Các nguồn phóng xạ vô chủ: nguy cơ tiềm ẩn!
00:12 09/11/2005: Chúng ta đang ngày càng không thể thiếu năng lượng nguyên tử nói chung và nguồn phóng xạ nói riêng trong cuộc sống. Phóng xạ có ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị y tế, trong tìm kiếm nguồn nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Tuy nhiên, do cố tình của một số người vì hám lợi (nhưng thiếu hiểu biết), do có ý đồ xâm hại xã hội, hoặc vô ý của một số người có trách nhiệm, một số nguồn phóng xạ đã qua sử dụng có thể "trôi nổi", trở thành nguồn vô chủ.

Ngày 8/11/2005, tại Khách sạn Horison (Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo trong khuôn khổ dự án “An ninh các nguồn phóng xạ khu vực Đông Nam Á”. Hội thảo do Cục Kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân và Tổ chức Khoa học công nghệ hạt nhân Úc đồng tổ chức. Các cán bộ quản lý, các nhà khoa học, kỹ thuật từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công nghiệp, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan và một số ngành, cơ sở bức xạ đã tới dự.

Hội thảo đã nghe báo cáo của các chuyên gia đến từ Úc và Mỹ, về các vấn đề: sử dụng nguồn phóng xạ, cơ sở hạ tầng quản lý nhà nước về an ninh các nguồn phóng xạ có độ nguy hiểm cao, Bộ quy tắc ứng xử về bảo đảm an toàn và an ninh các nguồn phóng xạ, những nguyên tắc cơ bản về an ninh và bảo vệ vật thể áp dụng cho các nguồn phóng xạ… Nội dung của Hội thảo khá chuyên sâu, nhưng hết sức cấp thiết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam; chúng ta đã và đang ứng dụng ngày càng nhiều các nguồn phóng xạ trong sản xuất và đời sống; nguy cơ tiểm ẩn về an toàn và an ninh các nguồn phóng xạ là hiện hữu.

Các báo cáo đã nêu hai ví dụ điển hình về tai nạn ở Thá i Lan (năm 2000) và Brazil (năm 1986) để thấy hậu quả nghiêm trọng đối với sức khoẻ, tính mạng con người, thiệt hại về kinh tế và tác động tâm lý xã hội.

Ở Samut Prakarn, Thái Lan, năm 2000, một nguồn xạ trị được cất giữ cẩu thả tại một bãi đỗ xe đã bị người lượm rác lấy đi, tháo dỡ, để lấy vỏ bọc bằng kim loại. Chất phóng xạ Cobalt-60 chứa bên trong bị phát tán, làm 10 người bị chiếu xạ liều cao, trong đó có 3 người bị tử vong.

Ở Goiânia, Brazil, năm 1986, người nhặt sắt vụn đã nhặt được một thiết bị xạ trị đã bỏ đi, mang về nhà, cưa ra, để lấy sắt vụn mang bán. Chất phóng xạ không được cô lập kịp thời, đã phát tán trong một khu vực rộng lớn. Kết quả làm cho 112.800 người phải bị kiểm tra sức khoẻ, phát hiện ra 271 người bị nhiễm xạ, 20 người phải nằm viện điều trị, trong đó có 4 người bị tử vong. Thiệt hại vật chất ước tính khoảng 20 triệu – 35 triệu đô la Mỹ, cần tới 6 tháng ứng phó ban đầu, 730 người tham gia tẩy xạ. Thành phố phải mất tới 10 năm để khôi phục mức phát triển kinh tế so với trước khi xảy ra tai nạn.

Dự án An ninh các nguồn phóng xạ khu vực Đông Nam Á có mục tiêu giảm thiểu nguy cơ tai nạn bức xạ cho các quốc gia trong khu vực, thông qua các chương trình đào tạo, hội thảo, hỗ trợ kỹ thuật và chuyên gia.

Dự kiến, các chuyên gia của dự án sẽ làm việc với Cục Kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân để xây dựng kế hoạch hành động 2 năm 2006-2007, hỗ trợ cho Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, điều kiện nhân lực và kỹ thuật bảo đảm an ninh các nguồn phóng xạ, tìm kiếm và thu hồi các nguồn vô chủ.

Lê Hoa

Tin bài khác
Online: 8
Số lượt truy cập: 10355606
Lên đầu trang
SSL