Bí mật những thảm hoạ hạt nhân
00:12 14/05/2007: Cả Nga và Mỹ đều là những quốc gia đi đầu trong nghiên cứu hạt nhân. Ngay từ rất sớm họ đã có những tổ hợp nghiên cứu, sản xuất hạt nhân và cũng ngay từ rất sớm họ phải hứng chịu những thảm hoạ hạt nhân.

Đặc khu Hạt nhân Hanford được xây dựng ở gần thành phố Richland thuộc bang Washington, Mỹ được liệt vào danh sách “những địa điểm nhiễm bẩn nhất thế giới”.

Trong thời gian Chiến tranh thế giới lần thứ 2, nơi đây là một bộ phận của Dự án Manhattan tối mật nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân đầu tiên trên thế giới. Và những gì từng xảy ra tại Chelyabinsk cũng đã xảy ra tại Hanford.

Hanford, bầu không khí khẩn trương của thời kỳ kết thúc chiến tranh đã khuyến khích tâm lý coi trọng việc sản xuất vũ khí hạt nhân hơn là việc quan tâm tới sự an toàn hay không an toàn.

Trong năm 1945, các quan chức ở Hanford đã chủ tâm cho thải một lượng phóng xạ lên đến 340.000 Ci (đơn vị đo hoạt động phóng xạ) vào môi trường. Có lẽ vì đây là biện pháp đơn giản nhất để tống khứ được chất thải nên họ không thông báo cho dân chúng địa phương biết.

Sau đó, các quan chức ở Hanford lại quyết định trút chất thải hạt nhân lỏng vào con sông Columbia gần nhất, y hệt những gì đã xảy ra tại Mayak. Kết quả là sông Columbia đã trở thành con sông bị nhiễm bẩn nhất nước Mỹ.

Những quan chức ở Hanford cũng không biết gì hơn những đồng nghiệp ở Mayak về sự nguy hiểm chết người từ những hoạt động bí mật của họ. Việc thải khí nhiễm phóng xạ từ năm 1945 đã không được công khai mãi đến năm 1986, khi những nhà bảo vệ môi trường địa phương thắng kiện nhờ sự hỗ trợ của những tài liệu chính thức dày đến 19.000 trang.

Nhưng Chính phủ Mỹ luôn không nói đúng sự thật về những hiểm họa đối với sức khỏe và môi trường do việc sản xuất vũ khí hạt nhân gây ra nên đã hờ hững với những yêu cầu giúp đỡ và đền bù suốt một thời gian dài.

Ở Nga cũng có một tổ hợp hạt nhân ở thành phố Chelyabinsk, tên chính thức của tổ hợp này là Mayak. Nằm trên một diện tích khoảng 200 km2, Mayak là một trong những vị trí được canh giữ nghiêm ngặt nhất hành tinh. Được xây dựng ngay sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, Mayak là cơ sở chế tạo vũ khí hạt nhân đầu tiên của Liên Xô.

Từ cuối thập niên 40 của thế kỷ trước, khi tổ hợp Mayak bắt đầu sản xuất vũ khí hạt nhân, đến giữa những năm 50, chất thải hạt nhân đã được đổ trực tiếp  vào sông Techa cạnh đó. Theo một công trình nghiên cứu của Viện Lý sinh Chelyabinsk vào năm 1990 thì kết quả kiểm xạ trung bình cho hàng chục ngàn người sống ở phía hạ lưu sông Techa là khá lớn.

Xét về mặt y tế, việc sông Techa bị nhiễm bẩn phóng xạ là thực trạng tồi tệ nhất trong những nhiễm bẩn hạt nhân ở Chelyabinsk. Khi tổ hợp Mayak đi vào hoạt động, người ta không có thời giờ để tìm kiếm một giải pháp tốt hơn cho vấn đề chất thải nên giải pháp đơn giản nhất được chọn lựa là  tống ngay chất thải hạt nhân vào sông Techa.

Khu bể chứa nước thải hạt nhân ở Mayak được xây dựng vào năm 1953. Ngày 29/9/1957, hệ thống làm lạnh bị trục trặc đã làm chất thải bên trong khô cạn và nóng đến 350oC và gây nổ.

Sức mạnh của vụ nổ sau đó - tương đương với 5 đến 10 tấn thuốc nổ TNT - đã nhấc bổng chiếc nắp bêtông nặng hàng tấn và ném đi xa 25m, rồi tung một đám bụi phóng xạ khổng lồ vào không khí.

Tổng lượng phóng xạ thoát ra đo được là 20 triệu Ci, gấp 10 lần lượng phóng xạ đã đổ vào sông Techa trước đó. Tất cả các cây thông ở một khu vực có diện tích 20km2 xung quanh nơi xảy ra vụ nổ đã chết trong khoảng thời gian là 18 tháng.

Bên cạnh tổ hợp Mayak có một hồ nước tự nhiên tên Karachay. Từ năm 1951, hồ Karachay được sử dụng vào việc chứa chất thải hạt nhân khi các quan chức ở Mayak thấy rằng, không thể tiếp tục tống chất thải ra sông Techa, và trước khi phải xây dựng những bể chứa thải, nơi đã xảy ra vụ nổ vào năm 1957.

Từ năm 1951 đã có 120 triệu Ci phóng xạ được thải vào hồ Karachay. Riêng lượng các chất phóng xạ Stronti-90 và Cesi-137 lớn hơn khoảng 100 lần lượng hai chất này rò rỉ tại Chernobyl.

Karachay là một hồ tự nhiên không có lối chảy ra ngoài. Vì thế các quan chức ở Mayak yên chí là hệ thống nước trong vùng sẽ không bị ảnh hưởng. Nhưng thật rủi ro, thực tế lại không như vậy.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Lý sinh Chelyabinsk vào năm 1990 thì 93% lượng phóng xạ đã ngấm vào đất dưới đáy hồ và 60% lượng này đã hòa vào nguồn nước ngầm.

Tai họa không chỉ dừng lại ở đó. Nếu bị ảnh huởng bởi một trận động đất hoặc một số dạng thiên tai khác, hồ Karachay có thể "phân phát" những gì nó tích lũy được khắp các khu vực xung quanh.

Điều phải xảy ra đã xảy ra. Mùa đông năm 1966, một đợt hạn hán quái ác đã nhanh chóng làm nước hồ Karachay cạn sạch và để lại một lớp bụi phóng xạ có hoạt độ rất cao ở lòng hồ cũng như ở bờ hồ. Vào mùa hè năm 1967, những trận gió mạnh đã cuốn đám bụi tử thần này lên cao và đưa chúng đi rất xa. Khoảng 25.000km2 và 436.000 người đã bị nhiễm xạ.

Theo Tintuconline.com.vn, 14/05/2007

 

 

 

Online: 44
Số lượt truy cập: 10322781
Lên đầu trang
SSL