Hội thảo khu vực châu Á về xây dựng Lò phản ứng nghiên cứu mới
00:12 17/08/2006: Từ ngày 14 - 18/8/2006, tại Hà Nội, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế IAEA và Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khu vực châu Á về xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới. Tham dự có các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia, Việt Nam và một số chuyên gia của IAEA.

Mục đích của Hội thảo này là cung cấp thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng, vận hành, cải tiến các Lò phản ứng nghiên cứu mới hoặc nâng cấp các Lò cũ; cung cấp các kiến thức về đảm bảo chất lượng an toàn trong các giai đoạn xây dựng Lò (lập kế hoạch, thiết kế, đấu thầu, xây dựng, khởi động, vận hành). Những thông tin tại Hội thảo cũng rất bổ ích cho các nhà hoạch định chính sách, quản lý Nhà nước có liên quan.

Hiện nay ở nước ta có Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Năm 1983, Liên Xô (trước đây) đã giúp đỡ cải tiến Lò, nâng công suất lên gấp đôi. Lò đã và đang vận hành an toàn, khai thác có hiệu quả trong mấy chục năm qua và có thể hoạt động đến khoảng 2015. Như vậy, việc chuẩn bị xây dựng Lò phản ứng nghiên cứu mới cần được bắt đầu ngay từ bây giờ. Nhiệm vụ này đã được đề cập đến trong Chiến lược Ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3/1/2006). Bên cạnh đó, một đề tài độc lập cấp nhà nước giai đoạn 2002-2004 về điện hạt nhân đã cung cấp những luận cứ khoa học thực tiễn cho việc xây dựng Lò phản ứng nghiên cứu mới. Hiện nay, một đề tài cấp Bộ (2006-2007) đang được thực hiện, với mục đích nghiên cứu về một số vấn đề kỹ thuật, an toàn, đặc trưng thiết kế cũng như đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho Lò phản ứng nghiên cứu mới.

Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện báo cáo về Dự án đầu tư xây dựng Lò phản ứng nghiên cứu mới để Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ trước tháng 10/2006. Theo đó, Lò phản ứng nghiên cứu đa mục tiêu công suất lớn (cỡ 10 MW) sẽ được xây dựng nhằm 3 mục đích chính: 1) Các nghiên cứu về vật liệu, sinh học, ứng dụng bức xạ, công nghệ và an toàn Lò phản ứng, nghiên cứu cơ bản về vật lý hạt nhân…; 2) Phục vụ sản xuất, dịch vụ: Đồng vị phóng xạ, phân tích hạt nhân, phân tích mẫu về môi trường, phân tích mẫu trong khoa học…; 3) Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật về công nghệ hạt nhân (phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng bức xạ và điện hạt nhân ở Việt Nam).

Theo Tạp chí Hoạt động khoa học ngày 16/8/2006

Tin bài khác
Online: 7
Số lượt truy cập: 10343995
Lên đầu trang
SSL