Y học hạt nhân ở Việt Nam: Những bước phát triển mới
00:12 11/05/2006: Kế hoạch đầu tư lớn của nhà nước vào y học hạt nhân (YHHN) dường như báo hiệu sẽ có một bước nhảy vọt về chất đối với ngành y tế công nghệ cao này. Nhưng liệu những mục tiêu cụ thể dành cho YHHN đề ra trong “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020” có trở thành hiện thực khi Việt Nam vẫn chưa có một qui hoạch tổng thể cho lĩnh vực này? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã gặp một số chuyên gia và nhà quản lý trong lĩnh vực YHHN.

Những tín hiệu vui

Dự án “Trung tâm Cyclotron-PET” với số tiền đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, trong khuôn khổ “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020” là một dự án liên viện trường-hoạt động dưới dạng phòng thí nghiệm trọng điểm để tất cả các đơn vị có thể tham gia nghiên cứu hiện đang được triển khai tại khoa YHHN – Bệnh viện (BV) Trung ương Quân đội 108. Dự án này được sự hỗ trợ của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Nhớ lại hơn 20 năm trước, khi Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (Viện Nghiên cứu Hạt Nhân Đà Lạt) ra đời tháng 3/1984, ngành YHHN Việt Nam cũng có bước chuyển quan trọng. Lần đầu tiên Việt Nam có thể tự sản xuất các đồng vị và dược chất phóng xạ. Từ đó tới nay, đã có gần 20 loại dược chất phóng xạ được sản xuất trên lò Đà Lạt, đáp ứng 50% nhu cầu về chủng loại các chất phóng xạ và 70% nhu cầu số lượng chất phóng xạ đối với các chủng loại đã cung cấp. Trong đó, chủ yếu là các dược chất chứa đồng vị I-131, P-32, Tc-99m, Cr-51 để phục vụ cho các bệnh như: bướu cổ, ung thư, tim mạch, thận, bệnh ngoài da, xét nghiệm nội tiết tố trong máu...

Với dự án Trung tâm Cyclotron-PET, triển vọng cho phép sản xuất các đồng vị phóng xạ phát Positron ngắn ngày mà các lò phản ứng hạt nhân hiện nay chưa làm được đang dần trở thành sự thật, hướng đến mục tiêu chiến lược: Việt Nam tự cung cấp 50% nhu cầu đồng vị và dược chất phóng xạ (2010) và nâng con số này lên 100% vào năm 2020. Nhận xét về các nỗ lực này của BV 108, GS.TS Phan Sỹ An, Chủ tịch Chi hội YHHN Việt Nam cho biết: “Khoa YHHN của BV 108 là đơn vị có nhiều thành công. Họ đã phát triển được ghi hình phóng xạ SPECT (SPECT: máy chụp cắt lớp đơn photon) và có những công nghệ kỹ thuật ngang tầm quốc tế. Họ có những cán bộ năng nổ như bác sĩ chủ nhiệm khoa Phạm Thị Minh Bảo và quan trọng hơn, giám đốc Đinh Ngọc Duy đã định hướng rất đúng và quan tâm sát sao tới sự phát triển của khoa này.”

Hiện tại, cả nước có 15 máy SPECT và một số máy móc thiết bị khác tại các khoa YHHN... đang được sử dụng rất hiệu quả tại các bệnh viện hàng đầu về chuyên ngành này như: Chợ Rẫy, 108, Bạch Mai, Đà Nẵng... Đặc biệt, BV Chợ Rẫy đã điều trị được bệnh ung thư gan và các nhiệm vụ chuyên môn phức tạp khác, là một trong những địa chỉ được Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) tín nhiệm nhất tại Việt Nam. Mặc dù các máy móc thiết bị của ta còn thiếu thốn, phần lớn lại là máy cũ được viện trợ, nhưng nếu nhìn lại những trang thiết bị đơn sơ, nghèo nàn được tận dụng từ các máy móc ghi đo phóng xạ cũ từ những năm đầu xây dựng chuyên ngành tại BV Bạch Mai (1971), ngày nay YHHN đã có được những bước tiến lớn.

Hơn thế, nhờ có ý thức tốt của những người hoạt động trong lĩnh vực này, các máy móc cũ được bảo trì, giữ gìn cẩn thận, đảm bảo phục vụ hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Nhờ những máy ấy, BV đã có thể chụp hình các cơ quan trong cơ thể, nghiên cứu động học của các tổ chức vận động như tim, thận; chụp hình được tưới máu cơ tim, tưới máu não; chụp hình ung thư... giúp cho bác sĩ lâm sàng đánh giá giai đoạn của bệnh để quyết định phẫu thuật hoặc đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp.
Những thành tựu đáng tự hào của chuyên khoa YHHN Việt Nam có được không thể không nhắc đến sự hợp tác tích cực, hiệu quả giữa Việt Nam và các cơ quan quốc tế như IAEA, WHO, các nước như Bỉ, Đức, Hàn Quốc, v.v... Nhưng hơn tất cả, BS Bảo nhấn mạnh, chúng tôi luôn luôn tri ân những người đi trước, như GS Phan Văn Duyệt, GS Hoàng Sử...

Trở ngại vẫn còn...

“Vị trí của YHHN hiện nay so với mặt bằng y học chung là rất yếu, mỏng và không đồng bộ”- GS.TSKH Phan Sỹ An tỏ ra lo lắng. Thật vậy, đến nay, cả nước mới chỉ có 5 cơ sở đảm bảo được tính chất đồng bộ (thăm dò được chức năng; ghi hình được bằng máy cắt lớp và dược chất phóng xạ; điều trị), đó là các BV: Chợ Rẫy, 108, Bạch Mai, Huế, Đà Nẵng. Có 2 lý do mà nhiều bác sỹ trong ngành thừa nhận: thiếu đầu tư và rào cản về tâm lý (trong thời gian dài, nhiều người vẫn e ngại “con ngáo ộp” hạt nhân-phóng xạ).

Nhiều người cũng lo ngại về tính thực tế của một số chỉ tiêu đề ra trong “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020”. Cụ thể như: Đến năm 2010, 50% các tỉnh có khoa YHHN và xạ trị và đến năm 2020 là 100%. Công việc này sẽ được hiện thực hóa thế nào? Một trong những giải pháp được các bệnh viện lựa chọn là mô hình liên doanh. Tuy nhiên, giải pháp này đến nay chưa mấy hiệu quả do thủ tục giấy tờ phức tạp, nguy cơ rủi ro cao, thu hồi vốn chậm khiến nhiều cơ sở liên doanh ngần ngại.

Nói về dự án xây dựng Trung tâm Cylotron-PET để sản xuất đồng vị phóng xạ tại BV 108, một bác sĩ bày tỏ: “Tôi mừng cho khoa YHHN của 108 nói riêng và toàn ngành YHHN nói chung, như thế là Nhà nước đã thấy được nhu cầu cần thiết của việc phát triển YHHN. Nhưng theo tôi, BV Bạch Mai cũng cần được đầu tư trang thiết bị đồng bộ hơn nữa thì việc phục vụ nhân dân và nhu cầu đào tạo mới có thể sâu rộng hơn. Phải chăng đây chính là tình trạng phân bố thiếu tính định hướng và không đồng đều?”.

Bác sĩ Bảo cho rằng: Hiện vẫn tồn tại những hạn chế về nguồn nhân lực, khi nơi đào tạo không có thiết bị để giảng dạy, thực hành; hạn chế về tài chính, thiếu trang thiết bị, thiếu điều kiện để nghiên cứu khoa học. Để phát huy nội lực, nên xây dựng một chiến lược đào tạo có các bước đi rõ ràng và cử người đi nghiên cứu, học tập chuyên sâu ở các nước có ngành YHHN phát triển... Nhưng theo GS An, nghịch lý ở chỗ: việc đào tạo chuyên gia ở nước ngoài cũng có những hạn chế tự thân do nhiều anh em có tâm lý không muốn đi dài hạn, hơn nữa, ngoại ngữ cũng là cản trở đáng kể.

Một thực trạng đáng buồn là trong số những máy móc thiết bị đã trang bị, cụ thể là 15 máy SPECT tại các khoa YHHN trên cả nước, có tới phân nửa "đắp chăn" vì đó là những máy cũ lại không có kinh phí bảo dưỡng, bảo trì. Thêm nữa là do một số các BV thiếu tích cực vận động sự tương trợ của các cơ quan kỹ thuật, công nghệ. Hơn nữa, Bảo hiểm y tế chưa có chế độ chi trả cho các dịch vụ YHHN trong khi hóa chất sử dụng cho việc điều trị lại rất đắt tiền. "Theo tôi, Bộ Y tế và Bảo hiểm y tế nên có chương trình hành động để phát huy hết ưu thế của YHHN trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng", Bác sĩ Bảo nhấn mạnh. Bà nói thêm: gần đây, một số khoa YHHN phải gắn với ung bướu, đi ngược với thông lệ quốc tế. Đây là một giải pháp bất đắc dĩ để tồn tại. Hy vọng với sự phát triển của ngành này, hai nhiệm vụ lớn này phải tách ra để được hoạt động độc lập.

Hà Mi, theo www.tiasang.com.vn

Tin bài khác
Online: 14
Số lượt truy cập: 10355527
Lên đầu trang
SSL