ngầm như thế nào với bạn bè và kẻ thù’’, cách các Nhà nước lặng lẽ chia sẻ những bí mật với nhau.

Mỹ - điểm khởi đầu của con đường hạt nhân

Mọi con đường bắt nguồn từ Mỹ, trực tiếp hoặc gián tiếp. Một con đường bắt đầu với việc điệp viên Liên Xô xâm nhập sâu vào Dự án Manhattan - dự án chế tạo bom hạt nhân đầu tiên của Mỹ. Stalin thắng lớn trong mẻ lưới tình báo này tới mức quả bom hạt nhân đầu tiên của Liên Xô giống y hệt quả bom mà Mỹ đã thả xuống Nagasaki.

Yuliy Khariton, Giám đốc dự án bom A của Liên Xô ngay từ khi bắt đầu vào năm 1945 và kéo dài tới năm 1992 đang ngồi cạnh quả bom hạt nhân đầu tiên của Liên Xô. Nó là bản sao chính xác của quả bom gã Béo

Moscow tự do chia sẻ các thông tin hạt nhân với Chủ tịch Mao Trạch Đông của Trung Quốc. Theo cuốn sách, Klaus Fuchs, một điệp viên Liên Xô trong Dự án Manhattan, người cuối cùng bị bắt và được phóng thích khỏi nhà tù năm 1959, cũng làm điều tương tự.

Sau khi được trả tự do, Fuchs đã cung cấp cho người đứng đầu chương trình vũ khí hạt nhân của Chủ tịch Mao bản thiết kế chi tiết của quả bom Nagasaki. Nửa thập kỷ sau, Trung Quốc làm thế giới sửng sốt bằng vụ thử hạt nhân đầu tiên.

Tiết lộ chính của cuốn sách thảo luận cách Trung Quốc năm 1982 đã ra một quyết định về chính sách giúp thế giới đang phát triển nắm được bí quyết hạt nhân. Các khách hàng được nhận dạng của nước này gồm Algeria, Pakistan và CHDCND Triều Tiên.

Các tác giả nói rằng một trong những quả bom của Trung Quốc được tạo ra như "một thiết kế xuất khẩu’’ mà gần như "ai cũng có thể chế tạo’’. Bản thiết kế cho một quả bom đơn giản như vậy đã đi từ Pakistan sang LibyaIran mặc dù Tehran đã nhiều lần phủ nhận.

Cuốn sách cũng hé mở chính sách phổ biến của Trung Quốc ở vùng sa mạc của Algeria. Được xây dựng trong bí mật, lò phản ứng hạt nhân ở đó giờ sản xuất đủ plutonium mỗi năm để làm nhiên liệu cho một quả bom hạt nhân.

Lò phản ứng này được bảo vệ bởi các tên lửa phòng không. Sự trợ giúp của Trung Quốc cho Pakistan đã giúp A.Q.Khan, một chuyên gia luyện kim của Pakistan, trở thành kẻ bán thiết bị hạt nhân trên thị trường chợ đen toàn cầu.

Tại sao Bắc Kinh lại muốn phổ biến hiểu biết về hạt nhân tự do tới vậy? Các tác giả cho rằng có thể là Bắc Kinh muốn hậu thuẫn những địch thủ của kẻ thù của Trung Quốc (chẳng hạn Pakistan là đối trọng với Ấn Độ).

Lò phản ứng hạt nhân El Salam do Trung Quốc bí mật xây dựng ở vùng sa mạc Sahara của Algeria

Một con đường nhỏ hơn liên quan tới Pháp. Theo cuốn sách, Pháp đã sử dụng các chuyên gia kỳ cựu trong Dự án Manhattan và chia sẻ những chi tiết mật về chương trình bom hạt nhân của nước này với Israel - quốc gia mà Pháp có các quan hệ thương mại lớn.

Tới năm 1959, hàng chục nhà khoa học Israel "đang quan sát và tham gia’’ vào chương trình thiết kế vũ khí hạt nhân của Pháp.

Vào đầu năm 1960, Pháp thử quả bom đầu tiên tại sa mạc của Algeria. Mỹ đã làm ngơ trước hoạt động hạt nhân của Israel. Mùa thu năm 1966, Israel tiến hành một vụ thử phi hạt nhân đặc biệt dưới sa mạc Negev. Năm sau, họ chế tạo quả bom hạt nhân đầu tiên.

Dần dần, Israel lại chia sẻ các bí mật hạt nhân với Nam Phi. Cuốn sách tiết lộ rằng hai quốc gia này đã trao đổi một số thành phần thiết yếu cho việc chế tạo bom hạt nhân: Tritium tới Nam Phi và uranium tới Israel.

Các tác giả đã nhất trí với các chuyên gia quân sự, những người tin rằng Israel và Nam Phi năm 1979 đã cùng nhau thử một vũ khí hạt nhân ở Nam Đại Tây Dương, gần đảo Hoàng tử Edward, cách Cape Town hơn 1 nghìn km. Israel cần vụ thử này để phát triển bom neutron.

Nam Phi đã phá hủy sáu vũ khí hạt nhân năm 1990 song vẫn giữ lại nhiều bí quyết. Các tác giả viết rằng, ngày nay "các lính đánh thuê kỹ thuật của Nam Phi có lẽ còn nguy hiểm hơn cả những nhà khoa học thất nghiệp của Liên Xô cũ’’ bởi họ không có ngôi nhà thực sự ở châu Phi.

Ngoại giao và những biện pháp ngăn chặn

Hình ảnh này do Chính phủ Mỹ cung cấp, so sánh lò phản ứng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên (trái) và lò phản ứng hạt nhân của Syria đang được xây dựng

Cuốn sách trên, cùng với cuốn "The Bomb: A New History’’ của Stephen M. Younger, cựu Giám đốc vũ khí hạt nhân ở Los Alamos và cựu Giám đốc Cơ quan giảm đe dọa quốc phòng ở Lầu Năm góc, cũng đề cập tới các biện pháp hạn chế giải trừ hạt nhân và ngoại giao.

TS. Younger bác bỏ quan điểm cho rằng, "mọi bí mật về thiết kế vũ khí hạt nhân hiện có sẵn trên Internet’’. Ông viết rằng, mặc dù Pháp có sự trợ giúp bí mật, ban đầu cũng vấp phải nhiều khó khăn khi chế tạo những quả bom hạt nhân thô sơ.

Ông đã tận mắt chứng kiến điều đó trong một chuyến thăm một viện bảo tàng hạt nhân bí mật của Pháp mà công chúng không thể vào. Khó khăn đó cho thấy thông tin cần để chế tạo một vũ khí hạt nhân hoàn toàn không có sẵn trên Internet.

Hai cuốn sách đã sử dụng lịch sử hạt nhân để gợi ý việc kết hợp các biện pháp cũ và mới nhằm tháo ngòi mối đe dọa phổ biến hạt nhân. TS. Younger lưu ý rằng, những sức ép chính trị và các hiệp ước toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua đã có tác dụng ngăn chặn phổ biến hạt nhân, cũng như các đảm bảo của Mỹ với các đồng minh.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của biện pháp "cây gậy và củ cà rốt" đối với việc ngăn chặn hoặc thậm chí đảo lộn hành động phổ biến vũ khí hạt nhân.

Theo Vietnamnet

 

 

Online: 21
Số lượt truy cập: 11368591
Lên đầu trang
SSL