Pháp lập kế hoạch đối phó với tai nạn nguyên tử
09:09 26/12/2008: 29 năm sau tai nạn nguyên tử ở Three Mil Island (năm 1979 tại Mỹ), và hơn 20 năm sau vụ nổ lò phân hạch số 4 ở nhà máy điện nguyên tử Tchernobyl (Ukraina năm 1986), nước Pháp đang đối mặt với vấn đề ít được mọi người nói tới: khả năng bị tấn công khủng bố bằng bom bẩn và tai nạn từ nhà máy điện nguyên tử.

Đối đầu tai nạn nguyên tử từ nhà máy điện

Hiện chính phủ Pháp đang soạn thảo một “học thuyết” để chuẩn bị tinh thần quản lý hậu quả một tai nạn nguyên tử. Sắp tới, Ủy ban Chỉ đạo về quản lý giai đoạn hậu tại nạn phóng xạ khẩn cấp (gọi tắt là Codirpa) sẽ đệ trình lên Thủ tướng Pháp bản dự thảo về "học thuyết" này.

Đây là thành quả của sự hợp tác giữa các ban lãnh đạo về an toàn nguyên tử (gọi tắt là ASN) và các phòng ban của chính phủ, những cơ quan làm trong lĩnh vực nguyên tử theo chỉ đạo liên bộ tháng 4/2005.

Đây là một minh chứng cho thấy sự thay đổi căn bản trong thái độ đối đầu những nguy cơ tai nạn nguyên tử của giới chức quản lý hạt nhân nguyên tử của Pháp.

Thực tế cho thấy, trong nhiều thập niên, chính phủ Pháp luôn tin tưởng về mức độ an toàn của các nhà máy điện nguyên tử vì cho rằng đã có các cơ chế phòng vệ và những máy móc hiện đại theo dõi. Họ luôn cho rằng khả năng xảy ra tai nạn chỉ là một phần triệu.

Nhưng hiện nay, nước Pháp đang tự đặt mình vào một tình huống thực sự có thể xảy ra: tai nạn hạt nhân với những hậu quả nặng nề về môi trường và dịch tễ trong thời gian dài.

“Cho tới nay, chúng tôi chỉ có những tài liệu hướng dẫn về cách giải quyết tình huống khẩn cấp trước một tai nạn hạt nhân và giải quyết những phóng xạ rò rỉ tại hiện trường. Hàng năm, nước Pháp có cả chục chương trình tập dượt hai phương án trên. Còn việc làm thế nào để khôi phục môi trường sống xung quanh nơi xảy ra tai nạn thì chưa hề có chỉ dẫn nào” - Jean - Luc Lachaune, Phó tổng giám đốc ASN chia sẻ.

Có nên cho phép người dân quay lại những vùng bị nhiễm phóng xạ, và nếu được thì khi nào họ được quay lại? Làm thế nào để tổ chức theo dõi sức khỏe, quản lý chất thải, đền bù thiệt hại? Một loạt câu hỏi lớn được đặt ra trong quá trình tập dượt đối phó tai nạn hạt nhân. Và từ đó, nhiều nhóm chuyên môn đã được hình thành.

Năm nay, Codirpa bắt đầu phát các bản hướng dẫn cho những người phụ trách các đơn vị giải quyết khủng hoảng tai nạn hạt nhân trên toàn nước Pháp, sau đó tổ chức các khóa huấn luyện về khủng hoảng để kiểm tra "học thuyết" nói trên, tiếp thu ý kiến đóng góp từ giới giáo dục, y học, truyền thông... để từ đó hoàn thiện các giải pháp. Liệu những giải pháp như trên có làm người dân Pháp yên tâm không?

“Nếu kiểm soát tốt giai đoạn đầu của biến cố, chúng ta có thể đối phó với một cuộc khủng hoảng lâu dài” - Jean-Luc Lachaume cam đoan.

Tuy nhiên, Monique Sené, thuộc Hiệp hội Thông tin khoa học về năng lượng nguyên tử, từng làm việc ở Codirpa lại cho rằng: “Chúng ta có thể hình dung và ước tính tất cả các biện pháp. Nhưng không có gì đảm bảo rằng tai nạn sẽ diễn ra đúng như dự kiến”.

Nhà vật lý này cổ vũ cho những cố gắng của Chính phủ Pháp hiện nay trong việc giải quyết những khiếm khuyết về khả năng đối đầu tai nạn hạt nhân, nhưng cũng cho rằng một trong những ưu tiên hàng đầu phải là kết hợp với người dân.

Giải quyết tình huống khi bị tấn công bằng bom bẩn

Liên quan tới giải pháp đối đầu một cuộc tấn công khủng bố bằng bom bẩn, mới đây nhiều thành phố lớn của Pháp đã tiến hành tập dượt khả năng ứng phó khi có hàng triệu người bị nhiễm phóng xạ do cuộc tấn công khủng bố.

Patrick Gourmelon, giám đốc chương trình bảo vệ con người trước tai nạn phóng xạ, cho biết: “Giới y khoa đã sẵn sàng. Tuy nhiên, người dân cần được thông báo những việc cần làm ngay khi có tai nạn xảy ra để tránh làm tình hình xấu thêm.

Một trong những việc cần làm ngay bây giờ là thành lập một nhóm gồm lãnh đạo các hãng truyền thông lớn, những người chuyên đưa tin trong trường hợp khẩn cấp và các chuyên gia về phóng xạ để cảnh báo cho toàn nước Pháp được biết ngay khi tai nạn xảy ra”.

Tai nạn rò rỉ một nguồn chứa bột Césium 137 tại Guyana, Brazil, năm 1987, đã làm 249 người bị lây nhiễm ban đầu và 4 người chết. Tuy nhiên, sau đó Chính phủ Brazil đã phải cách ly tới 112.000 người vì những người lây nhiễm ban đầu đã không được thông báo về việc họ bị nhiễm độc, để rồi họ di chuyển sang vùng khác và tiếp tục lây nhiễm cho những người xung quanh.

“Khi người dân biết được thì việc xử lý khoanh vùng nhiễm xạ rất đơn giản, nhất là khi tai nạn xảy ra tại những nơi giao thông công cộng như nhà ga, tàu điện ngầm... hoặc ở những nguồn nước. Do đó, việc thông tin kịp thời cho người dân là bước làm tối quan trọng đầu tiên”- Gourmelon khẳng định.

Đó là giả thuyết xảy ra khi có tấn công khủng bố. Tuy nhiên, trên thực tế lại có rất nhiều trường hợp: tội phạm đánh cắp các chất phóng xạ, chất độc hóa sinh từ các nhà máy công nghiệp.

Sau đó, khi chưa kịp sử dụng bọn tội phạm thường cất giấu sơ sài ở những nơi ít người ngờ tới. Chính lối cất giữ kiểu này khiến phóng xạ hoặc chất độc lây nhiễm cho người xung quanh rồi từ đó lan tỏa đi rất nhanh cũng gây ra một thảm họa.

Về trường hợp này, giới chức trách Pháp cho rằng việc tố giác những nơi đáng ngờ của người dân cùng với sự khai báo của những cơ sở công nghiệp bị mất cắp sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà điều tra trong việc khoanh vùng và tìm ra tung tích các chất lây nhiễm bị đánh cắp.

Nhìn chung, trong tất cả các phương án ứng phó tai nạn nguyên tử, thì lực lượng cứu hộ, các y, bác sĩ đa khoa và một số chuyên gia về phóng xạ luôn là những người tiên phong tại hiện trường.

Theo Cand.com.vn

Online: 53
Số lượt truy cập: 10321154
Lên đầu trang
SSL