IAEA và các chuyên gia quốc tế do đó đang xây dựng hướng dẫn để đo và xác định mức độ phóng xạ tự nhiên có thể chấp nhận được trong thực phẩm, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao an toàn thực phẩm.
"Chúng ta nhận một liều phóng xạ nhỏ từ chế độ ăn hàng ngày. Từ quan điểm về sức khoẻ cộng đồng, hầu hết đều không đáng kể, nhưng vẫn cần phải nâng cao hiểu biết về các yếu tố ảnh hưởng đến liều mà người tiêu dùng nhận được" Tony Colgan, Trưởng Bộ phận Bảo vệ Bức xạ của IAEA cho biết.
Tại một cuộc họp ở Vienna về chủ đề này hồi tháng trước, các chuyên gia ghi nhận rằng cho đến nay các mức và hướng dẫn chỉ tập trung vào mức độ bức xạ do con người tạo ra, trong khi ít chú ý đối với bức xạ tự nhiên. Tuy nhiên, theo Lieve Sweeck từ Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Bỉ SCK•CEN, việc đánh giá sự di chuyển và tích tụ của các nuclit phóng xạ tự nhiên trong môi trường và trong chuỗi thức ăn là rất quan trọng bởi vì phần lớn nhất của liều bức xạ hầu hết mọi người nhận được đến từ nguồn tự nhiên.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xây dựng các “Mức hướng dẫn” (Guideline Levels), để quản lý cả 2 loại phóng xạ tự nhiên và phóng xạ do con người tạo ra trong nước uống . Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Codex của FAO/WHO cũng đã công bố các “Mức hướng dẫn” áp dụng đối với các chất phóng xạ chứa trong thực phẩm cho người tiêu dùng và buôn bán trên thị trường quốc tế, đã bị nhiễm sau khi xảy ra trường hợp khẩn cấp hạt nhân hoặc phóng xạ.
Hiện nay, IAEA đang nghiên cứu phát triển các nguyên tắc hướng dẫn phù hợp về phóng xạ tự nhiên trong thực phẩm trong các tình huống không khẩn cấp, cố gắng tích hợp với những hướng dẫn đã có về các chất phóng xạ do con người tạo ra. Công việc này bao gồm việc đánh giá các thông tin đã có về nồng độ các nuclit phóng xạ tự nhiên trong thực phẩm, nghiên cứu các tình huống trong đó có thể xảy ra độ tập trung cao và xác định các nuclit phóng xạ và các thực phẩm có sự quan tâm đặc biệt, bao gồm cả các thực phẩm ít hoặc không có dữ liệu.
Nhiều nước đã thực hiện các chương trình quan trắc quốc gia để xác định mức độ phóng xạ trong thực phẩm và các chương trình như vậy thường tập trung vào các chất phóng xạ do con người tạo ra như caesium, stronti và plutoni. Các chất phóng xạ tự nhiên như urani, thori, radi và poloni có thể khó và cũng tốn kém để đo trong thực phẩm và đòi hỏi các cơ sở, thiết bị và nguồn nhân lực mà nhiều quốc gia không có.
Tại cuộc họp diễn ra từ ngày 30 tháng 10 đến ngày 1 tháng 11 năm 2017, các chuyên gia đến từ Bỉ, Brazil, Iran và Nga đã trình bày các công việc tiến hành đo nồng độ các nuclit phóng xạ tự nhiên trong các loại thực phẩm sản xuất trong nước.
Cuộc họp cũng có sự tham dự của đại diện FAO, Uỷ ban Khoa học quốc gia Hoa Kỳ về các tác động của phóng xạ nguyên tử (UNSCEAR) và WHO.
TT TTĐT, theo IAEA