Những điều chưa biết về chuyện 39 chiến sĩ bị "nhiễm xạ"
00:12 26/08/2007: Mấy ngày nay, câu chuyện 39 chiến sĩ công an bị “nhiễm xạ” đang làm dư luận đặc biệt quan tâm. Có hai luồng dư luận cho rằng những chiến sĩ này bị và không bị nhiễm phóng xạ do cục uran nghèo (DU) – tang vật của vụ án 027Z gây nên. Dù sao, việc có một số trong 39 chiến sĩ trên bị bệnh hiểm nghèo là có thật và việc quan tâm đến họ là nên tiếp tục trong khả năng cao nhất của ngành y tế.

“Cuộc phiêu lưu” của cục tang vật trong chuyên án 027Z 

Sáng 24/8, PV VietNamNet đã “sờ tận tay, day tận trán” cục uran nghèo được coi là “thủ phạm” gây ra trọng bệnh cho 39 chiến sĩ công an

Cục kim loại mầu đen có hình thang và bị vát một góc. Những số hiệu trên đó đã bị mờ, khiến người ta khó có thể nhìn rõ các con số. Một số chuyên gia của Cục Kiểm soát an toàn bức xạ, hạt nhân đã phải dùng một tờ giấy trắng đặt lên trên cục uran, sau đó dùng chì cà lên trên tấm giấy trắng. Cuối cùng cũng hiện lên dòng ký hiệu 215- 283- 44- 4. Trọng lượng cân nặng của cục uran là 4,5kg.

Cũng trong sáng 24/8, chúng tôi đã có buổi làm việc với Công an thành phố Hà Nội và ông Ngô Đăng Nhân, Cục trưởng Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân để làm sáng tỏ một số điều liên quan đến chuyện 39 chiến sỹ công an bị “nhiễm phóng xạ”.

Cục uran tang vật vụ án 027Z được mang từ Cục kiểm soát an toàn bức xạ, hạt nhân sang phòng làm việc của ông Vũ Văn Hiền, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Công an Hà Nội.

Tại phòng làm việc của ông Vũ Văn Hiền còn có sự có mặt của ông Đào Đức Hòe, phòng An ninh điều tra, Công an Hà Nội, người mà cách đây 12 năm đã từng tham gia chuyên án 027Z

Sau khi được xem cục tang vật, ông Hòe và cả ông  Hiền, người cách đây 12 năm là Thủ trưởng cơ quan điều tra, Công an Hà Nội (bản thân ông Hiền đã từng nhìn thấy cục uran) đều xác nhận đó chính là cục uran trong chuyên án 027Z.

Giải thích về cân nặng của cục uran không phải là 4,6kg như trong hồ sơ vụ án, ông Hòe cho rằng có thể là do độ chính xác của chiếc cân nên việc chênh nhau 1 lạng là hoàn toàn bình thường. Hơn nữa khi thực hiện chuyên án, chiếc cân dùng để cân tang vật cũng chỉ là một chiếc cân bình thường, không phải là cân chuẩn của Cục đo lường chất lượng.

Kể về “chuyến phiêu lưu” của cục tang vật, ông Hòe cho biết: Sau khi cục tang vật được để hai ngày tại Đội cảnh sát kinh tế, Công an quận Hai Bà Trưng, sau đó được chuyển giao cho Phòng Cảnh sát điều tra, Công an quận Hai Bà Trưng. Tiếp sau đó, cục tang vật được đưa đến Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội.

Ông Hòe kể lại rằng, chính ông và ông Đặng Đình Công, điều tra viên của Công an quận Hai Bà Trưng, đã chuyển cục xạ lên Cơ quan An ninh điều tra, Công an Hà Nội.

Tiếp đó cục tang vật được đưa sang C21 (Viện Khoa học hình sự , Bộ Công an) để làm giám định ban đầu.

Theo lời ông Hòe và ông Hiền, do C21 không đủ phương tiện, con người nên chỉ giám định sơ bộ. Còn sau đó, để đảm bảo tính chính xác và hợp pháp, cục tang vật đã được chuyển sang Viện năng lượng nguyên tử việt Nam.

Cũng theo lời ông Hòe và ông Hiền, bản giám định số 774 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an do giám định viên Vũ Văn Nhan ký hoàn toàn không có tư cách pháp lý. Đó chỉ là bản giám định sơ bộ ban đầu.

Tổ chức đã vận dụng linh hoạt để có chính sách cho 39 chiến sỹ

Trong buổi trao đổi tại Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an quận Hai Bà Trưng ngày 22/8, ông Lê Văn Hưng, người có tên trong danh sách 39 chiến sỹ công an “nhiễm xạ” khẳng định mình và đồng đội bị bệnh là do bị nhiễm xạ từ cục tang vật.

Ông Hưng cho rằng, nếu anh và đồng đội không bị nhiễm xạ, lấy đâu ra được ngành Công an quan tâm đến như vậy.

Về chuyện này, ông Hiền giải thích: Công an thành phố không phải là đơn vị chuyên môn nên không thể xác định 39 chiến sỹ công an Hai Bà Trưng có bị nhiễm xạ hay không. 

Theo ông Hiền, việc phê duyệt cho 39 chiến sỹ được hưởng chế độ quan tâm đặc biệt là do Công an Hà Nội thấy anh em lo lắng, lại cũng có thông tin về việc nhiễm xạ nên đã vận dụng linh hoạt để giải quyết chính sách, động viên họ tiếp tục công tác tốt .

Trên thực tế, có nhiều chiến sỹ cũng tham gia chuyên án và tiếp xúc với cục tang vật đó nhưng cũng không hề được hưởng chính sách gì. “Ngay cả tôi  và anh Hòe đây cũng tiếp xúc với cục tang vật nhưng có được hưởng chế độ gì đâu”, ông Hiền nói.

Khi được hỏi về tình trạng sức khỏe, ông Đào Đức Hòe, khẳng định mình hoàn toàn khỏe mạnh.

Giám đốc Bệnh viện 103 không biết có việc điều trị nhiễm xạ

Chiều 24/8, ông Đặng Ngọc Hùng, Giám đốc Bệnh viện 103 khẳng định chắc nịch: Không hề hay biết và nghe nói đến chuyện có 39 chiến sỹ công an được điều trị về nhiễm xạ tại bệnh viện.

Ông Đặng Ngọc Hùng cho biết: Vào tháng 11/1995, ông là Phó Giám đốc Bệnh viện 103. Đến tháng 11/2000 ông lên giữ chức Giám đốc. Với cương vị giám đốc, nhưng chưa từng có ai báo cáo với ông về việc có 39 chiến sỹ công an bị nhiễm xạ được điều trị chính thức tại bệnh viện. “Nếu quả thực có chuyện 39 chiến sỹ công an được điều trị chính thức tại Bệnh viện 103 thì tôi có thể cho xem toàn bộ hồ sơ bệnh án vì trong bệnh viện còn lưu giữ những hồ sơ bệnh án cách đây 20 năm”, ông Hùng nói.

Theo lời ông Hùng, Khoa Y học hạt nhân của Bệnh viện 103 là khoa không mạnh và không có máy móc điều trị xạ. Khả năng điều trị là không có gì, nhất là vào thời điểm năm 1995- 1997.

“Anh Lê Bảo Toàn đã nghỉ hưu từ năm 2002 và từ trước đến nay, anh Lê Bảo Toàn đã điều trị cho 39 chiến sỹ công an như thế nào tôi không hề biết. Về việc này, thứ hai tuần tới tôi sẽ đề nghị anh Toàn phải đến Bệnh viện giải trình”, ông Hùng tuyên bố.

Con người có thể nhiễm bụi DU như thế nào?

Thông qua đường hô hấp: Đây là con đường chủ yếu để một người nhiễm bụi DU. Bụi lọt vào qua đường hô hấp khiến phổi và các nội tạng khác bị tổn thương.

Đường miệng: Trẻ em nô đùa quanh các khu vực từng xảy ra xung đột hoặc người lớn làm việc quanh các khu vực này có xu hướng nuốt phải bụi DU một cách vô tình hoặc cố ý. Uranium nghèo thường không tồn tại trong chuỗi thức ăn nên người ta chỉ có thể nhiễm bụi DU qua các con đường tiếp xúc trực tiếp.

Tiếp xúc qua cơ thể: Hiện tượng bị bỏng da do chạm phải DU rất khó xảy ra dù để DU tiếp xúc với da trong hàng tuần. Tuy nhiên, bụi DU có thể đi vào máu qua vết thương mở hoặc qua mảnh đạn DU găm vào da thịt.

Ông Hoàng Hoa Mai, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân: Nhiễm xạ trong chỉ có thể xảy ra khi uran nghèo ở dạng lỏng, bụi, khí  bị xâm nhập vào cơ thể. Trong khi đó khối uran nghèo, tang vật chuyên án 027Z lại là một khối kim loại cứng nên khó có thể gây ra nhiễm xạ trong.

Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã có những nghiên cứu chi tiết về uranium nghèo (DU) và kết luận như sau :

DU gần như không làm tăng thêm lượng phóng xạ vào môi trường các tia xạ thông thường mà cơ thể người tiếp xúc mỗi ngày. Nó chỉ chứa những tia phóng xạ yếu. 

Cụ thể DU có lượng phóng xạ thấp hơn tới 3 triệu lần so với chất radium vốn được dùng để chế tạo những chiếc đồng hồ  quang phổ đời cũ và thấp hơn tới 10 triệu lần so với những chất được dùng để chế tạo thiết bị phát hiện hỏa hoạn.

Dựa trên những chứng cứ khoa học đáng tin cậy, không có mối liên hệ nào giữa việc tiếp xúc với DU và hiện tượng phát sinh các căn bệnh nguy hiểm như ung thư hay sút giảm sức khỏe.

Người ta thường nhầm lẫn khi cho rằng các tia phóng xạ của DU là mối đe dọa chính tới sức khỏe. Thực tế, giống như nhiều kim loại nặng khác, DU nguy hiểm ở tính chất độc hại của nó. Nếu người bình thường nuốt hoặc hít một lượng DU nhất định, cơ thể sẽ bị tổn thương do tác động hóa học độc hại của loại chất này gây ra.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), người bình thường phải hít vào cơ thể một lượng rất lớn bụi DU mới có thể bị ung thư phổi. Nguy cơ bị các căn bệnh liên quan tới phóng xạ gồm ung thư, bệnh bạch cầu được cho là rất nhỏ.

Theo Vietnamnet, 26/08/2007

Tin bài khác
Online: 9
Số lượt truy cập: 10375270
Lên đầu trang
SSL