Trao đổi về tư duy hệ thống khi soạn thảo các thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực an toàn bức xạ
00:12 09/01/2006: Đôi khi chúng ta xem xét và nhận xét một cách tiến hành công việc cụ thể nào đó là không có tính hệ thống. Vậy tính hệ thống là gì? Có cơ sở nào để nhận xét một công việc đang được tiến hành một cách có hệ thống hoặc không có hệ thống hay không?

Trong bài viết này, tác giả mong muốn, từ thực tế khi soạn thảo các thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực an toàn bức xạ, chỉ ra một phần nguyên nhân của những vướng mắc thường gặp là do chúng ta đã tiến hành công việc một cách không hệ thống. Tất nhiên, một số ý kiến trong bài có thể đúng ở phạm trù rộng hơn. Nhưng tác giả chỉ nhằm đưa ra những kiến giải, để trao đổi với đồng nghiệp trong một lĩnh vực rất hẹp, như được chỉ ra trong tiêu đề của bài viết.

Dẫn chiếu về Lý thuyết Hệ thống

Lý thuyết Hệ thống hiện đại (Modern Systems Theory) được hình thành trong khoảng từ những năm 1940 đến 1975, trên cơ sở các nguyên lý của triết học, vật lý, sinh học và kỹ thuật. Nó dần xâm nhập vào nhiều lĩnh vực của xã hội học, lý thuyết tổ chức, quản lý, điều trị tâm lý và kinh tế học.

Kibenetic (Cybernetics) là ngành khoa học gần gũi của Lý thuyết Hệ thống. “Khoa học hệ thống” và “hệ thống phức” (systems science, systemics, complex systems) là các thuật ngữ đồng nghĩa với “Lý thuyết Hệ thống”.

Trong Lý thuyết Hệ thống, một hệ thống bao gồm các nhóm hoạt động hoặc các bộ phận có tương tác thường xuyên và phụ thuộc lẫn nhau (xem Website http://en.wikipedia.org). Có một số nguyên lý chung cho các hệ thống. Ví dụ: Nguyên lý xem xét hệ thống trong một môi trường cụ thể (được gọi là nguyên lý thứ nhất trong bài viết này); khi đó, hệ thống là tập hợp các phần tử có tương tác lẫn nhau, thể hiện trong mối quan hệ với các hệ thống khác trong môi trường như một thể thống nhất.

Trong những năm gần đây, lĩnh vực tư duy hệ thống được phát triển để cung cấp kỹ thuật nghiên cứu hệ thống theo cách “tổng thể”, bổ sung cho phương pháp “chia nhỏ” truyền thống. Bằng cách đó, các tác giả của Lý thuyết Hệ thống hiện đại hy vọng có thể mở rộng các phương pháp tiếp cận của khoa học tự nhiên sang khoa học xã hội.

Đứng trước một công việc cần tiến hành, chúng ta sẽ bắt đầu “tư duy hệ thống” từ đâu?

Chúng ta sẽ xem công việc cần tiến hành như một hệ thống. Chúng ta cần xác định các nhóm hoạt động hoặc các bộ phận (các phần tử) trong hệ thống, mối tương tác thường xuyên và phụ thuộc lẫn nhau của chúng. Chúng ta cần xác định môi trường cho hệ thống của chúng ta; môi trường đó có những hệ thống cụ thể nào có quan hệ với hệ thống của chúng ta.

Một nguyên lý quan trọng khác của Lý thuyết Hệ thống là tính động của “đường biên” hệ thống (được gọi là nguyên lý thứ hai trong bài viết này). Khi tiến hành một công việc, chúng ta có thể phải tạm thời thu nhỏ hoặc mở rộng hệ thống (thu nhỏ hoặc mở rộng phạm vi công việc) đã xác định.

Tư duy hệ thống khi soạn thảo các thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực an toàn bức xạ

Khi soạn thảo một thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực an toàn bức xạ, ví dụ Thông tư Cấp phép, theo nguyên lý thứ nhất chúng ta có thể xem Thông tư Cấp phép như một hệ thống trong môi trường gồm Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ (gọi tắt trong bài viết này là Pháp lệnh), Nghị định số 50/1998/NĐ-CP ngày 16/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ (gọi tắt trong bài viết này là Nghị định) và các thông tư Vận chuyển, Phí, Thanh tra…

Theo nguyên lý thứ hai, chúng ta có thể và cần phải mở rộng hệ thống (phạm vi công việc) bao gồm các thông tư chưa được ban hành như Phí, Thanh tra… (nhưng không thể mở rộng để phạm vi công việc bao gồm cả Pháp lệnh, Nghị định và thông tư Vận chuyển đã ban hành).

Vậy, khi soạn thảo Thông tư Cấp phép, ngoài việc phải xem xét Pháp lệnh và Nghị định như căn cứ về mặt văn bản học, chúng ta cần xem xét cả các thông tư dự kiến ban hành. Nếu không làm như vậy, có nghĩa là chúng ta đã tiến hành công việc một cách không có hệ thống, có thể gặp những vướng mắc về sau. Ví dụ: nếu Thông tư Cấp phép không có đầy đủ danh mục nguồn bức xạ và danh mục công việc bức xạ, thì Thông tư Phí sẽ không thể dẫn chiếu để tính phí; hoặc nếu Thông tư Cấp phép không yêu cầu cơ sở khai báo đủ thông tin, thì Thông tư Thanh tra sẽ không có cơ sở để tiến hành thanh tra một cách đầy đủ.

Vẫn với ví dụ soạn thảo Thông tư Cấp phép, vận dụng nguyên lý thứ nhất của Lý thuyết Hệ thống, chúng ta cần xác định rõ “các phần tử” cấu trúc quan trọng nhất của Thông tư Cấp phép, mối tương tác và phụ thuộc lẫn nhau của chúng. Những phần tử quan trọng đầu tiên của hệ thống là các khái niệm thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư; đó là: cơ sở bức xạ, nguồn bức xạ, chất thải phóng xạ, công việc bức xạ, khai báo, xin cấp giấy chứng nhận và xin cấp giấy phép. Nếu chúng ta không làm rõ được các khái niệm này và mối tương tác, phụ thuộc lẫn nhau của chúng, có nghĩa là chúng ta đã tiến hành công việc một cách không có hệ thống và có thể gặp nhiều bất cập. Trong trường hợp này, các bất cập sẽ phát sinh ngay khi soạn thảo Thông tư Cấp phép, mà không phải đợi đến khi soạn thảo các thông tư khác như trường hợp vi phạm nguyên lý thứ hai của Lý thuyết Hệ thống như phân tích ở trên.

Có thể chỉ ra hai ví dụ cụ thể dưới đây để minh họa cho lập luận ở trên.

Ví dụ thứ nhất: Pháp lệnh giải thích: “Cơ sở bức xạ là nơi tổ chức, cá nhân được cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ cho phép đặt nguồn bức xạ và thường xuyên tiến hành công việc bức xạ”.

Ở đây có vấn đề chưa rõ về mối tương tác, phụ thuộc lẫn nhau giữa “cơ sở bức xạ và “công việc bức xạ”, mà Thông tư Cấp phép cần làm rõ. Như thế nào là thường xuyên tiến hành công việc bức xạ? (và ngược lại, thế nào là không thường xuyên?). Công việc được tiến hành không đều đặn theo chu kỳ thời gian được gọi là không thường xuyên, hoặc công việc được tiến hành trong một khoảng thời gian hữu hạn được gọi là tiến hành không thường xuyên, hay công việc được tiến hành một số hữu hạn lần được gọi là tiến hành không thường xuyên?

Nếu không làm rõ được vấn đề này, chúng ta sẽ phải chấp nhận sự tùy tiện khi cho phép cơ sở này tiến hành công việc bức xạ không cần có giấy phép hoạt động của cơ sở bức xạ, còn cơ sở kia buộc phải có giấy phép hoạt động đồng thời với việc cho phép tiến hành công việc bức xạ. Hoặc công bằng hơn cả, là bỏ trạng từ “thường xuyên” trong giải thích “cơ sở bức xạ là...” và yêu cầu các cơ sở buộc phải có giấy phép hoạt động đồng thời với việc cho phép tiến hành công việc bức xạ.

Ví dụ thứ hai: Pháp lệnh quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có cơ sở bức xạ, tiến hành công việc bức xạ phải khai báo và xin cấp giấy phép.

Ở đây có vấn đề chưa rõ về mối tương tác, phụ thuộc lẫn nhau giữa “khai báo” và “xin cấp giấy phép”, mà Thông tư Cấp phép cần làm rõ. Nếu hiểu theo nghĩa thông thường “khai báo” phải có trước “xin cấp phép”, thì không ổn, vì nếu chưa có giấy phép, thì chưa tiến hành công việc bức xạ và đương nhiên là chưa có gì để khai báo (tương tự như vậy đối với có sở bức xạ, nếu chưa có giấy phép hoạt động, thì chưa thể tiến hành công việc bức xạ và chưa có cơ sở bức xạ, nên đương nhiên là chưa có gì để khai báo).

Giải pháp cho vấn đề này chỉ có thể là tạm chưa thực hiện yêu cầu khai báo của Pháp lệnh đối với cơ sở bức xạ và tiến hành công việc bức xạ, hoặc phải có giải thích cho rõ khi nào có hành vi “khai báo”, khi nào có hành vi “xin cấp giấy phép”, mà không chấp nhận nghĩa thông thường “khai báo” phải có trước “xin cấp phép”.

LCD

 

 

Tin bài khác
Online: 240
Số lượt truy cập: 10327200
Lên đầu trang
SSL