Tổng quan ứng phó khẩn cấp và hậu quả sức khỏe sau tai nạn Fukushima, sơ tán và tái định cư
09:09 03/06/2019: Chuẩn bị và ứng phó sự cố tai nạn hạt nhân hay phóng xạ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tất cả các quốc gia có các hoạt động liên quan đến lĩnh vực phóng xạ và hạt nhân. Tài liệu liên quan về vấn đề này rất phổ biến, đặc biệt là các tài liệu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, của các quốc gia có điện hạt nhân như Hoa Kỳ, Nhật, Pháp, Nga…
Mặc dù công tác chuẩn bị và ứng phó sự cố hạt nhân hay phóng xạ được chuẩn bị rất chu đáo, nhưng các tai nạn hạt nhân đã xảy ra trước đây cho thấy luôn tồn tại những thiếu sót và bất cập trong khi phải ứng phó với tai nạn hạt nhân thật sự như tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima tháng 3/2011, đặc biệt là những vấn đề nảy sinh trong và sau ứng phó sự cố.
Những bài học có được từ những tai nạn hạt nhân đã xảy ra rất quý báu, đặc biệt là đối với các quốc gia đang xây dựng kế hoạch chuẩn bị và ứng phó sự cố tai nạn hạt nhân, bởi họ có thể hình dung được tổng thể những vấn đề cần thực hiện trong tai nạn hạt nhân, những vấn đề cần được quan tâm, giải quyết mà có thể chưa được đề cập trong kế hoạch ứng phó hoặc các tài liệu hướng dẫn về việc chuẩn bị và ứng phó sự cố tai nạn hạt nhân và phóng xạ, để có thể giúp xây dựng được một kế hoạch ứng phó hoàn chỉnh nhất có thể, để chuẩn bị những năng lực chuyên môn trong các lĩnh vực cần thiết phục vụ cho công tác ứng phó, không chỉ trong vấn đề hạt nhân phóng xạ mà cả các vấn đề khác như y tế, xã hội, và các vấn đề hậu cần liên quan,… nhằm hạn chế tối đa tổn thất do tai nạn gây ra.
Với mục tiêu như trên, bài viết này chia sẻ nội dung bài báo khoa học của các chuyên gia Nhật Bản đã tổng kết gần 50 bài báo và tài liệu liên quan đến tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima để chúng ta có thể  rút ra một số vấn đề liên quan cần quan tâm cho việc ứng phó tai nạn hạt nhân, nhằm giảm thiểu thiệt hạt do tai nạn. Chúng tôi đăng nguyên văn nội dung bài báo (đã được dịch từ tiếng Anh) để độc giả nắm bắt mục đích chính của bài báo. Bài báo được đăng ngày 5/1/2016.
Dưới đây là nội dung bài báo (tiêu đề bài báo như tiêu đề bài đăng này)
Tóm tắt
Vụ tai nạn ở Fukushima là một thảm họa kép sau trận động đất mạnh và sóng thần khổng lồ. Ảnh hưởng sức khỏe trực tiếp của phóng xạ được kiểm soát tương đối tốt xét về mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn, không chỉ trong số các nhân viên cấp cứu mà cả người dân. Các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác bao gồm tử vong trong quá trình sơ tán, sụp đổ hệ thống y tế khẩn cấp phóng xạ, tỷ lệ tử vong tăng ở người cao tuổi được sơ tán và các vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong cư dân Fukushima. Cuộc điều tra về sức khỏe tâm thần và lối sống trong tai nạn ở Fukushima cho thấy rằng vụ tai nạn ở Fukushima đã gây ra sự đau đớn tâm lý nghiêm trọng ở cư dân từ các khu sơ tán. Ngoài các vấn đề về tâm thần và sức khỏe tâm thần, còn có các vấn đề liên quan đến lối sống như tăng tỷ lệ những người thừa cân, tăng tỷ lệ tăng huyết áp, đái tháo đường và rối loạn lipid máu và thay đổi hành vi liên quan đến sức khỏe giữa những người di tản; tất cả các vấn đề đó có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai. Tác động của một vụ tai nạn hạt nhân lớn đối với xã hội rất đa dạng và lâu dài. Các biện pháp ứng phó nên bao gồm quản lý thảm họa, dịch vụ y tế công cộng dài hạn nói chung, chăm sóc tâm thần và tâm lý, hỗ trợ hành vi ứng xử và xã hội, ngoài những nỗ lực để giảm thiểu các ảnh hưởng sức khỏe do bức xạ.
Giới thiệu
Tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Three Mile Island năm 1979, tai nạn Chernobyl năm 1986 và tai nạn hạt nhân Fukushima năm 2011 có những điểm chung không liên quan trực tiếp đến tác động vật lý của phơi nhiễm phóng xạ. Tất nhiên, trong vụ tai nạn Chernobyl, tổn thương phóng xạ cấp tính trong giai đoạn cấp tính và ung thư tuyến giáp trong trẻ nhỏ được báo cáo. Tuy nhiên, những ảnh hưởng sức khỏe khác, chẳng hạn như các vấn đề sức khỏe tâm thần, sự thay đổi hành vi cư xử và các vấn đề sức khỏe liên quan đến lối sống, đã trở nên quan trọng hơn vì những ảnh hưởng này chưa được giải quyết thích đáng như là rủi ro sức khỏe nói chung sau các vụ tai nạn hạt nhân lớn. Một ví dụ cực đoan là sự thiệt mạng trong đợt sơ tán bệnh nhân nội trú của bệnh viện trong vụ tai nạn Fukushima. Việc sơ tán bệnh nhân nội trú và người già của các cơ sở điều dưỡng đã được thực hiện nhanh chóng bằng xe buýt ngay sau tai nạn. Không có nhân viên y tế đi cùng người sơ tán nằm trên ghế của những chiếc xe buýt chật cứng với bộ đồ bảo vệ đầy đủ trên người. Không có sự chăm sóc y tế, ngay cả thực phẩm hoặc nước trong nhiều giờ trong quá trình sơ tán. Kết quả là, rất nhiều bệnh nhân đã chết trong đợt sơ tán được cho là nhằm giảm thiểu phơi nhiễm phóng xạ. Các nguy cơ đe dọa tính mạng đối với những người này không phải là phóng xạ, mà là bị ngừng chăm sóc y tế hàng ngày. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng rủi ro sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến việc sơ tán nhanh chóng người già khỏi các cơ sở chăm sóc điều dưỡng sau vụ tai nạn ở Fukushima cao gấp 30 lần nguy cơ do phóng xạ ở các mức qui định cần phải sơ tán theo khuyến cáo của Ủy ban quốc tế về an toàn bức xạ.
Hiện tại, hơn 400 NMĐHN được vận hành trên thế giới, và nhiều hơn nữa sẽ được xây dựng ở các nước đang phát triển để tìm kiếm nguồn năng lượng hiệu quả và ổn định. Tất nhiên, chúng ta không bao giờ đánh giá thấp mối đe dọa của thiên nhiên mà nó có thể dẫn đến một thảm họa kép, như ở Fukushima. Chúng ta cần phải chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất thậm chí ngay cả khi rủi ro tai nạn hạt nhân nghiêm trọng là rất hiếm. Chúng ta cần làm rõ những gì chúng ta đã học được từ vụ tai nạn ở Fukushima và làm thế nào chúng ta sẽ sử dụng nó, làm rõ những câu hỏi chưa được trả lời mà chúng ta phải đối mặt và những gì chúng ta cần chia sẻ với thế hệ sau.
 
Bài tổng quan này mô tả các ứng phó y tế ban đầu sau tai nạn Fukushima và hậu quả sức khỏe gặp phải trong việc sơ tán và tái định cư, với sự nhấn mạnh đặc biệt không chỉ về y tế mà còn cả về quan điểm xã hội học và tâm lý học liên quan đến tai nạn Fukushima.
Tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi
Trước khi xảy ra tai nạn ở Fukushima, đã có 54 nhà máy điện hạt nhân hoạt động, sản xuất một phần ba điện năng tại Nhật Bản.Trong ngày 11 tháng 3 năm 2011, một trận động đất mạnh 9 độ richter xảy ra tại bờ biển phía đông Nhật Bản, tạo ra những cơn sóng thần khổng lồ phá hủy nặng nề khu vực ven biển. Trận động đất và sóng thần cũng tấn công các nhà máy điện hạt nhân nằm ở khu vực ven biển Tohoku và dẫn đến mất toàn bộ khả năng làm mát tâm lò của ba lò phản ứng của NMĐHN Fukushima Daiichi và thiệt hại nghiêm trọng tâm lò hạt nhân. Do đó, lượng lớn chất phóng xạ thoát ra môi trường.
Ứng phó khẩn cấp sau tai nạn nhà máy điện hạt nhân
Tại Fukushima, hệ thống y tế khẩn cấp bức xạ đã được xây dựng trong khuôn khổ của hệ thống y tế khẩn cấp bức xạ quốc gia. Sáu bệnh viện được chỉ định là cơ sở y tế khẩn cấp bức xạ tuyến đầu, đảm nhận vai trò cung cấp điều trị ban đầu và tẩy xạ; một được chỉ định làm bệnh viện khẩn cấp bức xạ tuyến hai để cung cấp điều trị tiên tiến hơn những bệnh nhân tổn thương phóng xạ.
Vào thời điểm xảy ra tai nạn, có tới 76 000 người sống trong phạm vi bán kính 20 km từ Fukushima Daiichi. Sau khi tai nạn xảy ra, hơn 97% cư dân sống trong bán kính 20 km đã được sơ tán vào ngày 15 tháng 3, khi lượng bụi phóng xạ cao nhất xả ra từ nhà máy. Tuy nhiên, việc sơ tán cư dân đã tiến hành không tốt. Vì tình trạng của lò phản ứng hạt nhân không được biết chính xác, chính phủ mở rộng từng nấc các khu vực sơ tán từ bán kính 3, 10 và 20 km từ NMĐHN. Hơn 20% người sơ tán bị bắt buộc phải di chuyển hơn sáu lần khi khu vực sơ tán được mở rộng, do thiếu kế hoạch sơ tán. Ngoài ra, thông tin về mức độ phóng xạ và bản thân qui trình sơ tán không có sẵn, tức là làm thế nào để chuẩn bị, nó có thể kéo dài bao lâu; không có những hướng dẫn về cách bảo vệ bản thân khỏi bị phơi nhiễm phóng xạ hoặc làm thế nào để sơ tán khỏi nhà của họ. Vận chuyển không đầy đủ và tình trạng cung cấp điện, nước, khí đốt, phương tiện liên lạc và hệ thống giám sát phóng xạ bị đình trệ gây ra bởi trận động đất làm cho việc thực hiện sơ tán có tổ chức bị khó khăn hơn.
Vào ngày 12 tháng 3, vụ nổ khí hydro đầu tiên xảy ra tại tòa nhà lò phản ứng tổ máy số 1 và năm công nhân bị thương. Mặc dù hầu hết các vết thương không nghiêm trọng, nhưng việc phân loại tại hiện trường hoặc điều trị ban đầu đã không được thực hiện. Vào ngày 14 Tháng 3, tòa nhà lò phản ứng tổ máy số 3 phát nổ và 11 công nhân bị chấn thương. Trong vụ nổ này, một bác sĩ cấp cứu tình cờ ở lại một trung tâm cách NMĐHN 5 km, đã xử lý phân loại các cá nhân bị thương. Tuy nhiên, rất khó để các công nhân bị thương tiếp cận được dịch vụ y tế vì các bệnh viện cấp cứu tại địa phương đã đóng cửa hoặc không thể thoạt động.
Hệ thống y tế khẩn cấp phóng xạ của Nhật Bản đã được phát triển để ứng phó xử lý các vụ tai nạn liên quan đến công việc, không phải cho các thiên tai quy mô lớn như với Fukushima. Do đó, sau vụ tai nạn, sáu bệnh viện được chỉ định là bệnh viện cấp cứu phóng xạ tuyến đầu đã đóng cửa hoặc không thể hoạt động do lệnh sơ tán hoặc lệnh trú ẩn trong nhà, cơ sở vật chất bị hư hỏng và cơ sở hạ tầng đình trệ gây ra bởi trận động đất và nhân viên y tế rời đi do sợ nguy hiểm của phóng xạ. Đại học y khoa Fukushima, được chỉ định là bệnh viện khẩn cấp phóng xạ tuyến hai, là bệnh viện duy nhất ứng đáp ứng nhu cầu y tế khẩn cấp. Để hỗ trợ những nỗ lực của đại học y khoa, một mạng lưới dịch vụ y tế khẩn cấp phóng xạ toàn quốc được thành lập vào cuối tháng 3/2011.
Sơ tán các bệnh viện và cơ sở chăm sóc điều dưỡng
Vụ tai nạn Fukushima nhấn mạnh những vấn đề quan trọng liên quan đến việc sơ tán bệnh viện và cơ sở chăm sóc điều dưỡng. Sau khi chính phủ ban hành lệnh sơ tán, việc sơ tán khẩn cấp khoảng 2200 bệnh nhân nội trú và người già tại các cơ sở chăm sóc điều dưỡng đã được bố trí. Vào ngày 14 tháng 3, hơn 800 bệnh nhân đang nằm viện và vẫn ở phía sau tại các cơ sở y tế hoặc điều dưỡng trong bán kính 20 km từ nhà máy, được sơ tán khẩn cấp. Thông tin về bệnh nhân, tức là tên của bệnh nhân, tình trạng, thậm chí số lượng bệnh nhân chính xác, không có sẵn. Họ được vận chuyển bằng xe buýt hoặc xe cảnh sát trong một thời gian tương đối dài, trong một số trường hợp hơn 48 giờ. Tuy nhiên, không có nhân viên y tế nào tham dự và không có sự chăm sóc y tế, thậm chí không có nước hoặc thực phẩm trong thời gian sơ tán hoặc sau khi sơ tán. Không may, ít nhất 50 bệnh nhân già đã chết trong cuộc sơ tán này. Hạ thân nhiệt, và mất nước được cho là nguyên nhân tử vong. Việc thiếu hỗ trợ y tế trước, trong và sau khi sơ tán được xem như là lý do chính cho vấn đề thiệt mạng trong khi sơ tán.
Một đợt sơ tán bệnh nhân trong bệnh viện khác đã được lên kế hoạch sau đợt sơ tán ở bán kính 20 km từ nhà máy. Vào ngày 15 tháng 3, Chính phủ đã ban hành lệnh trú ẩn trong nhà trong bán kính 20-30 km. Sau lệnh này, nhu yếu phẩm hàng ngày đến khu vực đã ngừng do nhân viên giao hàng lo ngại về việc phơi nhiễm phóng xạ. Vùng 20-30 km hầu như bị cô lập. Các bệnh viện và cơ sở điều dưỡng chịu thiệt hại nghiêm trọng vì không có vật tư y tế, xăng dầu và hàng hóa hàng ngày khác. Ngay sau đó, một quyết định sơ tán bệnh viện và cơ sở điều dưỡng tại khu vực này đã được đưa ra. Tuy nhiên, lần này, các đội hỗ trợ y tế, như đội hỗ trợ y tế thảm họa, phương tiện vận chuyển, điều chỉnh các tuyến giao thông và việc bố trí, sắp xếp các bệnh viện và các cơ sở y tế được tổ chức trước dưới sự chỉ đạo của cơ quan đầu não. Mặc dù việc sơ tán bệnh nhân mất 4 ngày, từ 18 đến 22 tháng 3, không ai thiệt mạng trong đợt sơ tán 509 bệnh nhân nội trú và người cao tuổi từ các cơ sở chăm sóc điều dưỡng. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác hỗ trợ y tế khi sơ tán bệnh viện và cơ sở chăm sóc điều dưỡng.
Nhu cầu y tế cho công nhân ứng phó
Để ứng phó với vụ tai nạn, việc tái lập thiết bị làm mát tạm thời cho 3 lò phản ứng bị hư hỏng và bể nhiên liệu đã qua sử dụng của tòa nhà lò phản ứng tổ máy số 4 là ưu tiên hàng đầu, tiếp theo là phát triển hệ thống làm mát ổn định để đạt được trạng thái dừng hoạt động của các lò phản ứng được làm mát ổn định, loại bỏ các mảnh vỡ và gạch vụn nhiễm phóng xạ, xây dựng các đê chắn sóng và lắp đặt nắp bao phủ lên tòa nhà lò phản ứng tổ máy số 1. Các hoạt động này tiếp tục cho đến cuối năm 2011. Từ ngày 11 tháng 3 năm 2011 đến ngày 31 tháng 3 năm 2012, 20961 công nhân đã tham gia vào các hoạt động sửa chữa tu bổ tại NMĐHN Fukushima Daiichi.
Trong tháng đầu tiên sau khi tai nạn xảy ra (tháng 3/2011), 67 công nhân cần sự chăm sóc y tế khẩn cấp, bao gồm những người bị thương trong hai vụ nổ hydro. Đáng chú ý, hầu hết họ phàn nàn về các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như mệt mỏi và đau yếu, chúng không liên quan đến sự phơi nhiễm phóng xạ. Đến ngày 30 tháng 6 năm 2012, 264 công nhân đã được điều trị tại địa điểm nhà máy. Ba người đã chết vào tháng 4, tháng 8 năm 2011 và tháng 1 năm 2012. Hai trường hợp tử vong là do ngừng tim liên quan đến nhồi máu cơ tim cấp tính. Một cá nhân khác với bệnh tiểu đường không kiểm soát được đã chết vì nhiễm trùng nặng.
Trong số các việc chăm sóc khẩn cấp được yêu cầu, chấn thương chiếm 49,6% (131 trường hợp). Hầu hết các trường hợp xảy ra trong 5 tháng đầu tiên sau khi vụ tai nạn xảy ra (từ ngày 12 tháng 3 đến tháng 7/ 2011). Về mức độ nghiêm trọng của chấn thương, chỉ có một bệnh nhân có vết thương nghiêm trọng vượt quá điểm 15 (đơn vị dùng trong y tế). May mắn, không có trường hợp tử vong nào do chấn thương xảy ra trong khoảng thời gian này. Có 6 trường hợp bị nhiễm bẩn phóng xạ, tất cả xảy ra trong tháng 3 năm 2011.
Đột quỵ nhiệt là một trong những mối quan tâm chính vì mùa hè đang đến. Các công nhân cần phải trang bị thiết bị bảo vệ cá nhân với mặt nạ che kín hoàn toàn. Sự tăng tỉ lệ mắc bệnh về nhiệt được quan sát thấy trong tháng 5, tháng 6 và tháng 7 năm 2011. Trong số 44 công nhân có biểu hiện bị ốm vì nhiệt, chỉ có hai trường hợp phải nhập viện. Công ty điện lực Tokyo khuyên cáo nhiều lần tất cả các công nhân ở NMĐHN Fukushima Daiichi, chẳng hạn như mặc áo khoác làm mát bên trong bộ đồ bảo vệ, nghỉ ngơi và uống đủ nước thường xuyên, quan tâm nhiệt độ và tránh mọi hoạt động từ 2 đến 4 giờ chiều.
Về phơi nhiễm phóng xạ, 96% công nhân tại NMĐHN Fukushima Daiichi bị phơi nhiễm phóng xạ ít hơn 50 mSv. Tất cả những người nhận liều phóng xạ lớn hơn 100 mSv bị phơi nhiễm rất ngắn sau vụ tai nạn. 9 công nhân nhận liều phóng xạ tổng cộng lớn hơn 200 mSv. Trong số này, hai công nhân bị chiếu liều lớn hơn 600 mSv, với 679 mSv là liều cao nhất (phơi nhiễm bên ngoài 89mSv; phơi nhiễm bên trong 590mSv). Những công nhân có liều lớn hơn 100 mSv là nhân viên thường xuyên được thuê bởi Công ty điện lực Tokyo. Hầu hết những người có liều phóng xạ dưới 20 mSv được thuê bởi các công ty khác. May mắn, không có hội chứng phóng xạ cấp tính nào được quan sát thấy trong số những người bị ảnh hưởng trong vụ tai nạn Fukushima cho đến nay.
Để điều phối các nỗ lực chăm sóc y tế khẩn cấp và tạo môi trường làm việc thích hợp cho nhân viên của NPP, mạng lưới hệ thống y tế khẩn cấp được thành lập: mục đích là để kiểm tra môi trường nghề nghiệp, bắt đầu y tế dự phòng, đặc biệt là trong mùa hè để ngăn ngừa đột quỵ nhiệt, để kiểm soát nhiễm trùng vào mùa đông và tiến hành theo dõi những người công nhân có bệnh mãn tính và các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Hậu quả về sức khỏe cộng đồng do chuyển chỗ
Việc thiết lập khu vực hạn chế trong thảm họa phóng xạ buộc số lượng lớn cư dân ra khỏi khu vực, tại đó họ ở trong những nơi ở tạm thời hoặc những địa điểm khác trong khoảng thời gian dài. Điều kiện sống tại nơi ở tạm thời có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, chẳng hạn như bùng phát bệnh truyền nhiễm, căng thẳng tinh thần và bệnh tim mạch. Những thay đổi đột ngột trong lối sống ở những nơi không quen thuộc có thể dẫn đến các vấn đề hành vi ứng xử do thích nghi kém với hoàn cảnh mới. Chăm sóc y tế y cần phải có các kiến thức, phương pháp y tế khác nhau.
Chỉ riêng ở tỉnh Fukushima, số lượng người sơ tán là 86308 trong tháng 3 năm 2011 và đạt đến đỉnh điểm là 99205 vào tháng 6 năm 2011. Ngoài ra, số lượng người tự nguyện rời khỏi tỉnh Fukushima tăng từ 38896 vào tháng 3 năm 2011 lên 62831 trong 12 tháng. Vụ tai nạn ở Fukushima nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các vấn đề sức khỏe không liên quan đến phóng xạ, chẳng hạn như rủi ro sức khỏe nghiêm trọng trong quá trình sơ tán, như được mô tả ở trên, và sự chuyển chỗ lâu dài của những người dễ bị tổn thương và độ nghiêm trọng của các vấn đề liên quan đến yếu tố tinh thần, tâm lý và xã hội.
Thiệt mạng liên quan đến thiên tai
Sau trận động đất lớn ở phía đông Nhật Bản, hơn 460000 người đã phải di chuyển đến khoảng 2400 nơi tạm trú khắp Nhật Bản. Theo báo cáo về sự thiệt mạng liên quan thảm họa (DRD) trong trận động đất lớn ở phía đông Nhật Bản do Cơ quan Tái thiết Nhật Bản phát hành (2012), 2688, người chết tại nhà tạm trú hoặc nhà tạm thời trước ngày 31 tháng 3/2013; đây là những cái chết liên quan thảm họa (DRDs). DRD được định nghĩa là một cái chết gây ra bởi sự suy giảm của các vấn đề y tế cơ bản do việc tiếp cận y tế kém hoặc bệnh phát sinh từ môi trường sống nghèo nàn, chẳng hạn như nơi ở tạm thời, trong thảm họa. Khoảng 90% DRD trên 66 tuổi và hơn một phần ba đã chết trong vòng 1 tháng sau động đất. Số người chết tại Fukushima (1914)  là cao nhất trong ba Quận của Tohoku. Báo cáo của chính phủ chỉ ra rằng những ảnh hưởng của tai nạn hạt nhân có thể là lý do chính cho tỷ lệ tử vong cao hơn của người cao tuổi đã sơ tán ở Fukushima. Một nghiên cứu khác báo cáo rằng ảnh hưởng của thảm họa đối với tỷ lệ tử vong cao của người cao tuổi được đưa vào cơ sở từ thiện trong Fukushima là đáng kể nhất trong hậu quả trực tiếp vì điều kiện sống không mong muốn và công tác chăm sóc y tế kém. Sau tai nạn, tỷ lệ tử vong giữa những người già đã sơ tán cần chăm sóc điều dưỡng tăng gấp ba lần trong 3 tháng đầu sau khi sơ tán và tiếp tục cao hơn khoảng 1,5 lần sau đó so với trước tai nạn. Việc di chuyển những người cao tuổi này là không thể tránh khỏi bởi vì sự thiếu hụt tài nguyên y tế trong khu vực gây ảnh hưởng lâu dài đến tỷ lệ tử vong do tiếp tục thay đổi về điều kiện dinh dưỡng, vệ sinh, y tế và điều kiện chăm sóc chung.
Nhiều chuyên gia chăm sóc sức khỏe đã đến vùng bị ảnh hưởng của thảm họa. Chưa đầy 2 tháng sau trận động đất, khoảng 24000 nhân viên y tế đã tham gia vào các hoạt động y tế trong các khu vực của Tohoku (Bộ Y tế và Lao động 2011). Tuy nhiên, những tài nguyên y tế này có thể không được sử dụng hiệu quả ở Fukushima vì những lo ngại về phóng xạ; thông tin về phóng xạ và tình hình những người dễ bị tổn thương không được chia sẻ đúng cách hoặc không có được sự giao tiếp đầy đủ giữa các nhân viên liên quan trong quá trình ứng phó thảm họa.
Vấn đề sức khỏe tâm thần và sự nhận thức về sức khỏe yếu kém
Cư dân Fukushima cho thấy mối quan tâm sâu sắc về ảnh hưởng sức khỏe tiềm ẩn do phơi nhiễm phóng xạ, thậm chí liều phóng xạ của họ được đánh giá là rất thấp. Đợt khảo sát quản lý y tế ở Fukushima, được ủy quyền bởi chính quyền Fukushima, cho thấy ảnh hưởng khác nhau đến sức khỏe tinh thần cũng như sức khỏe thể chất trong số những người dân sơ tán. Kết quả cho thấy vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng và nhận thức về sức khỏe yếu kém tồn tại trong số những người lớn Fukushima sơ tán và cũng chỉ ra rằng các yếu tố chấn thương nghiêm trọng có thể đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người lớn sơ tán. Không ngạc nhiên, những công nhân khẩn cấp nhạy cảm với chấn thương tâm lý hơn dân số bị ảnh hưởng chung.
Ngoài những vấn đề tâm thần, các vấn đề tâm lý xã hội phức tạp nảy sinh trong hoặc ngoài Fukushima. Sự bất hòa tồn tại giữa các gia đình và xã hội do chuyển đổi nơi ở, nỗi sợ hãi bị phơi nhiễm phóng xạ, vấn đề bồi thường, việc làm và các lý do cá nhân khác. Kỳ thị là một vấn đề khác trong số những người sơ tán cũng như dân chúng. Sự đa dạng của các phản ứng tâm lý xã hội trong số những người bị ảnh hưởng bởi tai nạn có thể được tóm tắt trong năm vấn đề chính: phản ứng căng thẳng sau chấn thương, lo lắng và mặc cảm tội lỗi mãn tính, mất mát mơ hồ, gia đình và cộng đồng ly tán, kỳ thị (Bảng 1). Ngoại trừ phản ứng căng thẳng hậu chấn thương, bốn trong năm vấn đề chính là duy nhất tại Fukushima và chưa bao giờ thấy trong các khu vực khác của Tohoku chịu ảnh hưởng của sóng thần. Hơn nữa, những phản ứng tâm lý xã hội có thể góp phần vào hậu quả nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như tự tử hoặc lạm dụng rượu. Trên thực tế, sau tai nạn Fukushima, tỷ lệ tử vong chuẩn hóa ban đầu giảm (107 vào năm 2011, 94 vào năm 2012, 96 vào năm 2013) nhưng sau đó đã tăng lên 126 vào năm 2014, như vậy vượt quá mức trước thảm họa. Để ngăn ngừa tự tử hoặc các hành vi tự hủy hoại khác, các biện pháp như cơ sở vật chất và mạng lưới chăm sóc cung cấp can thiệp tâm thần có mục tiêu là cần thiết, để tăng cường các nguồn lực hiện có.
Bảng 1. Đặc điểm của tác động tâm lý đối với người dân Fukushima sau vụ tai nạn
Tác động tâm lý Đặc điểm
Phản ứng căng thẳng sau chấn thương Ký ức đau thương về vụ nổ và sơ tán nhà máy
Kích thích cao độ
Lo lắng kinh niên và cảm giác tội lỗi Sợ bị phơi nhiễm phóng xạ, đặc biệt là trong trường hợp cha mẹ có con nhỏ
Ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ
Cảm giác tội lỗi khi bỏ rơi bạn bè và hàng xóm
Cảm giác mất mát mơ hồ Mất nhà do sơ tán chứ không phải do thiệt hại
Sự không chắc chắn của người sơ tán tai nạn hạt nhân về việc trở về nhà
Triệu chứng trầm cảm
Gia đình / cộng đồng bị tách biệt Khả năng phục hồi yếu trong cộng đồng
Xung đột gia tăng trong và giữa các gia đình
Thất vọng của các thành phố lân cận phải tiếp nhận người sơ tán
Tự kỳ thị Sự phân biệt đối xử với công nhân và phụ nữ trẻ
Che giấu lịch sử ở Fukushima
Mất lòng tự trọng
Các vấn đề liên quan đến lối sống
Do nhiều người sơ tán ở tỉnh Fukushima đã buộc phải thay đổi cách sống của họ, bao gồm chế độ ăn uống, tập thể dục và thói quen hút thuốc và uống rượu, nên yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, chẳng hạn như béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường và rối loạn lipid máu, dự kiến ​​sẽ tăng. Là một phần của chương trình khảo sát quản lý sức khỏe Fukushima, một nghiên cứu dài hạn kiểm tra dữ liệu thu thập từ 41633 nam giới và phụ nữ Nhật Bản (tuổi trung bình 67) có nguồn gốc từ kiểm tra sức khỏe tổng quát được tiến hành tại 13 cộng đồng gần NPP Fukushima Daiichitween 2008 và 2010. Các kỳ tiếp theo được thực hiện từ tháng 6 năm 2011 đến tháng 3 năm 2013 và 27486 nam giới và phụ nữ được kiểm tra theo dõi sau thảm họa (tỷ lệ theo dõi 66%), với tỷ lệ theo dõi trung bình là 1,6 năm. Tỷ lệ người thừa cân (chỉ số khối lượng cơ thể ≥ 25 kg/m2 ) tăng đáng kể ở cả người sơ tán ( n = 9671) và người không sơ tán ( n = 17 815) sau thảm họa, với những thay đổi về tỷ lệ giữa những người sơ tán lớn hơn người không sơ tán. Tỷ lệ những người sơ tán thừa cân trước và sau thảm họa tương ứng là 31,8% và 39,4%, trong khi tỷ lệ giữa những người không sơ tán lần lượt là 28,3% và 30,3%. Người ta quan sát được sự tăng đáng kể của các loại bệnh như tăng huyết áp (từ 53,9% đến 60,1%), đái tháo đường (10,2% đến 12,2%), rối loạn lipid máu (44,3% đến53,4%), đa hồng cầu (0,9% đến 1,5%) trong số những người sơ tán khi so sánh trước và sau khi sơ tán; những sự tăng trên có liên quan đến sự gia tăng trọng lượng cơ thể. Thêm nữa, những người sơ tán có nguy cơ mắc bệnh mỡ máu, đái tháo đường và thừa cân cao gấp 1,3-1,6 lần so với những người không sơ tán.
Khảo sát Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia báo cáo rằng tỷ lệ người thừa cân không thay đổi từ 2003 đến 2012 ở nam giới từ 20-69 tuổi và giảm trong số phụ nữ ở độ tuổi 40-69; tỷ lệ người thừa cân năm 2003 và 2012 là 29,5% và 29,6% đối với nam và 25,0% đến 20,5% đối với nữ. Do đó, sự thay đổi trọng lượng cơ thể ở người sơ tán trong Fukushima sau thảm họa phải lớn hơn khi so sánh với những người ở các khu vực khác của Nhật Bản. Kết quả khảo sát sức khỏe tâm thần và lối sống do ban khảo sát quản lý y tế Fukushima thực hiện cho thấy những người sơ tán theo chỉ đạo của chính phủ có xu hướng ít hoạt động thể chất, uống nhiều rượu, trải nghiệm căng thẳng tâm lý nhiều hơn và khó ngủ sau thảm họa. Vì vậy, các hành vi cư xử liên quan đến sức khỏe có thể là một yếu tố quan trọng làm giảm ảnh hưởng của việc sơ tán lên bệnh tim mạch và các yếu tố nguy cơ ung thư tăng lên. Để ngăn chặn bệnh liên quan đến lối sống trong tương lai xảy ra đối với việc sơ tán dài hạn, cần có hành động khẩn cấp của các nhà nghiên cứu, cùng với chính quyền địa phương và công đồng địa phương để xác định các tác động thể chất bất lợi của việc sơ tán và thiết lập chương trình can thiệp thích hợp để nhắm vào vấn đề tăng cân trong những người sơ tán.
Tóm tắt và Kết luận
Trong vụ tai nạn ở Three Mile Island, người ta đã nhận biết được việc quá tải mạng điện thoại, thiếu và hỗn loạn thông tin, cũng như kế hoạch sơ tán yếu kém của các bệnh viện. Trong vụ tai nạn Chernobyl, ảnh hưởng tinh thần, xã hội và kinh tế là nghiêm trọng trong một thời gian dài, với báo cáo về ảnh hưởng phóng xạ bao gồm tử vong do hội chứng phóng xạ cấp tính và sự phát triển của ung thư tuyến giáp ở trẻ em do bị phơi nhiễm bởi iốt phóng xạ. Trong tai nạn Fukushima, ảnh hưởng sức khỏe gặp phải cho đến nay có liên quan đến sơ tán khẩn cấp những người dễ bị tổn thương từ bệnh viện và cơ sở điều dưỡng. Các vấn đề chung ở cả hai vụ tai nạn Fukushima và Three Mile Island bao gồm việc mở rộng nhiều lần các khu vực sơ tán  trong phạm vi không được giả định trước, thiếu kế hoạch sơ tán trước của bệnh viện và cơ sở chăm sóc điều dưỡng hoặc không có kế hoạch cụ thể, yêu cầu đáp ứng tế cao giữa những tình huống mơ hồ và sự ứng phó thiếu quyết đoán của chính quyền hành chính. Những vấn đề chung  thấy được trong các vụ tai nạn ở Chernobyl và Fukushima bao gồm thay đổi về môi trường sống và tác động tinh thần gây ra bởi khoảng thời gian sơ tán dài đáng kể của cư dân (Bảng 2).
Bảng 2. Hậu quả về sức khỏe của vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Ảnh hưởng sức khỏe của phóng xạ Ảnh hưởng sức khỏe không do phóng xạ
- Không có trường hợp ảnh hưởng xác định, bao gồm hội chứng phóng xạ cấp tính, cho đến nay
- Ảnh hưởng ngẫu nhiên không được mong đợi trên mức cơ sở
- Mặc dù hai đến ba bệnh nhân ung thư có thể được phỏng đoán trong suốt cuộc đời của những công nhân có liều lớn hơn 100m Sv, chưa chắc tỷ lệ mắc bệnh ung thư tăng do phóng xạ như vậy có thể được thấy rõ
- Không có sự gia tăng rõ rệt nào liên quan đến phóng xạ về tỷ lệ ung thư bệnh bạch cầu hoặc vú, cũng như các loại ung thư rắn khác ngoài ung thư tuyến giáp có thể xảy ra trong cộng đồng
 
- Tử vong trong sơ tán nhanh trong các bệnh nhân nội trú và người cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc điều dưỡng
- Tỷ lệ tử vong tăng của người cao tuổi sơ tán có yêu cầu chăm sóc điều dưỡng
- Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như sức khỏe tâm thần và các vấn đề liên quan đến lối sống
 Nếu một tai nạn NMĐHN lớn xảy ra, sự không chắc chắn về tình trạng của nhà máy có thể dẫn đến việc phản ứng do dự của các cơ quan quản lý, điều đó làm tăng sự lo lắng của công chúng và mất lòng tin vào những cơ quan này. Thông tin không đầy đủ về phóng xạ có thể làm trầm trọng thêm tình hình. Việc sơ tán - nhằm giảm thiểu rủi ro sức khỏe do phơi nhiễm phóng xạ - có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng khác cho sức khỏe, đặc biệt là dân chúng dễ bị tổn thương. Việc thành lập khu sơ tán xung quanh NMĐHN dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống y tế khẩn cấp địa phương; điều này dẫn đến những khó khăn trong ứng phó với các sự kiện thương vong hàng loạt, như các vụ nổ tại nhà máy, và các trường hợp khẩn cấp y tế phổ biến. Về dài hạn, sơ tán hàng trăm ngàn công dân tạo ra một một loạt các vấn đề y tế cộng đồng và xã hội, như nêu chi tiết ở trên. 
Những ảnh hưởng của một vụ tai nạn hạt nhân lớn đối với xã hội là đa dạng và lâu dài. Các biện pháp đối phó nên bao gồm quản lý thiên tai, dịch vụ y tế cộng đồng dài hạn, chăm sóc tinh thần và tâm lý, hỗ trợ hành vi ứng xử và xã hội và các nỗ lực giảm thiểu ảnh hưởng sức khỏe do phóng xạ.
 
 
Tin bài khác
Online: 160
Số lượt truy cập: 10943054
Lên đầu trang
SSL