Việt Nam cần có 20 nhà máy điện hạt nhân
00:12 28/09/2007: Tiến sĩ Đinh Đức Hữu là người Việt đầu tiên tại Mỹ có bằng điều hành nhà máy điện nguyên tử. Hiện ông là tổng giám đốc công ty công nghệ Việt - Mỹ (ATI), công ty 100% vốn nước ngoài với các dự án làm về du lịch, công nghệ thông tin, nuôi trồng thủy sản và khai thác dầu khí. Quan điểm của ông Hữu là để phục vụ nền kinh tế tăng trưởng 7-8% mỗi năm Việt Nam nên nghĩ đến việc xây dựng khoảng 20 nhà máy điện nguyên tử.

Các chuyên gia về môi trường của LHQ vừa đưa ra một kết luận quan trọng trong hội nghị khí hậu thế giới vừa họp xong tại Bangkok.

Họ nói nên nhìn năng lượng hạt nhân một cách nghiêm túc, và nên coi đây là cách giải thoát thế giới khỏi tình trạng ấm nóng toàn cầu.

Tình trạng trái đất ấm nóng dần lên đã làm đảo lộn các mô hình khí hậu thông thường. Thay vào đó là hạn hán, lũ lụt, bão tố, động đất, gây ảnh hưởng, và thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Tại Việt Nam chính phủ đang làm dự án tiền khả thi về việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên, khoảng 2400 megawatt, đặt tại tỉnh Bình Thuận. Nếu được thông qua, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động trong gia đoạn 2017-2020.

Tiến sĩ Đinh Đức Hữu là người Việt đầu tiên tại Mỹ có bằng điều hành nhà máy điện nguyên tử. Hiện ông là tổng giám đốc công ty công nghệ Việt - Mỹ (ATI), công ty 100% vốn nước ngoài với các dự án làm về du lịch, công nghệ thông tin, nuôi trồng thủy sản và khai thác dầu khí. Quan điểm của ông Hữu là để phục vụ nền kinh tế tăng trưởng 7-8% mỗi năm Việt Nam nên nghĩ đến việc xây dựng khoảng 20 nhà máy điện nguyên tử.

Đinh Đức Hữu: Chính phủ VN đã có kế hoạch sẽ làm nhà máy điện hạt nhân. Tôi thỉnh cầu chính phủ và tôi cũng báo cáo với nhân dân bởi vì tôi là người làm trong ngành này lâu và có kiến thức cũng như kinh nghiệm về ngành này. Nếu mà mình biết mình không nói thì sau này mình có lỗi. Tôi nói với lương tâm, trách nhiệm của tôi như là một người Việt Nam. Khi chính phủ có kế hoạch rồi thì chúng ta cần phải tiến hành nhanh để thực hiện và nắm bắt lấy cơ hội lớn này. Có hai điều chúng ta cần lưu ý và tôi xin tóm tắt các lý do chính:

Thứ nhất, nguồn dầu khí sẽ cạn kiệt, không còn nhiều và dầu khí sẽ được sử dụng vào mục tiêu quan trọng hơn chứ không đốt đi để làm nhiệt điện. Khi tôi được chính phủ Libya mời sang cố vấn làm chương trình nhà máy điện hạt nhân cho Libya, các nhà khoa học tầm vóc quốc gia họ nói một câu rất đơn giản. Là Libya sẽ không dùng dầu hỏa để làm nhiệt điện mà thay vào đó là năng lượng hạt nhân. Tôi nghĩ Việt Nam ta cũng thế.

Thủy điện cũng cạn kiệt

Đinh Đức Hữu: Thứ hai là khai thác về ngành thủy điện của mình cũng cạn kiệt rồi. Những chỗ làm nhà máy thủy điện loại lớn không còn nữa. Kế nữa là than đá, đây cũng là một vấn đề rất lớn. Hiện giờ cả thế giới chống ô nhiễm môi trường, phá hủy tầng ozone và trái đất đang dần nóng lên. Các nhà khoa học trên thế giới mới đây họp đã công bố rất rõ vấn đề đó. Người ta rất lo sợ chuyện này. Thành thử việc dùng than đá để chạy nhà máy điện là hết sức giới hạn và trên thế giới xu hướng này đang giảm mạnh.

Còn vấn đề điện bằng sức gió, điện bằng năng lượng mặt trời vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu để triển khai ở quy mô lớn, có ứng dụng thì chỉ là loại nhỏ. Vấn đề trước mắt, trong 20 năm tới nền kinh tế VN sẽ phát triển không ngừng, mà cỗ máy này sẽ vận hành nóng.

Hàn Quốc lúc phát triển kinh tế cao điểm mỗi năm họ đạt khoảng 7 phần trăm. Trong khoảng 20 năm Hàn Quốc đã xây 20 nhà máy điện hạt nhân. Thế mà họ vẫn thiếu điện. Và bây giờ phải xây thêm 10 nhà máy nữa.

Đấy là Hàn Quốc là quốc gia nhỏ hơn Việt Nam, và tôi nghĩ tốc độ phát triển của VN sẽ nhanh hơn nhiều. Vậy thì lượng điện VN cần để giữ cho nền kinh tế tăng trưởng 7 hay 8 phần trăm một năm phải lớn hơn Hàn Quốc. Vì thế chúng ta không thể xây một hai nhà máy được. Mà chúng ta phải xây ít nhất 20 nhà máy hạt nhân trong vòng 20 năm tới.

Điện hạt nhân chiếm một nửa

BBC: Tại sao một nước còn nghèo như Việt Nam mà lại cần đến 20 nhà máy điện hạt nhân. Ông có tính đến nhân lực, vật lực và vốn liếng cần phải đổ vào hay không?

Đinh Đức Hữu: Theo tính toán của tôi, Việt Nam trong 20 năm sau phải cần có khoảng 40 phần trăm điện là từ nhà máy điện hạt nhân. Còn lại điện làm từ các nguồn khác. Như thế mình có ba cái thế chân vạc về vấn đề này. Thứ nhất nhà máy điện hạt nhân sẽ là thành phần chủ lực để ổn định sự sống này. Bởi vì nó vững chãi, nó bền vững, nó lâu dài. Thứ hai là lượng điện do thủy điện tạo ra ở VN tốt, chiếm nhiều chục phầm trăm. Còn lại là nguồn năng lượng từ than đá và dầu khí.

Khi mình phân bổ ba cái chân kiềng như thế. Nó luôn nâng đỡ nhau và mình đảm bảo được an ninh năng lượng của quốc gia. Và năng lượng luôn phải đi trước một bước. Bây giờ chúng ta đang thiếu một chân kiềng. Và cái chân kiềng này cần phải được thiết kế và xây dựng ngay, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng thiếu điện. Chỉ năm năm sau chúng ta thấy là rất nguy hiểm. Lúc đó thiếu điện xảy đến chúng ta không kịp trở tay.

BBC: Có người nói bây giờ xây nhà máy điện hạt nhân nhanh hơn và rẻ hơn trước, điều này có đúng không?

Đinh Đức Hữu: Suốt 20 năm qua, có rất nhiều lý do để điện hạt nhân chưa tiện lợi, chưa dễ xây như bây giờ. Có ba lý do chính. Thứ nhất, do thế hệ thứ hai của nhà máy điện hạt nhân chưa được hoàn thiện lắm, về hệ thống an toàn chưa được tốt lắm. Tốn tiền mà lại cồng kềnh.

Vấn đề nữa là xin phép xây dựng nhà máy. Lúc đó còn nhiều chuyện phức tạp. Người ta chưa hiểu rõ cho nên hay giăng ra nhiều thứ việc.

Thứ ba là các nguồn năng lượng khác lúc đó còn tốt, đặc biệt dầu khí rẻ, có 15 hay 20 chục đô một thùng dầu thôi. Bây giờ thì nó không thế nữa. Lúc nào cũng xấp xỉ 70 đô một thùng. Chính những lý do tôi vừa kể mới khiến cho người ta dồn vào nghiên cứu để làm cho kỹ thuật điện hạt nhân tốt hơn. Và tôi xin công bố, cái thiết kế mới nhất của Mỹ do công ty Westinghouse làm, có ký hiệu AP1000 là đang chiếm vũ đài thế giới.

Tại sao tôi nói câu đó? Vì Trung Quốc rất khôn, họ đã mở một cuộc thi thiết kế nhà máy điện hạt nhân cho cả thế giới tham dự. Suốt cả năm bảy năm, trong đó có những công ty hàng đầu thế giới từ Nga, Nhật, Mỹ, Canada, anh, Pháp vào thi tài. Và Trung Quốc ngồi chấm điểm. Cuối cùng thì Mỹ chiếm vũ đài. Thiết kế của Westinghouse đoạt giải nhất. Và Trung Quốc đã ký ngay hợp đồng 10 tỷ đô để Mỹ xây cho bốn nhà máy mới. Và Trung Quốc sẽ xây 40 cái nữa, liên tục.

BBC: Và ông nói đến thời gian xây một nhà máy điện hạt nhân bây giờ cũng chỉ bằng một nửa so với trước đây, thành ra người ta có thể làm nhiều và làm nhanh được?

Đinh Đức Hữu: Tức là đến nay ta thấy có hai bước ngoặt lớn xảy ra đối với việc dùng hay đầu tư vào năng lượng hạt nhân. Đó là kỹ thuật an toàn hơn. Và thứ hai là giá rẻ. Lúc trước xây 10 năm mới xong. Thời điểm của tôi làm nhà máy ở bên Mỹ xây phải mất 10 năm. Bây giờ xây chỉ mất ba năm. Và an toàn. Bỏ đi rất nhiều các thiết bị cồng kềnh. Cực kỳ an toàn và rẻ tiền.

Có thể nhẩm ra, cứ một nhà máy hai lò hạt nhân công suất 2400 megawatt, tuổi thọ của nó 60 năm và có thể kéo dài thêm 20 năm, thì giá trị của nó không thua gì cái mỏ Bạch Hổ của mình. Các bạn muốn có hai chục cái mỏ Bạch Hổ hay không? Một câu trả lời rất đơn giản là có. Vậy thì phải làm thôi. Và làm mình sẽ có đủ lực lượng để làm. Không sợ. Vì Hàn Quốc khi họ bắt đầu chương trình này thì quân họ còn thua quân mình.

Có thể nói rằng tôi được “ông Mỹ” huấn luyện từ đầu đến cuối, từ ABC cho đến cái kinh khủng nhất và có thể tự vận hành được nhà máy. Một con gà tốt sẽ đẻ ra nhiều con. Và tôi nghĩ tôi có thể đem thời giờ ra để giúp đất nước được. Đấy là cái vinh dự rất lớn cho cá nhân tôi. Chỉ cần thủ tướng chính phủ giao việc. Tôi sẽ làm cho đất nước ngay.

BBC: Vấn đề an toàn nhà máy điện hạt nhân luôn được đặt lên hàng đầu. Ông có thể làm gì để đảm bảo và có thể chế gì để thúc đẩy nó?

Đinh Đức Hữu: Vấn đề an toàn nhà máy điện hạt nhân, điều cốt lõi là phải giải nhiệt được lò. Nói một cách nôm na, cái lò đó phải luôn ở trong tình trạng đủ nước. Vì khi có đủ nước như vậy thì sẽ không làm cháy lò. Đấy là cái chính. Người ta nói nhiều thứ nhưng quy vào vấn đề đó thôi. Tức là lò không được ở trong tình trạng thiếu nước.

Trước đây, các kỹ sư không biết cách thiết kế như thế nào, làm system nó cồng kềnh. Hệ thống bơm nước vào lò xa cả mấy trăm mét, lò thì cao ngất trên tầng giời, còn máy bơm thì đặt mãi dưới hỏa ngục. Như vậy khi lò có sự cố, nhà bị cháy thì phải có sẵn nước để dập tắt ngay. Nếu mang nước từ xa vào để đổ thì cực kỳ bất cập.

BBC: Ý ông nói là về nguyên lý vận hành thì các lò thế hệ mới bây giờ an toàn hơn nhiều so với trước?

Đinh Đức Hữu: Thứ nhất là lúc đó liệu đường dẫn, máy bơm, van đã sẵn sàng chưa? Hai là, đã sẵn sàng rồi thì hì hục mãi mới bơm được một gáo nước lên, vậy thì ngay bản thiết kế cơ bản đã sai. Mà không ai nói gì. Nó làm cho lò rất đắt, rất phức tạp. Bao nhiêu tiền tốn vào hệ thống bơm, vòi, ống dẫn nước, van ngắt, van xả.

Rồi do lý do an toàn phải luôn luôn có hai hệ thống, A và B. B để phòng nhỡ khi A không hoạt động. Cái thứ hai nữa là phải chống lại được những vấn đề động đất hay những vấn đề khác. Rồi vấn đề môi trường xung quanh để không làm hại hệ thống này. Tức là người ta giống như kiểu nuôi quân 10 năm đánh giặc một lần.

Và khi anh nuôi quân 10 năm như thế quân của anh phải thật khỏe, nó yếu một tý không được. Vậy thì tiền bạc để làm hệ thống đó cực kỳ tốn kém.Thứ nhất xây dựng nó phức tạp, thứ hai là bảo dưỡng nó, để nó luôn ở trong tình trạng hoạt động tốt.

Vì cứ khoảng một tuần hay mấy ngày chúng ta lại phải chạy thử lại. Nó phức tạp, cực kỳ phức tạp. Do vậy nhà máy trở nên đắt. Hệ thống an toàn trong các lò hạt nhân đời trước luôn chiếm khoảng 35 đến 40 phần trăm giá thành của lò, đội giá lên kinh lắm và đội thời gian để xây nhà máy.

Bây giờ người ra khắc phục cái không hoàn hảo này rất đơn giản. Các nhà thiết kế lò ngồi lại với nhau và đồng ý một điểm. Ta nên trở về những gì đơn giản nhất. Định luật trọng trường - gravity force - đã được mang ra áp dụng. Trong lò hạt nhân nó có một cái vỏ thép, vỏ xi măng to lắm gọi là containment, cả phía bên trên để không.

Hiện nay, người ta mới làm hệ thống bồn nước treo nhằm trữ một khối nước khổng lồ và đặt hai ống lớn chĩa thẳng vào lò. Khi có sự cố thì hai cái van ấy bật ra và nước dội thẳng xuống lò đến khi nào lò hạ nhiệt. Như vậy là phá các thanh nguyên tử ở trong đó. Thì lò không bị dò rỉ nguyên tử ra ngoài. Đó là kỹ thuật được trình bày theo lối bình dân, tôi không muốn nói thêm nữa sợ sẽ khó hiểu.

Theo BBC

Tin bài khác
Online: 23
Số lượt truy cập: 10357346
Lên đầu trang
SSL