Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp: Nhiều tiềm năng còn ở phía trước
00:12 11/05/2006: Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp trong những năm qua đã đạt được một số thành tích đáng kể: hình thành lên một cộng đồng kỹ thuật kiểm tra không phá hủy (NDT) ở Việt Nam, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong dầu khí, ứng dụng công nghệ bức xạ trong y tế và bảo quản nông nghiệp... Mặc dù vậy, tiềm năng của các ứng dụng này sẽ rất lớn nếu được sự quan tâm nhiều hơn của cả nhà nước và doanh nghiệp.

Ứng dụng đa dạng, hiệu quả

Theo ông Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (Viện nghiên cứu hạt nhân thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), các nhà khoa học đã hợp tác với ngành dầu khí từ rất sớm từ thời kỳ chiến tranh bằng việc dùng nguồn phóng xạ thăm dò tắc nghẽn đường ống dẫn dầu. Vào thập kỷ 1970, các nhà khoa học như Giáo sư Phạm Duy Hiển, Giáo sư Võ Đắc Bằng cùng các nhà địa chất như Trần Cảnh, Trần Lê Đông, Nguyễn Văn Tuyến, Phạm Thế Cầu đã tiến hành những phép đo vật lý dưới lỗ khoan thăm dò tại vùng biển Thái Bình. Những năm sau đó, Viện nghiên cứu hạt nhân đã hợp tác với liên doanh dầu khí Vietsopetro ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ công tác khoan, thăm dò và khai thác dầu khí trên mỏ Bạch Hổ, mỏ dầu đầu tiên và lớn nhất của nước ta hiện nay. Hàng ngàn mẫu địa chất, mẫu dầu và nước đã được phân tích bằng các kỹ thuật hạt nhân để góp thêm thông tin về cấu trúc địa chất chứa dầu, đánh giá quá trình khai thác.

Kỹ thuật kiểm tra không phá hủy (NDT) được Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phát triển từ những năm 1980 cũng đã kịp thời phục vụ nhu cầu kiểm tra mối hàn áp lực, đảm bảo an toàn cho việc xây dựng, lắp đặt các thiết bị xử lý, vận chuyển dầu khí. Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác dầu khí, kỹ thuật công nghệ hạt nhân được ứng dụng ngày càng nhiều. Các phép đo địa lý dưới lỗ khoan như phương pháp đo phóng xạ tự nhiên, xung nơtron, nguồn gamma, đánh dấu đồng vị phóng xạ (TRACER) đã trở thành các dịch vụ quen thuộc trong các hoạt động khoan thăm dò, khoan khai thác, xử lý và hoàn thiện giếng khoan. Các thiết bị hạt nhân như máy đo lưu lượng đa pha, máy báo mức, kiểm tra chất lượng chân đế giàn khoan, con thoi phóng xạ kiểm tra đường ống cũng được các công ty dầu khí lắp đặt và sử dụng trên các giàn khoan biển.

Kỹ thuật kiểm tra không phá hủy đã trở nên rất phổ biến trong công tác kiểm tra chất lượng của nhiều ngành công nghiệp trọng điểm ở Việt Nam và đem lại những hiệu quả kinh tế kỹ thuật được xã hội thừa nhận. "Các đơn vị NDT của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) đã là địa chỉ tin cậy hàng đầu cho việc nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ NDT. Viện là đơn vị duy nhất có nguồn nhân lực NDT khép kín toàn bộ công tác triển khai NDT bao gồm từ nghiên cứu phát triển, triển khai áp dụng, dịch vụ, đào tạo, chuyển giao công nghệ, tư vấn, cung ứng vật tư trang thiết bị đến hỗ trợ kỹ thuật đảm bảo an toàn bức xạ, xử lý sự cố cũng như bảo dưỡng bảo trì, sửa chữa các trang thiết bị NDT", Tiến sĩ Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện NLNTVN nói.

Trung tâm hạt nhân TP HCM hiện là một trong những đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN có doanh thu NDT trong những năm gần đây chiếm trên 20% tổng doanh thu của trung tâm. Riêng doanh thu từ dịch vụ chuyển giao kỹ thuật NDT cho các công ty khác đã lên tới hàng tỉ đồng. Trong số này có nhiều dự án của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như APAVE Việt Nam, Bureau Veritas, Omic - FCC Inspection Services, ADB...

Còn ở Hà Nội, các dịch vụ NDT của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân Hà Nội cũng được các khách hàng tín nhiệm. "Dự án "Kiểm tra không phá mẫu NDT  và Điện tử hạt nhân" do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tài trợ đã giúp thay đổi bước đầu cơ sở vật chất của Viện ngay từ những ngày mới thành lập hồi những năm 1990. Từ đó Viện đã có năng lực để tham gia vào các chương trình nghiên cứu triển khai", Tiến sĩ Võ Văn Thuận, Giám đốc viện này cho biết. Một số công trình xây dựng quan trọng mà viện tham gia với tư cách nhà cung cấp dịch vụ NDT là cầu Việt Trì , cầu sông Gianh, cầu Hòa Bình, cầu Quán Hàu, cầu Hiệp Phước...cần quan tâm và đầu tư cao hơn.

Thu nhập triển khai ứng dụng của NDT và Trung tâm Hạt nhân TPHCM

Tuy nhiên, theo ông Quang, so với nhu cầu thực tế và tầm vóc ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp thì mức đầu tư cũng như qui mô phát triển hiện nay của ngành này vẫn còn khá hạn chế. Các con số thống kê về các nguồn kinh phí nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật đánh dấu đồng vị phóng xạ vào mỏ dầu trong 5 năm 1999-2004 cho thấy nguồn kinh phí cấp cho đề tài nghiên cứu khoa học và đầu tư tăng cường trang thiết bị (cấp Bộ) chỉ chiếm khoảng 10% so với tổng kinh phí để đưa được công nghệ ra ứng dụng. Doanh thu giai đoạn này đạt gần 7 tỉ đồng trong khi đầu tư của nhà nước cho các đề tài nghiên cứu khoa học chỉ khoảng 700 triệu đồng, tương đương với mức đầu tư mà trung tâm tự bỏ ra. Một hạn chế khác là hiện Việt Nam vẫn chưa có chiến lược về hướng phát triển khoa học công nghệ hạt nhân phục vụ công nghiệp dầu khí.

Tương tự, trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ bức xạ, một số lĩnh vực ứng dụng qui mô công nghiệp vẫn chưa được thực hiện ở nước ta. Thí dụ như chiếu xạ chế tạo vật liệu cơ nhiệt trong ngành điện, điện tử, công nghiệp sản xuất ô tô; chiếu xạ khâu mạch cáp điện nhằm tạo ra các loại dây cáp có khả năng chịu nhiệt cao dùng trong ngành chế tạo, lắp ráp ô tô và một số ngành đặc biệt; chiếu xạ khâu mạch trong qui trình chế tạo lốp ô tô nhằm tăng sức bền và tiết kiệm nguyên liệu... Đặc biệt là việc sử dụng máy gia tốc chùm tia điện tử trong xử lý nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp và khí thải của nhà máy điện chạy dầu và than để loại bỏ NO2 và NOx. Hai ứng dụng sau cùng này hiện được nghiên cứu khá phổ biến ở các nước phát triển.

Cũng như vậy, theo Thạc sĩ Trần Khắc Ân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triển khai công nghệ bức xạ (Vinagamma), thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, để rút ngắn thời gian đưa ứng dụng công nghệ bức xạ ở qui mô công nghiệp, cần sự quan tâm và đầu tư không chỉ của các cơ quan chức năng mà cả của doanh nghiệp, đồng thời cần có các hình thức tuyên truyền và mô hình thử nghiệm để nhiều người biết hơn về các ứng dụng của công nghệ bức xạ.

Cho đến nay, các ứng dụng chủ yếu của Vinagamma là khử trùng các vật phẩm y tế, thanh trùng hàng thực phẩm và thuốc đông nam dược thành phẩm... Riêng doanh thu năm 2005 của Vinagamma trong lĩnh vực thanh trùng hàng thực phẩm đã lên tới 11 tỉ đồng. Chính lĩnh vực hấp dẫn này đã dẫn tới sự tham gia thị trường của các doanh nghiệp tư nhân: công ty trách nhiệm hữu hạn-thương mại Sơn Sơn hoạt động tại TP HCM từ năm 2003 (với máy gia tốc chùm tia điện tử 5 MeV, 100 kw phát tia X dùng cho chiếu xạ thực phẩm) và công ty cổ phần chiếu xạ Bình Dương hoạt động từ năm 2004 với máy chiếu xạ nguồn Cobalt-60 với hoạt độ 500  kCi dùng cho khử trùng dụng cụ y tế và chiếu xạ thực phẩm.

“Sự ra đời của các doanh nghiệp tư nhân chứng tỏ hoạt động ứng dụng công nghệ chiếu xạ có tính kinh tế cao và có nhu cầu thực tế. Đây cũng là minh chứng cho quyết định đầu tư trước đây của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho Vinagama là hoàn toàn đúng đắn", ông Ân nhấn mạnh..

                                                                                                                               Hà Mi, theo www.tiasang.com.vn

 

 

 

Tin bài khác
Online: 8
Số lượt truy cập: 10356497
Lên đầu trang
SSL