39 chiến sĩ nghi nhiễm xạ: "Nên tin kết luận khoa học"
00:12 30/08/2007: Tại buổi thảo luận sáng nay, TS. Ngô Đăng Nhân - Cục trưởng Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân đưa ra một loạt luận cứ khoa học cho thấy các chiến sỹ này không hề bị nhiễm xạ. Thiếu tướng Lê Quý Vương - Tổng Cục trưởng Tổng Cục XDLL (Bộ Công an) tin vào nhận định này.

Trong buổi làm việc sáng nay, Tiến sỹ Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân đã đưa ra một loạt chứng minh khoa học cho thấy 39 chiến sỹ công an không hề bị nhiễm xạ.

Ông Nhân chứng minh: “Đối với nhân viên làm việc trong ngành năng lượng nguyên tử, mức giới hạn cho phép liều bức xạ tối đa chiếu vào người là 20mSV trong 1 năm. Với diện tích bề mặt của mẫu vật là 284,4cm2, hoạt độ phóng xạ có khả năng chiếu vào cơ thể chỉ khoảng 10,57 Bq. Và giả sử thời gian tiếp xúc của các chiến sỹ công an là 40 giờ thì các chiến sỹ cũng chỉ nhận được một mức nhỏ hơn đến 20 lần so với giới hạn cho phép mà nhân viên ngành năng lượng nguyên tử có thể nhận được”.

Trước khi kết thúc buổi hội thảo, Thiếu tướng Lê Quý Vương đưa ra ý kiến: Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân là cơ quan quản lý Nhà nước, chịu trách nhiệm cuối cùng trước những thông tin đưa ra nên tôi tin vào kết quả đã nêu của Cục.

“Chúng ta nên tin vào các nhà khoa học vì các nhà khoa học đều là những người được đào tạo, trang bị những kiến thức chuyên môn. Họ có đầy đủ máy móc để thực hiện các cuộc khảo sát theo đúng chuyên môn”, Thiếu tướng Vương tiếp tục.

Đối với việc các chiến sỹ công an đang bị bệnh, Thiếu tướng Lê Quý Vương chỉ đạo: Việc tổ chức khám và đánh giá sức khỏe các chiến sỹ công an là cần thiết. Thiếu tướng Vương yêu cầu Cục Y tế và Bệnh viện 198, Bộ Công an cần vào cuộc để trên cơ sở đó đề xuất những chính sách hợp lý cho các cán bộ chiến này.

Bản giám định của Viện khoa học hình sự nói gì?

Trong câu chuyện 39 chiến sỹ công an bị “nhiễm xạ”, ngoài việc một số chiến sỹ công an bị mắc trọng bệnh thì bản kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an chính là “cơ sở lòng tin” cho những ai tin vào việc 39 chiến sỹ công an thực sự đã bị nhiễm xạ.

Ý kiến của Thiếu tướng Vương cho rằng bản kết luận đó có ghi dòng chữ: “Cường độ phóng xạ khá mạnh, khoảng cách an toàn với vật thể này phải từ 2m trở lên” chỉ là dòng chữ cảnh báo, không đồng nghĩa với việc khẳng định là có bệnh tật hay không bệnh tật.

Việc tòa án xử các đối tượng về tội Kinh doanh, tàng trữ trái phép chất phóng xạ là đúng và không có gì là mâu thuẫn cả vì cả Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an và Cục An toàn bức xạ đều khẳng định đây là chất phóng xạ.

Thiếu tướng Vương cũng chỉ đạo: Cần tìm lại 4 đối tượng đã bị xét xử về tội Kinh doanh, tàng trữ trái phép chất phóng xạ trong chuyên án 027Z ngày nào để nắm lại từng trường hợp, có thêm căn cứ xem xét, đánh giá lại việc bản chất sự việc.

"Chu kỳ bán rã của một cục uran nghèo là 4,5 tỷ năm"

Trả lời câu hỏi của Báo Pháp luật TP.HCM về việc: Liệu cục uran nghèo sau 12 năm mới lại được đưa ra đo đạc, thì có chính xác không, khi mà rất có thể phần lớn chất phóng xạ đã bị lọt ra ngoài (nói chính xác hơn có lẽ là: bị phân rã PV), ông Nguyễn Văn Nghĩa, Cục trưởng Cục Nghiên cứu hạt nhân, Bộ Quốc phòng khẳng định: Chu kỳ bán rã của Uran nghèo khoảng 4,5 tỷ năm, nên trong vòng 12 năm (quá nhỏ so với 4,5 tỷ năm PV) chuyện bị “lọt bớt chất phóng xạ ra bên ngoài (!) vô cùng nhỏ bé”, dẫn đến việc đo đạc, khảo sát lại cục uran nghèo không còn chính xác.

Ông Nghĩa cũng cho biết, GS.Nguyễn Xuân Phách, người đã trực tiếp khám cho 39 cán bộ chiến sỹ 12 năm trước đây đã khẳng định, họ không hề bị nhiễm xạ. Thậm chí các tia phóng xạ còn không đủ sức để xuyên qua quần áo nên không thể có chuyện các tia phóng xạ gây ra bệnh cho các chiến sỹ công an.

Theo ý kiến của ông Nghĩa, cũng cần phải xem lại xem trước đây, các cán bộ chiến sỹ này có bị mắc bệnh gì không. Hàng năm ở nước ta có từ 150.000 đến 170.000 người bị mắc bệnh ung thư nên “không thể gán từ cái này sang cái khác”.

Đề xuất chế độ bệnh binh cho 39 chiến sỹ công an

Chuyện một số chiến sỹ công an đang lâm trọng bệnh là có thật và việc quan tâm đến họ là điều nên làm. Đó là ý kiến chung của hầu hết những người có mặt sáng nay tại cuộc thảo luận. Mọi người đều nhất trí rằng bị ung thư cần rất nhiều tiền để chạy chữa nên việc quan tâm đến họ là hoàn toàn thỏa đáng.

Đồng chí Trần Đức Nhuận, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Tổng cục XDLL cho biết: 12 năm qua, Bộ Công an cũng đã theo dõi và đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho 39 chiến sỹ công an. Mỗi năm họ đều được đi nghỉ dưỡng 1 tháng ở Nha Trang.

“Vì không xác định được nguyên nhân bị bệnh của 39 chiến sỹ này nên không thể công nhận thương binh hay liệt sỹ cho họ. Không xác định được nguyên nhân gây bệnh nên cũng hơi lúng túng trong việc vận dụng chính sách”, đồng chí Nhuận phát biểu.

Đại diện cho bệnh Viện 198 cho rằng: Nguyên nhân gây ra khối u là rất khó xác định. Có khi bệnh ung thư nó tiềm tàng từ khi còn là phôi thai. Rõ ràng các chiến sỹ công an đã làm việc trong môi trường độc hại lâu ngày nên cũng cần có chế độ đối với họ.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ khó khăn với ngành Công an, nhất là trong hoàn cảnh phát sinh nhiều loại tội phạm mới, trong khi rất khó xác định thương binh (hay liệt sỹ) đối với những trường hợp tham gia phá các vụ án buôn bán chất phóng xạ. Nhiều người hoạt động trong kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cũng còn chưa được công nhận danh hiệu này. Đại diện Bộ LĐTB &XH đề xuất giải quyết chế độ bệnh binh cho 39 chiến sỹ công an.

Kết luận buổi họp, Thiếu tướng Lê Quý Vương chỉ đạo kiểm tra, khám sức khỏe cho 39 chiến sỹ công an để sớm có kết luận về tình hình sức khỏe của họ. Những chiến sĩ gặp khó khăn về kinh tế trong khi chữa bệnh sẽ được trợ cấp khó khăn kịp thời. 39 chiến sỹ chưa khẳng định được nguyên nhân của bệnh tật nhưng nếu họ từng hoạt động trong môi trường nặng nhọc, đặc biệt nguy hiểm thì cần có chính sách, đề nghị Bộ LĐTB&XH nghiên cứu bổ sung chính sách.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ Hoàng Văn Phong vừa có Công văn gửi Bệnh viện 103, 108, Bạch Mai và Bệnh Viện K với nội dung: Để xác định rõ việc ảnh hưởng của nguồn phóng xạ đến sức khỏe của các cán bộ công an tham gia chuyên án 027Z, Bộ KHCN nhận thấy ngoài các biện pháp về kỹ thuật, cần có sự kiểm tra về mặt y tế liên quan đến tác động của nguồn phóng xạ đến sức khỏe con người, góp phần nhanh chóng xác định được nguyên nhân và biện pháp điều trị thích hợp.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Cục trưởng Cục nghiên cứu hạt nhân (Bộ Quốc phòng) thì đề nghị tìm gặp 4 người đã từng tàng trữ trái phép cục uran nghèo (tang vật vụ án 027Z) để xem sức khỏe hiện giờ của họ ra sao, đem so sánh với sức khỏe của 39 cán bộ chiến sỹ công an.

Theo Vietnamnet, 30/08/2007

 

 

Tin bài khác
Online: 24
Số lượt truy cập: 10358091
Lên đầu trang
SSL