Uranium nghèo: Xin đừng hiểu sai!
00:12 18/09/2007: Việt Nam đã từng phát hiện gần 1 tấn “uranium nghèo” được buôn bán qua cơn sốt ảo của những phi vụ đen. Trong đó, chỉ có khoảng 500 kg là "đồ thật". IAEA, WHO từng khẳng định, uran nghèo "không có mối liên hệ" với ung thư.

Chỉ là thứ phẩm của chu trình nhiên liệu hạt nhân, nhưng có lúc, ở nơi này nơi khác uran nghèo được nâng giá lên mây xanh trong những phi vụ lừa đảo mua bán, hoặc trở thành công cụ cho các cuộc khẩu chiến phi khoa học. Vì vậy, nhiều người vẫn muốn sáng rõ thêm về bản chất thứ kim loại “không quý hiếm” này.

Cơn sốt ảo qua những phi vụ buôn bán uran nghèo

Uran nghèo (depleted uranium - DU) là phế thải trong chu trình nhiên liệu hạt nhân, nhưng không phải là thứ bỏ đi. Trong thực tế, uran nghèo vẫn có ích, được sử dụng trong một vài lĩnh vực nhờ vào các đặc tính hoá lý và cơ lý của nó: độ phóng xạ rất thấp, khối lượng riêng rất lớn và độ cứng khá cao.

Dù vậy, giá trị của uran nghèo trên thị trường thường thấp. Từ trước tới nay chưa ai dự đoán uran nghèo sẽ có lúc tăng giá, vì trên thị trường cung luôn vượt cầu. Vậy mà, đã có lúc, ở một vài khu vực trên thế giới, từng rộ lên cơn sốt uran nghèo. Ở Việt Nam ta, hơn 10 năm trước đây cũng vậy. Đó là những cơn sốt ảo với những giá cả ảo.

Một số cò mồi nước ngoài vào nước ta kích giá cả lên mây xanh để đàn em trục lợi. Chắc có người vẫn còn nhớ chuyện một người mang quốc tịch Pháp từng đến lừa một cơ quan địa phương phía nam, ký hợp đồng ghi nhớ mua vài kilogram uran nghèo với giá đến hai triệu đô la (!). (Ghi chú: Tờ hợp đồng “khôi hài” đó bị phát hiện trong hành lý khi ông ta bị bắt ở sân bay vì một lý do khác – mang lậu về nước mấy cân đá quý và vài chục nghìn đô la Mỹ).

Bằng những chiêu bài nói trên, dù chỉ nghe tin truyền tai nhau “uran nghèo quý lắm, đắt hơn đồng đen, hơn vàng”, thế mà có người tin, lùng sục tìm mua, tích luỹ. Đã có trường hợp rao bán và mặc cả đến giá cao ngất ngưỡng 20.000 – 30.000 đô la Mỹ một cục nặng khoảng 4,5 kilogam.

Trước tình hình phức tạp đó, Nhà nước, lúc bấy giờ đã có những biện pháp ngăn chặn. Chẳng hạn, trong vụ án 027Z, truy tìm những đường dây buôn lậu, cơ quan công an đã thành công, bắt được một cục uran nghèo nặng khoảng 4,5 kilogam. Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam được chính phủ giao chủ trì tổ công tác đặc biệt thu gom uran nghèo. Trong hai năm hoạt động, tổ U5 này đã thu gom gần một tấn hiện vật. 3 phòng thí nghiệm của Viện cũng đã phối hợp phân tích, kiểm tra chéo và xác định: trên 500 kilogam hiện vật uran nghèo. Ngoài ra, còn vài tạ uran giả, chỉ là chì hoặc hợp kim khác.

Nửa tấn hiện vật uran nghèo, con số thật đáng kể. Các thành viên Tổ U5, nhiều cán bộ khoa học thuộc Viện NLNTVN chắc hẳn cũng trải qua nhiều vất vả, lăn lộn. Từ việc lùng tìm, thu gom, cất giữ bên mình, đến việc đưa về lưu giữ trong phòng thí nghiệm, miệt mài phân tích hàm lượng, đánh giá mức độ phóng xạ. Họ đã bình thản trở về với nhiệm sở sau hai năm lặng lẽ hoàn thành phận sự cấp trên giao phó.

Một kết luận quan trọng mà Tổ U5 đưa ra: không hề có hiện vật nào thu được ở Việt Nam là uran giàu cả. Đây là một kết luận quan trọng, một thông tin nhạy cảm đối với nước ta sau khi đã tham gia những hiệp định quốc tế.

Còn uranium nghèo ở đâu ra? Khả năng lớn là những uran nghèo đã được dùng làm vật đối trọng trên các máy bay của quân đội Mỹ mà sau chiến tranh, do nhiều lý do dễ hiểu, đã bị thất thoát.

Uran nghèo độc hại: Xin hiểu cho đúng…

Uranium nghèo có độc hại không? Nếu tìm trên internet, bạn sẽ thấy tràn ngập những tin tức, bài viết, nghiên cứu, dẫn chứng ... nói về độc tính của Uranium. Luồng dư luận này dấy lên đặc biệt là sau khi cuộc chiến tranh vùng Vịnh, ở đó Mỹ đã sử dụng gần một triệu quả đạn bọc uran ở đầu đạn, bắn vào xe tăng Irac. Sau khi bắn, đạn vỡ ra và khiến cho binh lính Mỹ phải hít bụi uran nghèo và gây dư luận xôn xao về tác hại của loại đạn DU này. Thế nhưng, đó lại là một câu chuyện khác... Lúc đó, nhiệt độ lên đến hàng ngàn độ, sẽ có vô số mảnh vụn và bụi uran bay ra. Trong điều kiện bình thường, chưa có công trình nghiên cứu nào xác nhận hiện tượng uran nghèo bốc hơi cả.

Còn nếu tìm hiểu sâu hơn, khả năng gây hại cho sức khoẻ con người của uran nghèo trên hai phương diện - tác hại phóng xạ và tác hại hoá học - thì thật ra, chúng đã được cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hai tổ chức quốc tế có uy tín và tầm ảnh hưởng trên thế giới, khảo sát kỹ lưỡng và kết luận rõ ràng.

Về tác hại phóng xạ, IAEA kết luận: “Uran nghèo (DU) gần như không làm tăng thêm phông bức xạ môi trường tạo nên bởi các chất phóng xạ tự nhiên tồn tại ở mọi nơi, trong đất đá, cây cỏ…”. IAEA cũng cho rằng: “Dựa vào những chứng cứ khoa học đáng tin cậy, không thấy mối liên hệ nào giữa việc tiếp xúc với DU và hiện tượng phát sinh các căn bệnh nguy hiểm như ung thư hay sút giảm sức khoẻ”.

Tài liệu của IAEA còn cho biết: “ Hiện tượng bỏng da do tiếp xúc với DU rất khó xẩy ra, dù để DU tiếp xúc với da trong hàng tuần”. Điều này không có gì lạ đối với những người am hiểu, khi biết rằng chu kì bán rã của U238 đến 4,5 tỉ năm nên hoạt độ phóng xạ riêng của Uran nghèo rất bé (bé hơn 3 triệu lần so với chất Radium dùng chế tạo đồng hồ dạ quang).

Ngoài ra uran nghèo chủ yếu phát ra các hạt bêta và anpha dễ dàng hấp thụ trong không khí hoặc lớp áo quần trước khi tác động đến cơ thể người, còn cường độ gamma phát ra thì rất yếu. Tuy thế, trong ứng xử với phóng xạ, xin lưu ý không bao giờ xa rời thông điệp đúng đắn, nổi tiếng của nguyên lý ALARA (The dose should be As Low As Reasonably Achievable): "liều bức xạ trong môi trường càng thấp bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, trong sự cân nhắc các lợi ích kinh tế xã hội khác".

Có nhiều loại tia bức xạ nhưng các tia anpha và bêta âmmà uran nghèo phát ra thì sức xuyên thấu yếu

Bạn có thể tìm thấy các báo cáo khoa học xuất phát từ những nghiên cứu rất thận trọng của WHO, IAEA tại website của hai cơ quan nói trên.

Đối chiếu với trường hợp cục uranium, tang vật vụ án 027Z và những mẫu vật uran thu nhặt được thì khảo sát của tổ U5 ngày trước và ở Viện khoa học và Kỹ thuật gần đây cũng đưa ra những đánh giá phù hợp với các khảo sát của IAEA và WHO về tính nguy hại của Uranium nghèo.

Cụ thể hơn, là nếu ở khoảng cách 1m thì liều bức xạ gây nên bởi cục uran nói trên , không còn đáng kể. Nói cách khác ở đó chỉ còn lại phông bức xạ tự nhiên, trung bình khoảng 0,2 micro Sv/h, mà mọi người sống trên mặt đất này ai cũng phải chịu trong suốt cuộc đời. Riêng liều bức xạ tự nhiên này không ai có thể tránh được.

 

Trong môi trường tự nhiên, con người đã được chiếu bởi các bức xạ

Vì lẽ đó, không có gì đáng ngạc nhiên, khi biết rằng phần lớn các vật bằng uran nghèo không cần bọc chì bảo vệ như các đồng vị phóng xạ thông thường khác. Ngược lại, uran nghèo được sử dụng thay chì nhằm tạo thành những hộp đựng chất phóng xạ nhằm ngăn cản tia phóng xạ. Chẳng hạn hộp đựng nguồn phóng xạ dùng trong các máy kiểm tra công trình xây dựng, hoặc các hộp đựng nguồn phóng xạ dùng trong các máy xạ trị áp sát có thể tự động đưa nguồn vào gần khối u để diệt. Ưu điểm của uran nghèo so với chì là giảm kích thước hộp chứa nguồn phóng xạ.

 

Uranium nghèo (depleted uranium - DU) hiện diện trong nhiều vật dụng thường ngày như gốm sứ dùng trong nha khoa; thủy tinh trang trí; gốm áp điện; phim ảnh...

Tóm lại, cũng như mọi sản phẩm sáng tạo khoa học khác, uran nghèo vẫn có ích cho con người, chứ không phải là thứ bỏ đi, càng không phải là nguyên nhân của tội lỗi. Tội lỗi, nếu có, chỉ ở sự thiếu hiểu biết hoặc ở ý đồ của những người sử dụng nó, ứng xử với nó mà thôi.

Theo Vietnamnet

Tin bài khác
Online: 19
Số lượt truy cập: 10357774
Lên đầu trang
SSL