Dự án nghiên cứu mới về sử dụng kỹ thuật hạt nhân trong pháp y
09:09 28/11/2017: Hỗ trợ giải quyết các vụ án hình sự, xác định việc làm giả nghệ thuật và pha trộn thực phẩm là mục đích của một Dự án nghiên cứu phối hợp mới của IAEA về sử dụng các kỹ thuật phân tích hạt nhân trong pháp y.
Dự án nhằm xác định các phương pháp pháp y hiện nay có thể được bổ sung như thế nào bởi kỹ thuật hạt nhân để hỗ trợ công việc của các điều tra viên, các cán bộ tòa án và hải quan.
Dự án kéo dài 4 năm này, được chia làm 3 lĩnh vực chính: phân tích thủy tinh, chứng thực thực phẩm và di sản văn hoá. Kỹ thuật phân tích hạt nhân có thể là công cụ hiệu quả cho nhiều mục đích pháp y khác nhau, chẳng hạn như phân tích các mảnh vỡ kính từ hiện trường vụ án để hỗ trợ truy tố những trường hợp gây án rồi bỏ chạy, kiểm tra thành phần thực phẩm để phát hiện sự pha trộn và điều tra việc giả mạo nghệ thuật.
"Đây là Dự án nghiên cứu phối hợp đầu tiên mà IAEA tham gia trong đó tập trung vào việc sử dụng máy gia tốc chùm ion và lò phản ứng nghiên cứu để phân tích pháp y", Aliz Simon, một nhà vật lý hạt nhân của IAEA chuyên về máy gia tốc cho biết. Bà nói thêm: "Mục tiêu là xác định các ứng dụng thực tiễn mới cho công nghệ này, xây dựng năng lực và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối mạng lưới trong lĩnh vực này." Dự án cũng sẽ phát triển sự kết hợp giữa máy gia tốc và các kỹ thuật lò phản ứng nghiên cứu cho các mục đích pháp y.
Các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới, đại diện cho cả những kỹ thuật viên phân tích hạt nhân cũng như cộng đồng khoa học pháp y, đã gặp nhau ở Viên mới đây để thảo luận về Dự án. Trong cuộc họp điều phối nghiên cứu kéo dài một tuần, các đại biểu đã mô tả các kỹ thuật phân tích hạt nhân mà họ đã sử dụng trong các trường hợp cụ thể để xác định tính khả thi của chúng đối với các ứng dụng pháp y. Các kỹ thuật, bao gồm Phát xạ tia X do hạt (PIXE) và Phân tích kích hoạt neutron (NAA), đã được sử dụng để phân tích thành phần nguyên tố của các bức tranh cũng như nguồn gốc của các mẫu thủy tinh, trong số các ứng dụng khác.
Marco Musumeci, một cán bộ chương trình thuộc Viện Nghiên cứu Tư pháp và Tội phạm Liên hợp quốc (UNICRI), nói: "Có thể tương tác với các nhân viên pháp y để đánh giá nhu cầu của họ và xem các giải pháp tốt hơn có thể được phát triển như thế nào. UNICRI có thể hỗ trợ giai đoạn đánh giá nhu cầu và sự tham gia của các bên liên quan để hỗ trợ dự án này”.
Những người tham gia dự án đã thành lập 3 nhóm làm việc và lập kế hoạch làm việc sẽ được thực hiện trong 4 năm tới.