Tình hình an toàn và kiểm soát bức xạ tại Bình Thuận
00:12 01/06/2006: Ngày nay, việc ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào cuộc sống đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Tuy nhiên, không hẳn những thành tựu nào cũng chỉ đem lại những lợi ích mà bên cạnh đó nó còn có thể gây ra những hậu quả cho con người. Vì vậy, có những ứng dụng cần phải kiểm soát để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.

Nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng, trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành hệ thống các văn bản pháp quy về an toàn, kiểm soát bức xạ và giao cho các ngành chức năng tổ chức thực hiện. Trong đó, ngành KH&CN chịu trách nhiệm chính là quản lý nhà nước về an toàn bức xạ. Tính đến nay, trong lĩnh vực an toàn bức xạ đã có các văn bản sau :

- Pháp lệnh về an toàn và kiểm soát bức xạ số 50/CTN được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 3 tháng 7 năm 1996.

 - Thông tư liên tịch số 2237/1999/TTLT/ BKHCNMT-BYT ngày 28.12.1999 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ KH&CN) và Bộ Y tế về việc hướng dẫn việc thực hiện an toàn bức xạ trong y tế. 

- Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6561:1999 về an toàn bức xạ ion hoá tại các cơ sở X- quang y tế.

- Chỉ thị số 08/CT-CTUBBT  ngày 3/2/2005 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về an tòan và kiểm soát bức xạ trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện sự phân công, chỉ đạo của cấp trên, từ năm 2004, Sở KH&CN nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ tại địa phương, trong đó chịu trách nhiệm về việc thẩm định và cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công, việc đầu tiên là phải nâng cao nhận thức cho những người trực tiếp sử dụng thiết bị X-quang. Vì vậy, trong 2 năm, Sở KH&CN đã phối hợp với Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân và Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt  tổ chức 2 lớp tập huấn về công tác an toàn và kiểm soát bức xạ cho các cơ sở sử dụng bức xạ và các ngành chức năng có liên quan. Nội dung tập huấn là phổ biến các văn bản pháp quy và các tiêu chuẩn, các yêu cầu an toàn bức xạ cơ bản trong X quang chẩn đoán, thủ tục cấp phép...

Trên địa bàn tỉnh có 19 cơ sở sử dụng thiết bị X-quang dùng để chẩn đóan bệnh nhân, trong đó có 13 cơ sở do nhà nước quản lý và 6 cơ sở của tư nhân. Trong 19 cơ sở chỉ có 1 cơ sở  được Sở KH&CN cấp giấy phép an tòan bức xạ là Bệnh viện Đa khoa An Phước. Trước thực trạng đó, vào tháng 6.2005, Sở KH&CN đã triển khai chương trình khảo sát, điều tra, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng các phòng chụp X-quang của các cơ sở Y tế nhà nước và tư nhân trên địa bàn tỉnh. Qua điều tra khảo sát, đã phát hiện được nhiều vấn đề mà cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ sở đang sử dụng X-quang gặp phải :

*Thuận lợi:

Đã có một hệ thống cơ quan quản lý về an toàn bức xạ từ Trung ương đến địa phương (từ Bộ KH&CN đến các Sở KH&CN) và một hệ thống văn bản pháp quy làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý an toàn và kiểm soát bức xạ khá đầy đủ như: Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư, các tiêu chuẩn....

Có sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan khoa học như: Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân và Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt  trong việc đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho địa phương.

Các cơ sở bức xạ ý thức được trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an toàn bức xạ và áp dụng một số biện pháp để giảm thiểu những tác động có hại do tia phóng xạ gây ra đối với môi trường xung quanh.

*Tồn tại:

Bên cạnh những thuận lợi, cũng không ít những khó khăn. Các cơ sở bức xạ vẫn chưa đủ điều kiện để được cấp phép an toàn bức xạ theo quy định Nhà nước, như:

Tỷ lệ 16,6% phòng chụp X quang có diện tích chưa đúng theo quy chuẩn như: diện tích nhỏ hơn mức quy định, chiều cao trần thấp, bố trí chiều dài và chiều rộng phòng không phù hợp. Nếu điều kiện phòng không đảm bảo, khiến cường độ phát tia cao hơn nhiều lần mức cho phép. Điều này có thể gây nhiễm xạ nghề nghiệp cho các nhân viên sử dụng máy, khiến họ mắc các bệnh như giảm bạch cầu, suy tuỷ, ung thư máu...;

Tỷ lệ 87,5% phòng chụp X-quang chưa có tín hiệu cảnh báo bức xạ khi máy đang hoạt động;

Tỷ lệ 82,3% nhân viên bức xạ chưa được trang bị dụng cụ che chắn theo quy định, như: Áo chì, liều kế cá nhân,... Sự coi thường này không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ của người vận hành máy X-quang mà còn ảnh hưởng tới cả những người xung quanh, nhất là những người tới khám bệnh;

Tỷ lệ 96% thiết bị X-quang chưa qua kiểm định. Hiện nay, có 2 đơn vị được Bộ KH&CN công nhận khả năng kiểm định máy X-quang là Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà lạt và Trung tâm Hạt nhân TP.HCM. Nếu thiết bị chưa qua kiểm định mà đưa vào sử dụng thì không đảm bảo độ chính xác của liều đo. Việc sử dụng các thiết bị X-quang lạc hậu, không được kiểm định thường xuyên sẽ dẫn tới mức độ chiếu xạ vào cơ thể bệnh nhân (BN) vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Khi bị nhiễm vào cơ thể, bức xạ sẽ I-on hóa các phân tử sinh học làm hư hỏng các tế bào, dẫn tới làm tổn thương các chức năng và gây ra bệnh lý. Tùy thuộc vào liều lượng hấp thụ, con người có thể mắc nhiều bệnh như: Máu trắng, ban đỏ da, đường ruột, đục thủy tinh thể, thần kinh… Tuy nhiên, theo việc suất liều bức xạ cho BN/lần chụp hiện nay rất nhỏ, bên cạnh đó, BN lâu lâu mới chụp X-quang một lần nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe;

Tỷ lệ 94,7% cơ sở che chắn không đảm bảo an toàn bức xạ tại các mép cửa ra vào phòng chụp X-quang. Các cửa ra vào phòng chụp X-quang này được thiết kế như phòng làm việc. Vì vậy, sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của BN xung quanh.

* Sở dĩ tồn tại những nguyên nhân trên là do:

Một số cơ sở chưa nhận thức hết tầm quan trọng của tia bức xạ ảnh đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh. Hầu hết các đơn vị quản lý nhà nước về y tế chưa quan tâm đến vấn đề này;

Nguồn nhân lực của các cơ sở còn thiếu, thực hiện chế độ kiêm nhiệm, người quản lý đồng thời là nhân viên bức xạ. Chính vì vậy, không đủ điều kiện để cấp phép theo quy định;

Đa số các phòng chụp X-quang được xây dựng lâu năm, có một số cơ sở xây dựng trước thời gian Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ ban hành năm 1996. Vì vậy, không đáp ứng quy định kỹ thuật của Nhà nước. Tuy nhiên, việc đình chỉ họat động các cơ sở này là không thể được vì nhu cầu khám chữa bệnh hiện nay là không thể thiếu đối với người dân.

HM theo www.tchdkh.org.vn

 

 

Tin bài khác
Online: 10
Số lượt truy cập: 10343545
Lên đầu trang
SSL