"Tôi thông báo rằng Iran sẵn sàng nối lại đàm phán với Liên minh châu Âu về chương trình làm giàu hạt nhân mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện nào", Mottaki tuyên bố với các phóng viên sau khi tham dự phiên bế mạc cuộc họp của 114 nước thành viên Phong trào Không liên kết (NAM) tại Malaysia.
Anh, Pháp và Đức - được gọi là nhóm EU-3 - đang soạn thảo một thoả thuận gồm các ưu đãi thương mại, công nghệ để thuyết phục Iran ngừng hoạt động làm giàu urani.
Mottaki cũng một lần nữa khẳng định rằng Iran sẽ không đàm phán với Mỹ, nước đang nghi ngờ Tehran che giấu việc sản xuất vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc chương trình hạt nhân dân sự.
"Do thái độ không thân thiện của người Mỹ, vào lúc này chúng tôi không xem xét đối thoại trực tiếp với họ. Nhưng chúng tôi có thể xem xét lại khả năng này nếu họ thay đổi thái độ", ông nói.
Trước đó, Mottaki đã đưa ra nhận định rằng Mỹ sẽ không thể tiến hành tấn công quân sự đối với Iran vì Washington đang phải dàn trải lực lượng trên quá nhiều mặt trận.
"Họ không thể làm được điều đó. Có quá nhiều khó khăn tại Iraq và Palestine nên Mỹ không thể tạo ra được một cuộc khủng hoảng mới trong khu vực. Lập trường của Mỹ là không muốn các nước khác sở hữu công nghệ hạt nhân. Đây là chính sách hai mặt và không thể chấp nhận được", ngoại trưởng Iran nhấn mạnh.
Trong cuộc họp ngày hôm nay, Phong trào Không liên kết đã ra thông cáo chung ủng hộ Iran trong cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay, nhấn mạnh rằng tất cả các nước đều có quyền phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hoà bình.
"Tất cả bộ trưởng một lần nữa xác nhận quyền cơ bản và không thể chối bỏ của tất cả các quốc gia, đó là quyền được phát triển, nghiên cứu, sản xuất và sử dụng năng lượng nguyên tử cho các mục đích hoà bình. Bất kỳ hành động tấn công hay đe doạ tấn công nào vào các cơ sở hạt nhân - cho dù là đang hoạt động hay được xây dựng - đều gây ra nguy hiểm cho con người và môi trường, và cấu thành hành vi vi phạm luật pháp quốc tế", thông cáo viết.
Minh Hạnh theo Vnexpress ngày 30/05/2006