Xuất nhập khẩu nguồn phóng xạ: Hướng dẫn an toàn và an ninh của IAEA
09:09 27/02/2023: Việc xuất nhập khẩu các nguồn phóng xạ kín là một phần của thương mại toàn cầu hiện đại. Các nguồn phóng xạ được nhập và xuất hàng ngày từ nước này sang nước khác hoặc xuyên lục địa, đáp ứng nhu cầu của nhiều ứng dụng, từ máy xạ trị dùng trong bệnh viện để điều trị ung thư đến các thiết bị chụp ảnh gamma dùng trong công nghiệp.
Nhưng làm thế nào để quản lý hiệu quả vấn đề an toàn và an ninh của các nguồn phóng xạ kín trong nhập khẩu hoặc xuất khẩu? Hướng dẫn của IAEA về Nhập khẩu và xuất khẩu nguồn phóng xạ sẽ hỗ trợ các quốc gia thiết lập cơ chế kiểm soát hài hòa toàn cầu, bao gồm cả duy trì giám sát pháp quy trong suốt quá trình xuất nhập khẩu giữa các quốc gia. Đây là tài liệu bổ sung cho Bộ quy tắc ứng xử của IAEA về An toàn và An ninh nguồn phóng xạ, đã nhận được cam kết từ 130 quốc gia.
Lydie Evrard, Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng Ban An toàn và an ninh Hạt nhân của IAEA cho biết: “Cam kết chính trị đối với Bộ quy tắc ứng xử về An toàn và An ninh nguồn phóng xạ và hướng dẫn bổ sung là một dấu hiệu mạnh mẽ về văn hóa an toàn bức xạ và văn hóa an ninh hạt nhân. Việc cộng đồng quốc tế thực hiện hiệu quả và toàn diện các công cụ này là rất quan trọng để đảm bảo an toàn và an ninh cho các nguồn phóng xạ.”
Hướng dẫn về Nhập khẩu và Xuất khẩu nguồn phóng xạ được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2005, sau khi Bộ Quy tắc ứng xử được phê duyệt vào năm 2003. Phiên bản hiện tại, được sửa đổi vào năm 2012, áp dụng cụ thể cho các nguồn phóng xạ Nhóm 1 và Nhóm 2, như Co- 60 hoặc Cs-137, có hoạt độ phóng xạ cao và được sử dụng chủ yếu trong các ứng dụng y tế và công nghiệp. Đảm bảo an toàn và an ninh cho việc xuất nhập khẩu các loại nguồn này là rất quan trọng vì chúng có nhiều lợi ích trong điều trị ung thư và chẩn đoán bệnh. Đồng thời, do mức hoạt độ phóng xạ cao khiến chúng trở thành mối đe dọa trong trường hợp bị vô tình chiếu xạ hoặc trong mọi trường hợp phạm tội hoặc hành vi trái phép có chủ ý.
Tầm quan trọng của Bộ quy tắc ứng xử và Hướng dẫn bổ sung của nó đã được thừa nhận rộng rãi trong Hội nghị quốc tế về an toàn và an ninh nguồn phóng xạ: Thành tựu và nỗ lực trong tương lai của IAEA vào năm ngoái, với việc tiếp tục thực hiện các điều khoản trong số các khuyến nghị chính khi kết thúc sự kiện.
Ngoài ra, lần đầu tiên kể từ khi Hướng dẫn được xuất bản, 103 “Đầu mối liên hệ” do 76 quốc gia chỉ định nhằm tạo thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu các nguồn phóng xạ đã họp vào tháng trước tại Viên để thảo luận về kinh nghiệm, thách thức và bài học rút ra từ việc thực hiện. Đầu mối liên hệ là những người đóng vai trò hỗ trợ trong quá trình xuất nhập khẩu nguồn phóng xạ theo Hướng dẫn.
Các cuộc thảo luận trong cuộc họp đề cập đến những thách thức hiện tại phải đối mặt, ví dụ, xử lý như thế nào khi quốc gia xuất khẩu không thể hiện cam kết chính trị đối với Hướng dẫn hoặc cách đảm bảo an toàn và an ninh trong trường hợp thông tin cần thiết từ quốc gia nhập khẩu bị trì hoãn. Một thách thức nữa được nêu bật là làm thế nào để có thể đạt được sự hài hòa với các tài liệu ràng buộc về mặt pháp lý, như với các quy định của Liên minh Châu Âu.
“Một số thách thức liên quan đến sự tương tác giữa các Đầu mối liên hệ đã được thảo luận trong các phiên họp toàn thể, hội nghị bàn tròn và phân tích trường hợp, đem lại một loạt các thông lệ và khuyến nghị tốt cho các quốc gia và Ban thư ký IAEA” Houda Idihia, Chủ tịch cuộc họp và Đầu mối liên hệ của Ma-rốc cho biết. Các khuyến cáo bao gồm việc đảm bảo rằng các Đầu mối liên hệ có quyền truy cập vào danh mục nguồn phóng xạ quốc gia; việc sử dụng các biểu mẫu tiêu chuẩn để yêu cầu sự chấp thuận của lô hàng và để thông báo trước khi vận chuyển, cũng như thông báo cho nước xuất khẩu sau khi hoàn thành việc nhập khẩu nguồn.
“Vai trò của Đầu mối liên hệ rất quan trọng đối với việc liên lạc, điều phối và tương tác hoạt động với tất cả các bên liên quan có trách nhiệm đảm bảo an toàn và an ninh cho các nguồn phóng xạ, bao gồm các cơ quan quản lý, hải quan, nhà cung cấp, hãng vận chuyển và người được cấp phép,” Deyana Dosieva, Đầu mối liên lạc của Bulgaria và Trưởng phòng Bảo vệ Bức xạ của Cơ quan Pháp quy hạt nhân Bulgari phát biểu tại cuộc họp.
Để hỗ trợ các quốc gia phát triển sự hiểu biết chung về vai trò của các Đầu mối liên hệ và để tăng cường thực hiện Hướng dẫn, IAEA đã thiết lập các bài diễn tập kết nối để kiểm tra phản ứng kịp thời của các Đầu mối liên hệ và tạo điều kiện cho các cuộc họp thường xuyên để tăng cường kết nối. Việc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử và Hướng dẫn bổ sung cũng đang được thảo luận tại Hội nghị quốc tế về hệ thống quản lý bức xạ và hạt nhân hiệu quả: Chuẩn bị cho tương lai trong môi trường thay đổi nhanh, đang diễn ra trong tuần này tại Abu Dhabi.