Hỏi & Đáp về năng lượng nguyên tử (Bài 4: Tình hình năng lượng nguyên tử của một số nước trên thế giới)
00:12 10/09/2005: Bạn đọc có thể tìm đọc Bài 1: Năng lượng, Bài 2: Năng lượng nguyên tử, và Bài 3: Lò phản ứng hạt nhân, trích đăng từ cuốn sách “Hỏi & Đáp về năng lượng nguyên tử” của tác giả Y. Iwakoshi, do Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam phát hành tháng 5/2004.

1. Mỹ

Các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ có 103 lò phản ứng với tổng công suất thiết bị là 101.000 MW, chiếm vị trí thứ nhất trên thế giới. Cơ cấu nguồn điện năm 2000 là: điện than 52%, điện hạt nhân chiếm 20%, tiếp theo là 16% điện khí và 7% thuỷ điện.

Vì Mỹ có nguồn khí thiên nhiên phong phú, nên 90% nhà máy điện đang xây dựng là nhiệt điện khí.

Các quy chế an toàn lò phản ứng ở Mỹ ngày càng được nâng cao, tính kinh tế của nhà máy điện hạt nhân giảm, nên từ sau năm 1974 không có nhà máy mới nào được xây dựng.

Nhưng trong “Chính sách năng lượng quốc gia” được tổng thống Bush phát biểu vào tháng 5/2001, việc mở rộng sử dụng điện hạt nhân đã trở thành yếu tố rất quan trọng và cần thiết. Trong thời gian tới, có khả năng các nhà máy điện hạt nhân mới sẽ được xây dựng. Mặt khác, tuy đến thời điểm năm 1990, tỷ lệ sử dụng thiết bị của nhà máy điện hạt nhân đang vận hành đã giảm xuống dưới 65%, nhưng sau đó lại tăng dần lên và đến năm 2000 đã đạt kỷ lục cao nhất là 89,6%.

Hiệu suất vận hành và tuổi thọ của lò phản ứng tăng lên, chi phí phát điện của các nhà máy hạt nhân năm 1999 là 1,83 cent/kWh, rẻ hơn cả điện than là 2,07 cent/kWh.

2. Anh

Đến cuối năm 2000, Anh có 33 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất 13.000 MW. Tỷ lệ phát điện năng lượng nguyên tử là 22%.

Anh là  nước bắt đầu việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân thương mại sớm nhất trên thế giới. Đây là loại lò Uranium thiên nhiên làm mát bằng khí. Vì tính kinh tế của loại lò này không cao, nên đã tiếp tục phát triển lò tải nhiệt bằng khí dạng cải tiến, nhưng chưa đạt mức độ cạnh tranh với lò nước nhẹ.

Năm 1995, lò nước nhẹ áp lực (PWR) đầu tiên đã bắt đầu vận hành thương mại, nhưng hiện nay, trong kế hoạch không có nhà máy điện hạt nhân nào đang được xây dựng.

3. Pháp

Pháp hiện có 58 lò phản ứng (PWR) phát điện với tổng công suất thiết bị là 63.000 MW, chiếm vị trí thứ hai trên Thế Giới, sau Mỹ.

Điện hạt nhân chiếm tới 76% trong tổng lượng phát điện, tỷ lệ cao nhất thế giới. Tỷ lệ tự cung cấp năng lượng từ 23% vào năm 1973 đã vượt 50% vào năm 2000. Hơn nữa, Pháp là nước xuất khẩu điện, năm 2000 Pháp đã xuất khẩu 72,2 tỷ  kWh điện hạt nhân sang các nước xung quanh như Thuỵ Sỹ, Italia, Anh và tăng hơn 9 tỷ kWh so với năm 1999. Theo khảo sát dư luận gần đây, 68% người ủng hộ sử dụng năng lượng nguyên tử, 88% người cho rằng năng lương nguyên tử rất có hiệu quả trong việc giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.

4. Đức

Với tổng công suất thiết bị khoảng 22.000 MW của 19 lò phản ứng phát điện đang vận hành, cơ cấu nguồn điện năng năm 2000 của Đức là 33% điện hạt nhân, 24% điện than, 27% điện than nâu, 7% điện khí và 2% điện năng lượng gió.

Trong cuộc bầu cử năm 1998, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) vốn mang quan điểm phản đối điện hạt nhân đã đánh bại liên minh Dân chủ Xã hội Cơ đốc giáo (CDU) có quan điểm ửng hộ điện hạt nhân và thành lập chính quyền liên minh với Đảng Xanh, lập ra nội các Schroeder. Chính phủ liên hiệp này có chính sách loại bỏ năng lượng nguyên tử. Kết quả thoả thuận giữa chính phủ và giới công nghiệp, đặc biệt là giới công nghiệp điện về việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân theo từng giai đoạn đã đạt được thoả thuận như sau: các nhà máy điện hiện đang vận hành sẽ tiếp tục hoạt động và sẽ đóng cửa dần dần khi hết tuổi thọ.

Trong tình hình này, khi Liên minh Dân chủ Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU), đảng đối lập lớn nhất phản đối việc loại bỏ năng lượng nguyên tử trở lại nắm chính quyền, họ sẽ huỷ bỏ các điều khoản do chính phủ liên hiệp hiện nay ban hành và sẽ làm rõ phương châm ủng hộ năng lượng nguyên tử.

5. Nhật Bản

Tại thời điểm năm 2000, Nhật Bản có 51 lò phản ứng phát điện đang vận hành, công suất thiết bị là 45.000 MW, trở thành nước sử dụng hạt nhân đứng thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Pháp. Trong số 51 lò phản ứng, 28 lò theo công nghệ BWR và 23 lò theo công nghệ PWR.

Ở Nhật Bản, việc phát triển điện hạt nhân do các công ty điện lực tư nhân tiến hành. Sau khi lập ra Công ty Điện nguyên tử Nhật Bản (JAPC), 9 công ty điện lực tập trung nguồn nhân lực và xây dựng thể chế phát triển điện hạt nhân. Đầu tiên JAPC đưa vào áp dụng loại lò làm mát bằng khí từ Anh, tiếp đó là BWR từ Mỹ.

Các chuyên gia điện hạt nhân sau khi được đào tạo ở JAPC đã trở về công ty điện lực của mình và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Như vậy, ngành điện hạt nhân của Nhật Bản đã phát triển đặc biệt ấn tượng.

Nhật Bản là nước nghèo tài nguyên năng lượng và phải dựa vào nhập khẩu khoảng 80% tài nguyên năng lượng. Đặc biệt, dầu mỏ chiếm 52,4% tổng cung năng lượng sơ cấp và hầu như phải nhập khẩu, trong đó 80% nguồn nhập từ khu vực Trung Đông.

Do vậy, ở Nhật Bản, để đảm bảo ổn định năng lượng, năng lượng nguyên tử là hết sức cần thiết. Tuy điện hạt nhân đang duy trì 1/3 nhu cầu điện lực, nhưng trong thời gian tới vẫn cần tăng hơn nữa con số này. Mặt khác, để sử dụng một cách hiệu quả nhiên liệu Uranium, Nhật Bản vẫn kiên trì chính sách tái xử lý nguyên liệu, để có thể sử dụng được nguồn Pu.

Ngoài ra, việc phát triển các lò nước nặng, lò tái sinh nhanh, lò khí nhiệt độ cao hiện đang được các cơ quan, tổ chức của chính phủ triển khai.

6. Trung Quốc

Tại thời điểm cuối năm 2000, Trung Quốc có 3 lò phản ứng phát điện với tổng công suất 2.300 MW và 8 lò đang được xây dựng có tổng công suất 6.600 MW.

Trung Quốc áp dụng nhiều loại lò từ nước ngoài, ví dụ như PWR từ Pháp và Nga và lò nước nặng từ Canada và hiện đang phát triển cả loại PWR nội địa bằng công nghệ trong nước.

Ba phần tư điện của Trung Quốc là từ nguồn than đá. Vì năng lượng quá phụ thuộc vào than đá, nên vấn đề ô nhiễm không khí và mưa axit đang trở lên khá nghiêm trọng.

Hiện nay, nguồn điện hạt nhân rất thấp, chỉ chiếm 1%. Người ta cho rằng, trong tương lai tới, cần triển khai điện hạt nhân nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đặt trọng điểm vào khai thác thuỷ điện, nên tốc độ phát triển điện hạt nhân sẽ bị chậm đi một chút.

7. Nga

Tại thời điểm cuối năm 2000, Nga có 29 lò phản ứng phát điện đang vận hành với tổng công suất thiết bị là 21.000 MW, đứng vị trí thứ 5 trên thế giới.

Lịch sử phát triển điện hạt nhân của Nga bắt đầu từ việc vận hành nhà máy điện hạt nhân (6000 kW) đầu tiên trên thế giới ở Obninsk vào năm 1954. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Nga đã phát huy nội lực trong công tác nghiên cứu phát triển.

Năng lượng nguyên tử không những được Nga áp dụng trong các nhà máy phát điện thông thường, mà còn sử dụng rộng rãi như lò phản ứng chuyên cung cấp nhiệt, lò phản ứng công suất thấp cho các khu vực xa xôi, tàu phá băng nguyên tử. Mặt khác, để sử dụng hữu hiệu nguồn tài nguyên, Nga cũng đang duy trì chính sách cho chu trình nhiên liệu, mà cụ thể là có lịch sử phát triển lò phản ứng nhanh và kinh nghiệm vận hành phong phú.

Tai nạn lò phản ứng Chernobyl xảy ra vào năm 1986 và những khó khăn về kinh tế, do sự sụp đổ của Liên Xô cũ năm 1991, mặc dù không có những tiến triển trong ngành năng lượng nguyên tử như trước kia, Nga vẫn không từ bỏ chính sách phát triển năng lượng nguyên tử.

Close picture!
Tỷ trọng sản xuất điện toàn Thế giới năm 2000, tổng sản lượng 14.900 TWh

            Y. Iwakoshi

Online: 14
Số lượt truy cập: 10330922
Lên đầu trang
SSL