Cẩn trọng với bức xạ trong chẩn đoán X-quang
00:12 18/10/2005: Phần lớn người sử dụng thiết bị X-quang và bệnh nhân hiện nay đều chưa có kiến thức sơ đẳng về tác hại của bức xạ khi chiếu tia. Nhiều nạn nhân của các sự cố thậm chí còn không ý thức được rằng mình có thể đã bị chiếu xạ.

 

Các chuyên gia thuộc Sở khoa học & Công nghệ TP HCM và Cục kiểm soát & An toàn bức xạ hạt nhân đã cho biết như vậy sáng qua, trong buổi tập huấn về an toàn bức xạ cho các nhân viên y tế khu vực phía Nam.

Theo các chuyên gia, hiện rất ít người có khả năng nhận biết và ứng phó với tổn thương do sự cố bức xạ. Khi các tổn thương do nhiễm xạ xuất hiện, bệnh nhân có thể sớm được các bác sĩ đa khoa hoặc chuyên khoa da liễu, huyết học, bệnh truyền nhiễm... khám nhưng không phát hiện ra nguyên nhân thật sự. 

Sau khi được chiếu, chụp X-quang, nên nghĩ đến tổn thương bức xạ nếu có các biểu hiện sau:

- Buồn nôn và nôn mửa, đặc biệt là kèm theo ban đỏ, mệt mỏi, tiêu chảy... nhưng không thể giải thích bằng các nguyên nhân khác như nhiễm khuẩn đường ruột, ngộ độc thực phẩm hoặc dị ứng thuốc;

- Thương tổn da có sự bong vẩy, rụng lông (không phải do bị bỏng nhiệt hoặc hóa chất, hoặc bị côn trùng cắn)... tại nơi đã xảy ra ban đỏ 2-4 tuần trước đó, sau khi bị chiếu xạ.

- Rụng lông hoặc có vấn đề về máu (như là đốm máu, chảy máu răng hoặc mũi) mà trước đó 2-4 tuần có hiện tượng buồn nôn và nôn mửa. Một số tổn thương bức xạ thường gặp là: Tróc vi và hoại da sau khi bị chiếu xạ, các vết bỏng, loét xuất hiện vài tuần sau khi có hiện tượng nổi ban đỏ.

Cũng tại buổi tập huấn trên, tiến sĩ Đặng Thanh Lương, Phó cục trưởng Cục kiểm soát và An toàn bức xạ & hạt nhân, cho biết, hiện chỉ gần 12% số cơ sở bức xạ trong cả nước được cấp giấy phép an toàn bức xạ, phần lớn là các cơ sở tư nhân. Các nguyên nhân chính là: phần lớn các phòng X-quang chưa đạt tiêu chuẩn về an toàn bức xạ, đội ngũ nhân viên chưa được đào tạo về lĩnh vực này; nhiều cơ sở được xây dựng trước khi có Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ. Ngoài ra, việc chưa có chương trình kiểm tra chất lượng máy móc cũng là một yếu tố gây chậm trễ trong cấp phép.

                                                                                                

 

                                                                                                   (Nguồn: Theo Sức khoẻ 2004)

Tin bài khác
Online: 103
Số lượt truy cập: 10356261
Lên đầu trang
SSL