Một giải pháp cho tình trạng thiếu điện hiện nay
00:12 26/06/2006: Trong những năm vừa qua, cùng với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm đạt khoảng 7,5%, nhu cầu năng lượng và điện năng tiếp tục tăng với tốc độ tương ứng là 10,5% và 15%. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế và năng lượng, tốc độ tăng GDP, nhu cầu năng lượng và điện năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức độ cao, do đó trong những năm tới nhu cầu thiếu điện để phát triển kinh tế - xã hội là điều không tránh khỏi.

Để đảm bảo cung cấp điện năng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cùng với việc tập trung đầu tư, khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước, thực hiện liên kết năng lượng khu vực và nhập khẩu năng lượng từ một số nước láng giềng, Việt Nam đang phải xem xét khả năng phát triển điện hạt nhân trong một tương lai gần.

Hiện nay, ở nước ta năng lượng phân hạch chưa được ứng dụng để phát điện. Việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân đã được các cơ quan liên quan thực hiện trong nhiều năm, kết quả nghiên cứu đã khẳng định tính khả thi của việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.

Có thể thấy, hiện nay nguồn điện năng chính của chúng ta là nhiệt điện than, nhiệt điện khí và thủy điện. Năng lượng mới và tái tạo như gió, mặt trời, thủy triều, địa nhiệt do giá thành sản xuất điện cao, tính phân tán và không ổn định, chỉ có thể tạo ra những nguồn năng lượng nhỏ, chưa thể chiếm tỷ trọng đáng kể trong cân bằng năng lượng. Các nguồn tài nguyên của nước ta đa dạng nhưng không phải dồi dào. Do đó việc khai thác và sử dụng có hiệu quả, bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng, gìn giữ cho các thế hệ mai sau là một trong những phương hướng quan trọng của chính sách năng lượng trong thời gian tới.

Theo dự báo, nhu cầu điện sản xuất theo phương án cơ sở, trong giai đoạn 2001 – 2020 tăng trưởng trung bình GDP 7,1 – 7,2%, thì chúng ta cần tới 201 tỷ kWh và 327 tỷ kWh vào năm 2030. Trong khi đó, khả năng huy động tối đa các các nguồn năng lượng nội địa của nước ta tương ứng 165 tỷ kWh vào năm 2020 và 208 tỷ kWh vào năm 2030, thiếu gần 119 tỷ kWh. Xu hướng gia tăng sự thiếu hụt nguồn điện trong nước sẽ càng gay gắt và sẽ tiếp tục kéo dài trong những năm tới.

Để giải quyết cán cân cung cầu này, trong chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam giai đoạn 2004 – 2010, định hướng đến năm 2020, một trong các phương án cung ứng điện năng mà Bộ Công nghiệp đề xuất với Chính phủ là xây dựng một nhà máy điện hạt nhân. Với những ưu điểm như công nghệ cao, vận hành an toàn, ổn định, chi phí và khối lượng dự trữ nhiên liệu nhỏ, ít phế thải ô nhiễm môi trường và giá thành cạnh tranh được với các loại nhiệt điện khác.

Điện nguyên tử là một lựa chọn có tính khả thi cao, vì vậy đã được Chính phủ phê duyệt ngày 3/1- 2006, trong đó khẳng định mục tiêu xây dựng và đưa vào vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào khoảng những năm 2020. Theo Đề án này, Chính phủ đã cho phép xây dựng nhà máy điện nguyên tử với quy mô công xuất từ 2000 MW – 4000 MW, chiếm từ 5 – 9 % tổng công xuất phát điện của quốc gia.

Cũng theo đề án nêu trên việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân thì các bộ, ngành chức năng cần phải hoàn thành việc phê duyệt báo cáo đầu tư dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên; đào tạo đủ chuyên gia về điện hạt nhân cho công đoạn tiền dự án; quy hoạch đội ngũ kỹ thuật viên và công nhân lành nghề để chuẩn bị cho việc thực hiện dự án sau năm 2010. Và đến năm 2015, triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên; đào tạo đủ chuyên gia về điện hạt nhân và huy động đủ đội ngũ kỹ thuật viên và công nhân lành nghề cho thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, đồng thời huy động tối đa mọi nguồn lực và khả năng tham gia của công nghiệp trong nước thực hiện dự án.

Đến năm 2020, đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành an toàn và khai thác có hiệu quả nguồn năng lượng này. Cũng theo đề án này, chúng ta cần huy động mọi nguồn lực trong nước và thông qua hợp tác quốc tế để phát triển điện hạt nhân. Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ được xây dựng theo phương thức hợp đồng chìa khóa trao tay.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Hoàng Văn Phong, vào năm 2004, Việt Nam cũng đã tổ chức một triển lãm quốc tế về công nghệ điện hạt nhân, và Triển lãm quốc tế điện hạt nhân 2006 lần này với chủ đề “An toàn và cạnh tranh kinh tế của điện hạt nhân”, sẽ là dịp để các nước giới thiệu các thành tựu của nền công nghiệp điện hạt nhân tiên tiến của mình và nhấn mạnh đến các vấn đề bảo đảm an toàn và cạnh tranh kinh tế trong phát triển điện hạt nhân; giúp công chúng Việt Nam có được hình ảnh chân thực hơn về điện hạt nhân và giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có thêm thông tin bổ ích phục vụ cho công tác nghiên cứu và chuẩn bị thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam.

Minh Hạnh, theo báo điện tử ĐCSVN, ngày 16/5/2006

 

 

 

Tin bài khác
Online: 10
Số lượt truy cập: 10343930
Lên đầu trang
SSL