Chào mừng 30 năm thành lập Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (26/4/1976 - 26/4/2006)
00:12 25/04/2006: Hoà chung không khí tưng bừng, phấn khởi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, tập thể cán bộ, lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) vui mừng, tự hào tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Viện 26/4/1976-26/4/2006.

Cách đây 30 năm, vào ngày 26-4-1976, Hội đồng Chính phủ đã chính thức ra quyết định số 64-CP về việc thành lập Viện Nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt), trực thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, là tiền thân của Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam sau này. Nhìn lại từ ngày đầu thành lập mới thấy hết được sự đổi thay kỳ diệu của Viện NLNTVN. Từ một đơn vị nhỏ với đội ngũ cán bộ ít ỏi được tập hợp lại ban đầu, Viện NLNTVN đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt từ xây dựng cơ sở vật chất, con người đến triển khai ứng dụng có hiệu quả các kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Đất nước.

30 năm là khoảng thời gian không dài đối với việc xây dựng và phát triển một ngành khoa học, nhưng dưới sự chỉ đạo và quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ KH&CN, các thế hệ cán bộ lãnh đạo và công nhân của Viện đã phấn đấu không mệt mỏi vì sự phát triển đi lên của Viện.

Những thành tựu nổi bật của Viện tính đến thời điểm hiện tại bao trùm lên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, góp phần tích cực đẩy mạnh các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và công nghệ các nguyên tố phóng xạ trong y học, xây dựng, giao thông, công nghiệp, môi trường, năng lượng và nghiên cứu cơ bản.

Cụ thể Viện đã chủ trì, phối hợp thực hiện thành công một số nhiệm vụ cấp Nhà nước về nghiên cứu phát triển điện hạt nhân, chuẩn bị các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, luật pháp và nhân lực cho chương trình điện hạt nhân ở Việt Nam trong tương lai, biên soạn Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình. Ngoài ra Viện còn có nhiều công trình nghiên cứu về năng lượng nguyên tử đạt trình độ quốc tế, vận hành an toàn và khai thác hiệu quả lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, đóng góp quan trọng cho công tác hợp tác quốc tế và đào tạo cán bộ về năng lượng nguyên tử, hỗ trợ kỹ thuật về an toàn bức xạ hạt nhân trong toàn quốc.

Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công tác đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân luôn được Viện quan tâm. Đảm bảo an toàn trong hoạt động của Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và các thiết bị chiếu xạ là ưu tiên của Viện trong công tác an toàn bức xạ và hạt nhân. Công tác nghiên cứu – phát triển các kỹ thuật đo liều bức xạ đã thu được kết quả tốt, giúp cho việc kiểm soát liều chiếu xạ nghề nghiệp được thực hiện tốt trong cả nước. Hiện tại, 2 cơ sở của Viện ở Đà Lạt và Hà Nội có thể đảm bảo toàn bộ dịch vụ đo liều bức xạ trong toàn quốc. Phòng chuẩn cấp II của Viện có thể thực hiện việc kiểm chuẩn các thiết bị bức xạ y tế, đảm bảo an toàn bức xạ và nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị.

Về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Viện luôn có chủ trương nhất quán đào tạo thông qua công việc. Vì thế nhiều cán bộ của Viện đã trưởng thành thông qua các hoạt động nghiên cứu, trở thành những chuyên gia giỏi, được mời làm việc cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) và các nước trong khu vực. Ngoài ra, Viện cũng đã sử dụng triệt để các hình thức đào tạo nước ngoài để nâng cao trình độ cán bộ như đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, cộng tác viên khoa học và thực tập sinh ngắn hạn, dài hạn. Viện luôn trân trọng và đề cao những tài năng trẻ, vì thế nhiều sinh viên giỏi sau khi tốt nghiệp đã được nhận vào làm việc, bổ sung lực lượng cán bộ trẻ cho Viện. Hiện nay toàn Viện có gần 700 cán bộ, trong đó 15% có trình độ trên đại học, 57% có trình độ đại học và cao đẳng.

Tổng kết về hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, riêng trong giai đoạn 2001-2005, toàn Viện đã có 527 công trình khoa học được công bố, trong đó có 240 công trình khoa học công bố trên tạp chí quốc gia, tạp chí nước ngoài, các ấn phẩm và hội nghị quốc tế. Toàn Viện có 33 giải thưởng ở các cấp, đã triển khai thực hiện 314 đề án, dự án. Tổng kinh phí mà Viện đã thu được từ các hợp đồng chuyển giao công nghệ và dịch vụ trong cả giai đoạn 5 năm là 157,313 tỷ đồng. Tổng kinh phí mà Viện đã nộp ngân sách là 14,896 tỷ, trung bình 2,98 tỷ/năm và trung bình lợi nhuận là 5,36 tỷ/năm. Đặc biệt, trong những năm vừa qua rất nhiều sản phẩm, công nghệ của Viện được tặng Huy chương vàng, Cúp vàng Techmart Việt Nam.

Với những thành tích trên, năm 2001 Nhà nước đã trao tặng Viện NLNTVN Huân chương Lao động hạng ba.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, phục vụ tốt cho sự nghiệp Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá Đất nước, Viện NLNTVN sẽ nỗ lực phấn đấu nhiều hơn, phát huy mạnh mẽ những kết quả và kinh nghiệm đã đạt được, đồng thời tập trung giải quyết những mục tiêu quan trọng trước mắt phục vụ cho Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020.

Việt Nam đang trên con đường tiến vào thế kỷ 21- Kỷ nguyên của khoa học và công nghệ. Vì thế sẽ có không ít những vận hội và cả thách thức mới đặt ra cho Đất nước chúng ta nói chung và cho Viện NLNTVN nói riêng. Chúng ta tin tưởng rằng với tầm vóc phát triển như hiện nay, Viện NLNTVN mãi xứng đáng là con chim đầu đàn về lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng hạt nhân ở Việt Nam, góp phần kiến thiết nước nhà ngày một giàu mạnh theo đúng  Mục tiêu và Phương hướng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra: “Từng bước sử dụng công nghệ sạch, năng lượng sạch… để phấn đấu đến 2010, năng lực khoa học và công nghệ nước ta đạt trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực trên một số lĩnh vực”.

Hà Mi

 

 

 

Tin bài khác
Online: 16
Số lượt truy cập: 10356108
Lên đầu trang
SSL