Bài học kinh nghiệm từ các sự cố bức xạ xảy ra trong thời gian qua
00:12 25/11/2005: Ngày 31/10/2002 trong khu vực Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai - Vinashin (HVS), tỉnh Khánh Hoà, một nhóm 03 nhân viên chụp ảnh phóng xạ công nghiệp của Công ty TNHH Alpha trong khi tiến hành chụp ảnh phóng xạ công nghiệp bằng thiết bị sử dụng nguồn phóng xạ gamma Ir-192, hoạt độ 42,45 Ci đã gặp sự cố kẹt nguồn.

BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ CÁC SỰ CỐ BỨC XẠ
XẢY RA TRONG THỜI GIAN QUA

 

I. Sự cố kẹt nguồn phóng xạ trong chụp ảnh phóng xạ công nghiệp tại Khánh Hoà.

1. Diễn biến.

Ngày 31/10/2002 trong khu vực Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai - Vinashin (HVS), tỉnh Khánh Hoà, một nhóm 03 nhân viên chụp ảnh phóng xạ công nghiệp của Công ty TNHH Alpha trong khi tiến hành chụp ảnh phóng xạ công nghiệp bằng thiết bị sử dụng nguồn phóng xạ gamma Ir-192, hoạt độ 42,45 Ci đã gặp sự cố kẹt nguồn.

Ca chụp bắt đầu từ khoảng 11h30 trên sàn một giàn khoan đang được chế tạo tại HVS. Đến khoảng 12h55 khi chụp xong phim cuối, kỹ thuật viên (KTV) phụ việc chụp ảnh phóng xạ công nghiệp (CAPXCN) điều khiển thiết bị để đưa nguồn trở về côngtenơ chứa nguồn thì nguồn bị kẹt, không đưa trở về côngtenơ được.

KTV phụ việc này báo cáo nhân viên CAPXCN về sự cố kẹt nguồn. Sau khi kiểm tra, xác nhận nguồn bị kẹt, nhân viên CAPXCN đã báo cáo Người Phụ trách an toàn bức xạ (ATBX) xin phép đưa nguồn, thiết bị về Kho chứa nguồn (gần các côngtenơ vận chuyển hàng khổ lớn được hoán cải dùng làm văn phòng làm việc tại công trường của Công ty TNHH Alpha) và nhận được sự đồng ý.

Đến khoảng 13h05 nhóm nhân viên CAPXCN đưa nguồn về đến khu nhà côngtenơ dùng làm văn phòng. Do không tìm được chìa khoá Kho chứa nguồn, Người Phụ trách ATBX đã quyết định thử tìm cách xử lý đưa nguồn về côngtenơ chứa nguồn. Sau khi đưa được nguồn về Côngtenơ chứa nguồn, ống dẫn nguồn và bộ chuẩn trực được tháo ra khỏi côngtenơ chứa nguồn, nhưng họ thấy suất liều bức xạ vẫn cao, và Người Phụ trách ATBX dự đoán là kết cấu côngtenơ bị sai lệch, để rò thoát bức xạ (thực ra là chưa đưa được nguồn về côngtenơ chứa nguồn, do cáp điều khiển nguồn bị tuột khỏi nguồn nên họ quay được cáp điều khiển nguồn về hết và nhầm tưởng là đã đưa được nguồn vào trong côngtenơ chứa nguồn).

Do suất liều bức xạ còn cao, Người Phụ trách ATBX cho nhân viên CAPXCN và một KTV phụ việc CAPXCN đưa tiếp nguồn và côngtenơ chứa nguồn, cáp điều khiển tới Nhà CAPXCN cố định để đảm bảo an toàn. Hai nhân viên này di chuyển được khoảng 40 -50 m thì phát hiện tín hiệu âm thanh (tương ứng với mức suất liều) từ máy đo liều bức xạ giảm mạnh. Nhân viên CAPXCN báo cho Người phụ trách ATBX, và quay trở lại tìm nguồn.

Người Phụ trách ATBX cử người sang văn phòng công trường của đơn vị dịch vụ kiểm tra không phá mẫu (NDT) thuộc Công ty APAVE Việt Nam và Đông Nam á (APAVE) kế ngay bên văn phòng công trường của Công ty Alpha mượn thêm máy đo liều để kiểm tra và nhanh chóng xác nhận nguồn vẫn đang nằm tại khu vực này.

Đến thời điểm này, vào khoảng 13h20, nhận thấy nguồn đã rơi vào tình trạng mất kiểm soát, Người Phụ trách ATBX quyết định báo động, yêu cầu tất cả mọi người rời khỏi khu vực có nguồn, báo cáo với Phòng Quản lý chất lượng (đơn vị trực tiếp quản lý hoạt động của Công ty Alpha tại HVS), Phòng An toàn của HVS. Tâm lý hoảng loạn đã phần nào xuất hiện trong các nhân viên CAPXCN của Công ty Alpha.

Ngay sau đó, Trưởng phòng An toàn HVS, Hwang Jae Ho, đã chỉ đạo 17 cán bộ, nhân viên Phòng An toàn (Phòng An toàn có 58 nhân viên) phối hợp với Công ty Alpha triển khai xác định vị trí các điểm trên vành đai cô lập khu vực nguy hiểm với mức suất liều 0,2 mR/h (1,74 (Sv/h), và cử người đứng cảnh giới. Công việc này hoàn thành vào khoảng 13h30. Việc khoanh vùng kiểm soát bằng dây, nối giữa các điểm trên vành đai cô lập đã được xác định trước đó, đặt biển cảnh báo, che chắn tăng cường tại một số vị trí bằng các tấm thép (dày khoảng trên 20 mm) và các khối bê tông đúc sẵn kết thúc vào khoảng 15h30.

Sau khi hoàn thành việc khoanh vùng kiểm soát, Người Phụ trách ATBX đã báo cáo Ban lãnh đạo Công ty Alpha và được chỉ thị tiếp tục canh gác, tuần tra khu vực kiểm soát, đợi Đoàn chuyên gia khắc phục sự cố của Công ty tới xử lý.

Vào khoảng 19h30 Ban An toàn bức xạ và hạt nhân (nay là Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân) nhận được tin báo về sự cố này từ một phóng viên của trang tin điện tử Vnexpress, một cuộc họp khẩn cấp đã được triệu tập để lập kế hoạch xử lý sự cố.

Cục đã thu thập thông tin từ các bên liên quan, hướng dẫn Công ty Alpha một số biện pháp đảm bảo an toàn, khắc phục sự cố cần thực hiện ngay. Cục cũng liên hệ với các cơ quan liên quan, chuyên gia NDT của Trung tâm Hạt nhân TP. HCM, sắp xếp kế hoạch để có thể trợ giúp ngay việc khắc phục sự cố nếu Công ty Alpha thất bại. 

0h15 ngày 01/11/2002, 03 chuyên gia khắc phục sự cố của Công ty Alpha đến hiện trường, tập hợp các nhân viên, chuyên gia có liên quan, nghe báo cáo, tổng hợp, phân tích các sự kiện và xác định nguồn còn nằm trong ống dẫn nguồn và bộ chuẩn trực. Một kế hoạch khắc phục sự cố tỉ mỉ đã được xây dựng, phân công rõ nhiệm vụ từng người. Sơ đồ các dụng cụ cần cho khắc phục sự cố được vẽ lại. Mỗi người tham gia chỉ được sử dụng 15 – 20 s cho một lần vào thao tác xử lý sự cố, tối đa là 4 lần. Một người được cử theo dõi thời gian để thông báo thời điểm kết thúc mỗi lần tham gia của từng người. Kế hoạch sau đó đã được diễn tập thành thục trước khi tiến hành.

1h45 ngày 01/11/2002, nguồn đã được đưa vào côngtenơ chì dự phòng, chuyển xuống kho chứa nguồn là một hầm bê tông của Công ty Alpha, và được che chắn bổ sung bằng các tấm chì và thép trên nắp hầm chứa nguồn.

Sau khi nhận được công văn của Cục yêu cầu báo cáo sự cố, 10h58 ngày 01/11/2002 Công ty Alpha đã gửi báo cáo qua Fax, 16h42 ngày 01/11/2002 HVS gửi báo cáo về Cục qua Fax.

Do không lấy được vé máy bay vào ngày 01/11/2002, nên hai chuyên viên của Cục đã vào Khánh Hoà vào sáng sớm ngày 02/11/2002, phối hợp cùng Sở KHCNMT (nay là Sở KHCN) tỉnh Khánh Hoà tiến hành điều tra sự cố, xử lý các vấn đề liên quan đặc biệt là việc cùng HVS tổ chức một buổi nói chuyện, cung cấp các thông tin liên quan cho các cán bộ chủ chốt của HVS để họ tiếp tục phổ biến cho công, nhân viên HVS, ổn định tình hình, tránh hoang mang, lo sợ bị ảnh hưởng sức khoẻ do thiếu thông tin.

Thiết bị và nguồn sau đó đã được chuyển đến Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt để đưa nguồn trở lại vào trong thiết bị (côngtenơ chứa nguồn).

2. Hậu quả.

7 nhân viên của Công ty Alpha bị chiếu xạ cao nhất, bao gồm cả 03 chuyên gia khắc phục sự cố phải tiếp xúc với nguồn ở khoảng cách nhỏ hơn 1 m. Theo đánh giá qua liều kế cá nhân của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt hai nhân viên Công ty Alpha bị chiếu xạ cao nhất có mức là 131 mSv và 93 mSv. Mức liều bức xạ cho phép trong trường hợp tham gia khắc phục sự cố bức xạ là 200 mSv. Ngưỡng liều xảy ra hiệu ứng tất nhiên là khoảng 500 mSv (có những thay đổi về công thức máu). 03 chuyên gia khắc phục sự cố của Công ty Alpha nhận các mức liều: 2,28 mSv; 1,15 mSv; và 0,98 mSv.

Tiếp đến là 7 nhân viên của Công ty Alpha nghỉ ở trong các côngtenơ vận chuyển khổ lớn dùng làm văn phòng ở công trường (côngtenơ văn phòng) cách nguồn từ 1,5 – 4 m; 9 nhân viên của công ty APAVE nghỉ ở trong các côngtenơ văn phòng cách nguồn từ 4 – 7 m trong khoảng thời gian từ 13h05 – 13h20, nếu tính đến cả các sự chậm trễ trong thông báo và rời khỏi khu vực có nguồn thì thời gian chiếu vào khoảng 20 phút. Ước tính mức liều tại khoảng cách 5 m tới nguồn trong 20 phút vào khoảng 2 - 3 mSv. Giới hạn liều cho nhân viên bức xạ trong một năm là 20 mSv, cho dân chúng là 1 mSv. Một phép chụp X quang y tế ở vùng bụng hoặc khung chậu có mức liều khoảng 1,5 mSv.

3. Bài học kinh nghiệm.

Tại thời điểm xảy ra sự cố Công ty Alpha đang hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép sử dụng nguồn bức xạ vì thế chưa được thẩm định, cả 03 nhân viên CAPXCN đã gặp sự cố kẹt nguồn lẫn Người Phụ trách ATBX đều chưa có giấy phép làm công việc bức xạ đặc biệt, dẫn đến đã có những vi phạm quy trình vận hành, quy trình an toàn:

- Không khoanh vùng kiểm soát bằng dây, đặt biển cảnh báo ở những khoảng cách 20 – 30 m trên dây, họ chỉ sử dụng sàn giàn khoan như một hình thức khu vực kiểm soát, đặt biển cảnh báo và cử người đứng cảnh giới tại một vị trí là lối vào chính tới khu vực giàn khoan;

- Nhân viên CAPXCN lại đứng cảnh giới, thiếu việc giám sát các KTV phụ việc, giao hoàn toàn việc vận hành cho họ;

- Không dùng ngưỡng kiểm tra Go – No Go, nên có sự mòn quá mức tại vị trí nối giữa cáp điều khiển nguồn và nguồn mà không biết, dẫn đến trong khi xử lý sự cố kẹt nguồn đã bị tuột cáp điều khiển nguồn khỏi nguồn.

Từ việc vi phạm không khoanh vùng kiểm soát bằng dây, đặt biển cảnh báo trên dây, dẫn đến đã có vi phạm có tính dây chuyền là đã cho vận chuyển nguồn trong điều kiện không đảm bảo an toàn, mà không giữ nguyên được khu vực kiểm soát, mở rộng nó để chờ xử lý sự cố một cách an toàn.

Vi phạm lớn nhất là, Công ty Alpha đã sử dụng nguồn khi chưa có giấy phép. Để có thể kịp thời phát hiện, ngăn ngừa những vi phạm này cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Cần sớm hoàn thiện kế hoạch ứng phó khẩn cấp để có thể kịp thời can thiệp, xử lý các sự cố bức xạ một cách chủ động.

Xây dựng tốt mối quan hệ giữa các cơ quan thẩm quyền với báo chí để đảm bảo tin tức được cung cấp nhanh nhưng đảm bảo chính xác. Trong sự cố này một số thông tin báo chí chưa được chính xác.

II. Sự cố mất nguồn phóng xạ Cs-137 tại Công ty cổ phần Xi măng Việt Trung

1. Diễn biến.

Công ty cổ phần Xi măng Việt Trung (thôn Cổ Động, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) là một đơn vị sản xuất xi măng theo công nghệ lò đứng, dây chuyền sản xuất đồng bộ được nhập khẩu từ Trung Quốc. Dây chuyền sản xuất này có sử dụng nguồn phóng xạ Cs-137 để đo mức phục vụ việc xả tự động Clinke. Công ty đi vào sản xuất từ tháng 9/1999. Ngày 23/12/2003 nguồn phóng xạ nói trên của Công ty đã bị mất, cho đến nay vẫn chưa tìm lại được.

Nguồn Cs-137 là nguồn kín để chống sự rò thoát chất phóng xạ vào môi trường. Nguồn được bảo vệ, che chắn bức xạ trong một hộp bảo vệ.

Công ty cổ phần Xi măng Việt Trung đã có đơn xin cấp giấy phép sử dụng nguồn phóng xạ (số 31001/ĐXCP-CT ngày 25/09/2001). Do hồ sơ còn thiếu Ban An toàn bức xạ và hạt nhân (nay là Cục Kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân) đã hướng dẫn Công ty bổ sung hồ sơ xin cấp giấy phép. Nhưng cho đến nay Công ty vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép mặc dù Cục và Sở Khoa học và Công nghệ (Sở KHCN) tỉnh Hà Nam đã đôn đốc, nhắc nhở Công ty nhiều lần.

Đến tháng 5/2004 Sở KHCN tỉnh Hà Nam đến thanh tra an toàn bức xạ tại Công ty mới được báo cáo việc mất nguồn (cách thời điểm mất nguồn 05 tháng). Sau khi bị mất nguồn Công ty chỉ tự tổ chức tìm kiếm và báo cáo Công an huyện Thanh Liêm, Công an tỉnh Hà Nam.

Ngày 04/06/2004 Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhận được Báo cáo (số 170/S.KH&CN ngày 27/05/2004) về sự cố mất nguồn này của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam.

Sau khi nhận được báo cáo, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Cục Kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân (Cục KS&ATBXHN) tiến hành điều tra, phối hợp với Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Sở KHCN tỉnh Hà Nam và Công an tỉnh Hà Nam giúp Công ty cổ phần Xi măng Việt Trung tổ chức tìm kiếm, thu hồi nguồn phóng xạ đã bị mất. Để phát hiện sớm các nạn nhân Cục KS&ATBXHN đã làm việc với Sở Y tế tỉnh Hà Nam yêu cầu Sở Y tế thông báo cho các cơ sở y tế trong tỉnh lưu ý sự cố mất nguồn này, kịp thời phát hiện các bệnh nhân có biểu hiện bệnh bức xạ, bỏng phóng xạ để có hướng điều trị đúng và thông báo ngay cho Cục KS&ATBXHN để từ đó tìm ra nguồn phóng xạ và thu hồi.

Đồng thời Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có công văn (số 1508/BKHCN-ATBXHN ngày 24/06/2004) thông báo ngay sự cố mất nguồn này cho Bộ Công an, đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh phối hợp với các Sở Khoa học và Công nghệ khẩn trương tổ chức tìm kiếm để thu hồi nguồn phóng xạ Cs-137 bị mất nói trên.

Cho đến nay việc tìm kiếm, thu hồi nguồn chưa đạt kết quả, theo Báo cáo của Đoàn khảo sát, tìm kiếm nguồn trong các ngày 07 - 08/07/2004 cho thấy nguồn không còn được cất giấu trong khu vực nhà máy của Công ty và các khu vực lân cận; môi trường tại các khu vực đó và 09 cơ sở thu mua phế liệu kim loại, sản xuất, chế biến sắt thép tại huyện Thanh Liêm chưa bị nhiễm bẩn phóng xạ.

Khi nguồn bị mất, nếu nguồn bị tháo ra khỏi hộp bảo vệ và che chắn bức xạ thì sẽ gây chiếu xạ cho những người ở khoảng cách gần nguồn với suất liều lớn, nguy hiểm cho sức khoẻ. Hơn nữa, nếu nguồn bị đập vỡ thì chất phóng xạ sẽ thất thoát vào môi trường gây nhiễm bẩn phóng xạ. Nếu nguồn bị lẫn vào phế liệu kim loại làm nguyên liệu cho các nhà máy, cơ sở luyện, nấu thép, nguồn sẽ bị nung chảy làm lò luyện thép và lượng thép sản xuất ra bị nhiễm bẩn phóng xạ, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Nguồn Cs-137 có chu kỳ bán rã 30 năm. Do vậy, nó có thể tồn tại trong môi trường rất lâu, làm tăng các nguy cơ chiếu xạ đến dân chúng.

2. Bài học kinh nghiệm.

Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, có thái độ kiên quyết yêu cầu các cơ sở hoàn thiện, bổ sung hồ sơ xin cấp giấy phép kịp thời.

Thống kê đầy đủ các cơ sở xi măng lò đứng có sử dụng nguồn phóng xạ,  cũng như một số cơ sở công nghiệp và thăm dò địa chất khác có sử dụng nguồn, kiên quyết yêu cầu các cơ sở này khẩn trương tiến hành thủ tục xin cấp giấy phép sử dụng nguồn

Tăng cường đảm bảo an ninh nguồn, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vấn đề an ninh cho các nguồn phóng xạ, chống mất cắp, thất lạc nguồn, để nguồn rơi vào tình trạng mất kiểm soát, vô chủ. Tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu kim loại làm nguyên liệu sản xuất sắt thép trong nước. Tăng cường phối hợp giữa các ngành, trao đổi thông tin kịp thời để xử lý các tình huống sự cố bức xạ ngay khi chúng xảy ra.

 

Tin bài khác
Online: 13
Số lượt truy cập: 10373526
Lên đầu trang
SSL