An ninh nguồn phóng xạ ở Việt Nam
11:11 09/01/2015: An ninh nguồn phóng xạ nói riêng và an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung hiện tại đang là mối quan tâm lớn của quốc tế, đặc biệt sau khi xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001 tại NewYork, Mỹ. Đối với lĩnh vực này có thể nhận xét rằng Việt Nam đã làm tốt vai trò quản lý trong việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ.
Với vai trò là cơ quan pháp quy của Việt Nam trong việc giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, cơ sở hạt nhân, kiểm soát hạt nhân và thực hiện các hoạt động sự nghiệp nhằm bảo đảm thực hiện các chức năng trên, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) trong những năm vừa qua đã triển khai được nhiều hoạt động, góp phần thực hiện tốt nhiệm bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ.
          Trong công tác bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, trước tiên phải đề cập đến  hành lang pháp lý để quản lý trong lĩnh vực này. Trong thời gian qua chúng ta đã  xây dựng tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm để quản lý hoạt động này.
Tháng 6/2008, Luật Năng lượng nguyên tử số 18/2008/QH đã được quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/1/2009 với 11 chương và 93 điều. Trong đó, điều 22, chương 3 quy định về đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ. Trong đó quy định cơ bản về các biện pháp bảo vệ an ninh, trách nhiệm của các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Đây chính là các tiền đề cơ bản, ban đầu để xây dựng một hệ thống văn bản quy định về an ninh nguồn phóng xạ.
Tiếp theo đó, một số văn bản cấp chính phủ và cấp Bộ đã được ban hành nhằm hướng dẫn thi hành các điều khoản liên quan bao gồm:
- Nghị định số 111/2009/NĐ-CP “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”, ban hành 11/12/2009, quy định các điều khoản về xử phạt vi phạm hành chính đối với an ninh nguồn phóng xạ.
- Thông tư số 08/2010/TT-BKHCN “Hướng dẫn về việc khai báo, cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ” của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 22/07/2010, với các điều khoản về đánh giá an ninh nguồn phóng xạ trong đánh giá an toàn bức xạ tại các cơ sở bức xạ khi tiến hành xin cấp phép tiến hành công việc bức xạ.
- Thông tư số 19/2010/TT-BKHCN “Hướng dẫn thanh tra chuyên ngành về an toàn bức xạ và hạt nhân” của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành 28/12/2010, với các điều khoản về thanh tra an ninh nguồn phóng xạ trong quá trình thanh tra.
- Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN “Hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ” của Bộ Khoa học và Công nghệ  ban hành 29/12/2010 với các điều khoản về các biện pháp an ninh nhằm đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ từ mức an ninh cao nhất (mức A) đến mức an ninh thấp nhất (mức D) trong sử dụng, lưu giữ và vận chuyển nguồn phóng xạ.
- Thông tư  số 24/2010/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 29/12/2010 với các điều khoản về phân loại và phân nhóm nguồn phóng xạ theo yêu cầu về an ninh.
- Thông tư  số 26/2010/TT-BKHCN Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 111/2009/NĐ-CP ngày 11/12/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 29/12/2010, với các điều khoản hướng dẫn về nội dung xử phạt vi phạm hành chính đối với an ninh nguồn phóng xạ.
          Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức và của cơ quan pháp quy trong việc đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các biện pháp bao đảm an ninh, cũng như quy định chi tiết các hành vi và hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với an ninh nguồn phóng xạ.
Hiện trạng đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ tại Việt Nam
          Hiện nay, tại Việt Nam có 24 cơ sở có sử dụng nguồn phóng xạ nhóm A (hoạt độ phóng xạ trên 1000 Ci) với các loại nguồn phóng xạ chủ yếu như: Co-60, Cs-137, Sr-90 v.v. và chủ yếu sử dụng trong nghiên cứu, chiếu xạ công nghiệp, xạ trị trong y tế (chiếu xạ máu/mô, xạ trị) và lưu giữ. Trong khuôn khổ Sáng kiến giảm thiểu nguy cơ bức xạ toàn cầu (Global Threat Reduction Initiative – GTRI) của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE), Cục ATBXHN đã hợp tác cùng Phòng Thí nghiệm Tây Bắc Thái Bình Dương (PNNL/NNSA) tham gia dự án BOA từ năm 2006. Dự án này đã trang bị hệ thống bảo đảm an ninh cho tất cà 24 cơ sở bức xạ có nguồn phóng xạ hoạt độ cao (trên 1000 Ci). Ngoài ra từ năm 2006, Cục ATBXHN đại diện Bộ KHCN cũng đã tham gia Dự án An ninh các nguồn phóng xạ khu vực (Regional Security of Radioactive Sources – RSRS). Đây là dự án do Tổ chức Khoa học và Công nghệ hạt nhân Úc (ANSTO – Austranian Nuclear Science and Technology Organization) chủ trì, có sự tham gia của Cơ quan Quản lý Quốc gia về an ninh hạt nhân Hoa Kỳ (NNSA – National Nuclear Safety Administration), thông qua Phòng Thí nghiệm Tây Bắc Thái Bình Dương (PNNL). Dự án này nằm trong khuôn khổ hoạt động của Hiệp hội an ninh nguồn phóng xạ khu vực Đông Nam Á (The South East Asia Regional Radiological Security Partnership - RRSP). Theo dự án này RSRS đã cung cấp và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các hội thảo, khoá tập huẩn, tham quan khoa học và đào tạo ngắn hạn về bảo đảm an ninh các nguồn phóng xạ, tư vấn soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Tính cho đến nay 24 cơ sở  bức xạ có nguồn phóng xạ hoạt độ cao (trên 1000 Ci) đã được trang bị hệ thống an ninh hiện đại, đã và đang xây dựng kế hoạch an ninh tại cơ sở (theo hướng dẫn của Cục ATBXHN năm 2008) nhằm đảm bảo quy trình vận hành hệ thống an ninh, chống lại sự xâm nhập trái phép, bảo vệ nguồn phóng xạ.
          Ngoài ra, đối với mức an ninh B (các cơ sở có nguồn phóng xạ hoặc tập hợp nguồn phóng xạ có tỷ số hoạt độ phóng xạ lớn hơn hoặc bằng 10 và nhỏ hơn 1000 Ci) có 56 cơ sở chủ yếu trong công nghiệp NDT (cơ sở chụp ảnh phóng xạ) và trong thăm dò giếng khoan với các loại nguồn như: Ir-192, Co-60, Cs-137, Se-75 v.v... Nguồn phóng xạ được sử dụng trong các loại hình ứng dụng này cũng là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt vì tính chất di chuyển nhiều, sử dụng trong các môi trường (công trường, nhà máy ...) khó bảo đảm an ninh. Hiện tại Cục đang hợp tác với Chính phủ Hàn quốc, với sự hỗ trợ của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ triển khai dự án RADLOT nhằm bảo đảm an ninh cho các nguồn phóng xạ NDT. Hệ thống RADLOT (Radiation Source Location Tracking System) là một hệ thống cho phép giám sát theo thời gian thực những máy chụp ảnh phóng xạ NDT dùng nguồn phóng xạ. Hệ thống RADLOT có thể xác định vị trí và hành trình di chuyển các nguồn phóng xạ theo thời gian thực dựa trên các thông tin được định vị thu nhận từ tín hiệu vệ tinh (GPS) và mạng lưới viễn thông di động. Thông qua việc kiểm soát này cho phép cơ quan quản lý và và các đơn vị sử dụng phản ứng tức thì tới các hành động tiếp cận trái phép, trộm hoặt mất cắp, giúp tăng cường an toàn và an ninh đối với nguồn phóng xạ.
Quản lý nhà nước bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ
          Hàng năm Cục ATBXHN ban hành giấy phép tiến hành công việc bức xạ, quản lý việc khai báo, thống kê các nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, chất thải phóng xạ; Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra trong đó bao gồm thanh tra an ninh nguồn phóng xạ tại cơ sở ; thực hiện việc kiểm soát và xử lý sự cố bức xạ. Tiến hành kiểm tra định kỳ hệ thống an ninh tại các cơ sở có nguồn phóng xạ nhóm A.
          Ngoài ra, công tác đào tạo cán bộ quản lý và cán bộ của các cơ sở về an ninh nguồn phóng xạ cũng được Cục ATBXHN chú trọng. Hàng năm, Cục ATBXHN thường xuyên tổ chức các khóa học về bảo vệ thực thể và quản lý an ninh nguồn phóng xạ, thanh tra an ninh nguồn phóng xạ và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân. Các khóa học ngoài việc cung cấp kiến thức cho học viên còn góp phần nâng cao nhận thức về an ninh nguồn phóng xạ, bảo vệ nguồn phóng xạ khỏi những hành vi vi phạm an ninh nguồn phóng xạ như trộm cắp, phá hoại, khủng bố…
          Tóm lại, hiện nay công tác quản lý an ninh nguồn phóng xạ đang được thực hiện tốt. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua đã từng xảy ra sự cố mất các nguồn phóng xạ nhỏ và đã gây nên những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của người dân về công tác quản lý an ninh nguồn phóng xạ. Với sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ hiện nay ở nước ta thì việc quan tâm để bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ cần được tiếp tục được nâng cao, trước hết tại các cơ sở sử dụng và cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân. Để thực hiện tốt việc này chúng ta cần tổ chức thực hiện tốt đề án bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và xây dựng văn hóa an ninh trong các tổ chức, cơ quan có liên quan.

 
VHT, Cục ATBXHN
Tin bài khác
Online: 9
Số lượt truy cập: 10355521
Lên đầu trang
SSL