Các nhà ngoại giao hy vọng rằng bản dự thảo nghị quyết với những lời lẽ cứng rắn này - được Mỹ ủng hộ - sẽ được chấp nhận trước khi diễn ra một cuộc họp của các ngoại trưởng 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an tại New York vào thứ hai tuần tới.
Nga và Trung Quốc mới đây đã tuyên bố họ không ủng hộ biện pháp cấm vận và sẽ sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn.
"Tôi không nghĩ rằng bản dự thảo nghị quyết này sẽ mang lại kết quả tốt đẹp", đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, ông Wang Guangya, phát biểu sau cuộc họp công bố nội dung bản dự thảo của Hội đồng Bảo an.
Dự thảo nghị quyết yêu cầu Iran ngừng hoạt động làm giàu urani và cảnh báo rằng Hội đồng Bảo an "sẽ xem xét các biện pháp cần thiết để bảo đảm việc chấp hành" - những ngôn từ có thể dẫn tới việc thảo luận áp đặt cấm vận.
Giám đốc cơ quan hạt nhân Iran Gholamreza Aghazadeh hôm qua tuyên bố Tehran đã tinh luyện được urani đạt đến gần mức độ cần thiết để trở thành nhiên liệu cho các lò phản ứng.
Bản dự thảo kêu gọi Iran ngừng công việc xây dựng lò phản ứng nước nặng và yêu cầu các nước khác "đề cao cảnh giác" trong việc ngăn chặn hoạt động chuyển giao thiết bị và công nghệ vào lãnh thổ Iran đã giúp đỡ chương trình tái xử lý urani và chế tạo tên lửa của nước này.
Anh, Pháp yêu cầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) báo cáo về việc tuân thủ nghị quyết của Iran. Thời hạn mà IAEA phải đệ trình báo cáo lên Hội đồng Bảo an chưa được nhắc tới nhưng Jean-Marc de La Sabliere, đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc, cho biết ông muốn bản báo cáo được hoàn thành vào đầu tháng 6.
"Một lần nữa, giải pháp lại nằm trong tay Iran. Nếu họ từ bỏ tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân, mọi thứ có thể được giải quyết. Nếu họ tiếp tục chống đối và đe doạ, chúng tôi sẽ phải tính đến các biện pháp mạnh", John Bolton, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, tuyên bố.