Iran sẽ trả lời phương Tây thế nào?
00:12 12/06/2006: Mỹ đã mở cánh cửa ngoại giao với Iran để giải quyết vấn đề hạt nhân của quốc gia Trung Đông. Nhưng việc hai bên có đạt được thoả thuận nào hay không phụ thuộc vào một số điều.

Sau đây là những yếu tố mà Time cho rằng sẽ ảnh hưởng tới các diễn biến sắp tới.

1. Tổng thống Ahmadinejad

Mặc dù là tổng thống, nhưng Ahmadinejad không nắm quyền quyết định đối với các chính sách an ninh và đối ngoại, trong đó có cả vấn đề hạt nhân. Những vấn đề đó được quyết định bởi nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, với sự cố vấn của Hội đồng An ninh quốc gia do Ali Larijani đứng đầu.

Sáng kiến của EU đã được chuyển tới Larijani - mắt xích chủ chốt trong các cuộc thương lượng với phương Tây. Việc Ahmadinejad cảnh báo ngày 11/6 rằng "chúng tôi sẽ ghi âm các cuộc đàm phán và công bố chúng vào một thời điểm thích hợp để người dân Iran có thể biết được chi tiết" dường như chỉ là một lời răn đe đối với những người có ý định tìm kiếm sự thoả hiệp trong đoàn đàm phán hạt nhân của quốc gia Trung Đông.

Mặc dù động thái này của Ahmadinejad báo hiệu tình trạng tranh chấp quyền lực trong nội bộ giới lãnh đạo Iran, song điều đó không có nghĩa là quan điểm của Tehran sẽ linh hoạt hơn. Larjani là một nhà thương thuyết cứng rắn. Ngay cả khi không có áp lực từ phía Ahmadinejad, ông vẫn sẽ tìm cách gây sức ép để buộc Mỹ phải nhân nhượng thêm.

2. Iran có thể đồng ý ngừng làm giàu urani, nhưng với một điều kiện

Những diễn biến mới nhất cho thấy Iran có thể đồng ý ngừng làm giàu urani, nhưng với quan điểm rằng việc làm này là kết quả của đàm phán, chứ không phải là điều kiện tiên quyết để tiến hành thương lượng. Trong thực tế thì Iran đã tạm ngừng làm giàu urani dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong 3 năm đàm phán với Anh, Pháp và Đức. Nhưng rồi những cuộc thương lượng chẳng đi đến đâu, trong khi Larijani thì tin rằng Iran đã nhượng bộ quá nhiều và EU thì đã chơi trò "câu kéo thời gian".

3. Cơ hội thoả hiệp vẫn còn

Do Washington chỉ yêu cầu Iran ngừng làm giàu urani, chứ không buộc Tehran huỷ bỏ những cơ sở và công nghệ làm giàu urani mà nước này đang nắm giữ, nên giới lãnh đạo Iran hoàn toàn có khả năng đạt được một thoả hiệp mà không phải tỏ ra là "xuống nước".

Một trong những lựa chọn là viện ra vài "lý do kỹ thuật" để đưa các máy ly tâm về chế độ ngừng hoạt động. Điều đó có thể tạo điều kiện cho IAEA kiểm tra và kết luận rằng Tehran không tiến hành bất cứ hoạt động làm giàu hạt nhân nào vào thời điểm hiện tại. Sau đó, Iran sẽ "kín đáo" ra dấu hiệu cho thấy tình trạng ngừng hoạt động của các máy ly tâm có thể kéo dài trong một khoảng thời gian xác định.

Cuối cùng, Tehran có thể yêu cầu một số hình thức công nhận về mặt chính trị - dù chỉ mang tính tượng trưng - từ phía Mỹ để đổi lấy việc họ ngừng làm giàu urani.

4. Người Iran cảm thấy họ đang ở thế thượng phong

Các nhà lãnh đạo Iran tin rằng thế cân bằng chiến lược đã thay đổi theo hướng có lợi cho họ kể từ thời điểm quốc gia Trung Đông tiến hành thương lượng với EU.

Sự tăng lên của giá dầu thế giới cùng với những khó khăn mà Mỹ phải đối mặt tại Iraq khiến giới cầm quyền tại Tehran ngày càng tự tin. Iran cũng ý thức được rằng sự đồng thuận mà các nước EU với Trung Quốc đạt được tại Vienna vẫn hết sức lỏng lẻo, trong khi Washington đã loại trừ khả năng sử dụng vũ lực.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov củng cố thêm lòng tin của Iran khi tuyên bố rằng sáng kiến của 6 cường quốc loại trừ khả năng sử dụng hành động quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân "trong mọi trường hợp". Những yếu tố này giúp Tehran có thể mang đến bàn đàm phán những đòi hỏi cứng rắn hơn với hy vọng buộc phương Tây nhượng bộ hơn nữa.

5. Sẽ chỉ có nhượng bộ từng phần

Nếu Iran và Mỹ cùng đồng ý tới bàn đàm phán, liệu họ có thể đạt được một thoả thuận làm vừa lòng cả hai bên? Quá trình thương lượng có thể kéo dài vài năm, nhưng việc đạt được một thoả thuận như vậy là điều có thể xảy ra.

Phía Iran vẫn liên tục nhấn mạnh rằng họ muốn tìm ra một giải pháp vừa giải toả được mối quan ngại của cộng đồng quốc tế trong khi vẫn duy trì quyền được sở hữu năng lượng hạt nhân. Tehran vẫn để ngỏ khả năng chấp nhận về mặt nguyên tắc rằng họ sẽ không làm giàu urani ở quy mô công nghiệp trên lãnh thổ của mình - ít nhất là trong một thời gian xác định.

Thay vào đó, nhiên liệu dành cho các lò phản ứng hạt nhân sẽ được làm giàu ở lãnh thổ nước ngoài và được chở về Iran để sử dụng.

Nhưng Iran muốn có được một thoả thuận cho phép nước này duy trì hoạt động làm giàu urani trên 164 máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Natanz để phục vụ cho việc nghiên cứu. Quy mô làm giàu như thế không thể tạo ra nhiên liệu để chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng Mỹ và đồng minh vẫn tin rằng ngay cả hoạt động làm giàu urani ở quy mô nghiên cứu cũng vẫn có thể che giấu một chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử bí mật.

EU, Nga và Trung Quốc muốn Mỹ tham gia đối thoại trực tiếp với Iran vì đảm bảo an ninh sẽ là vấn đề chủ chốt trong việc đạt được một thoả thuận. Các nhà ngoại giao châu Âu tin rằng chừng nào mà Iran còn lo ngại bị Mỹ tấn công thì chừng đó Tehran còn muốn duy trì chương trình hạt nhân.

Nhưng khác biệt về quan điểm giữa WashingtonTehran không chỉ tồn tại trong vấn đề hạt nhân, mà còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực khác như chủ nghĩa khủng bố. Vì thế, khi cùng ngồi với nhau để thương lượng về cuộc khủng hoảng hạt nhân, hai bên sẽ còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nữa.

Trong hoàn cảnh đó, những cuộc đàm phán khó có thể giúp họ ra về với tư thế "bắt tay nồng nhiệt và ôm hôn thắm thiết", nhưng ít nhất cũng buộc họ phải giải quyết mâu thuẫn hiện nay theo hướng duy trì sự ổn định cho cả hai bên.

Theo vnexpress ngày 12/6/2006

Tin bài khác
Online: 33
Số lượt truy cập: 10921580
Lên đầu trang
SSL