Tăng cường An toàn cho bệnh nhân và nhân viên: Hướng dẫn mới về Kiểm soát chất lượng đối với X-quang chẩn đoán
15:03 02/08/2023: Nhà vật lý người Đức Wilhelm Röntgen là người đầu tiên phát hiện ra khả năng sử dụng tia X để chụp hình ảnh vào năm 1895, khi ông tạo ra máy chụp X-quang, một hình ảnh được tạo ra bởi tia X thay vì ánh sáng. Bức ảnh X-quang đầu tiên, cho thấy xương bàn tay của vợ ông, đã gây bão trên toàn thế giới, tạo ra cuộc cách mạng trong y học và mang về cho ông giải Nobel vật lý đầu tiên.
Ngày nay, X-quang chẩn đoán đã trở thành một trong những công cụ mạnh nhất trong y học hiện đại. X-quang là cần thiết để chẩn đoán kịp thời và chính xác một loạt các tình trạng bệnh từ gãy xương đến ung thư, cho phép điều trị hiệu quả bắt đầu càng sớm càng tốt.
Vì thiết bị X-quang áp dụng bức xạ ion hóa cho bệnh nhân, nên việc vận hành thiết bị X-quang cần được theo dõi để đảm bảo sử dụng an toàn và hiệu quả. IAEA gần đây đã phát hành Sổ tay về các thử nghiệm kiểm soát chất lượng cơ bản cho X-quang chẩn đoán như một hướng dẫn tham khảo nhanh về cách thực hiện các thử nghiệm để kiểm soát chất lượng và tập trung đến các vấn đề và sai lầm phổ biến có thể làm ảnh hưởng kết quả hoặc việc đánh giá một xét nghiệm nhất định.
Công nghệ chụp ảnh trong y tế đã phát triển đáng kể trong thế kỷ qua, chuyển dần từ X-quang tương tự sang X-quang kỹ thuật số, từ chụp cắt lớp vi tính (CT) thế hệ đầu tiên sang các hệ thống tinh vi kết hợp. Những công nghệ này liên quan đến việc sử dụng tia X, một dạng bức xạ ion hóa, đi qua một bộ phận cơ thể bệnh nhân. Bức xạ ion hóa, khi được sử dụng an toàn và an ninh bởi các chuyên gia được đào tạo để chẩn đoán y tế, là an toàn. Lợi ích của chẩn đoán hình ảnh y tế vượt xa mọi rủi ro. Tuy nhiên, điều cần thiết là thiết bị được sử dụng trong điều trị X-quang phải được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, vì việc tiếp xúc với bức xạ ion hóa ở mức độ cao có thể dẫn đến tổn thương tế bào ở người.
Giám sát hiệu suất của thiết bị X-quang được thực hiện thông qua một quy trình để đảm bảo sử dụng an toàn và hiệu quả. Quy trình này bắt đầu từ kiểm soát chất lượng cơ bản (QC) và xây dựng thành hệ thống quản lý chất lượng toàn diện, trong đó mọi khía cạnh chăm sóc bệnh nhân đều được tích hợp.
Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, một số lượng đáng kể máy X-quang và thiết bị được sử dụng trong chẩn đoán X-quang không nằm trong chương trình đảm bảo chất lượng thường xuyên, chủ yếu là do thiếu các chuyên gia được đào tạo và hướng dẫn tương ứng. IAEA đã phát triển sổ tay kiểm soát chất lượng tổng hợp tất cả các thử nghiệm hiệu suất hiện có ở cấp độ toàn cầu để lấp đầy khoảng trống này.
Harry Delis, nhà y vật lý về chẩn đoán hình ảnh tại Đại học Patras, Hy Lạp, và cũng là người đóng góp cho ấn phẩm cho biết: “Thiết bị chụp hình ảnh thường không được giám sát vận hành thích hợp trong thời gian dài, mà chỉ diễn ra trong quá trình kiểm tra hoặc cấp phép. Một tài liệu hướng dẫn như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập hoặc củng cố các chương trình QC của các khoa X-quang trên toàn thế giới.”
Sổ tay được chia thành các phần dành riêng cho một phương thức chụp hình ảnh cụ thể, chẳng hạn như chụp X-quang, soi huỳnh quang, CT và chụp nhũ ảnh. Ấn phẩm đã được đánh giá bởi 30 chuyên gia quốc tế và được xác nhận bởi ba tổ chức khoa học, nhấn mạnh tầm quan trọng và độ tin cậy của nó đối với các chuyên gia trong lĩnh vực này, bao gồm: Hiệp hội các nhà vật lý y học Hoa Kỳ (AAPM), Liên đoàn các tổ chức y vật lý châu Âu (EFOMP) và Hiệp hội các nhà chụp X quang và kỹ thuật viên X quang quốc tế (ISRRT).
May Abdel-Wahab, Trưởng phòng Sức khỏe Con người của IAEA cho biết: “Cẩm nang, được hỗ trợ thông qua sự hợp tác khoa học và chuyên môn, là một công cụ hữu ích để các nhà y vật lý chẩn đoán hình ảnh thực hiện đảm bảo chất lượng thường xuyên. IAEA thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện về chất lượng thông qua các hệ thống quản lý chất lượng và hỗ trợ phát triển hướng dẫn và đào tạo nhân viên phù hợp để duy trì mức chất lượng cao.”