Tình hình thực hiện Công ước chung về An toàn quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và An toàn quản lý chất thải phóng xạ của Việt Nam và trên thế giới
16:04 21/09/2016: Công ước chung về An toàn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và An toàn quản lý chất thải phóng xạ là một cơ chế đa phương với mục tiêu chính là thiết lập và khuyến khích các quốc gia cam kết cùng thực hiện một khuôn khổ pháp lý chung, thống nhất về việc quản lý an toàn chất thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Phạm vi điều chỉnh của Công ước là nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ sinh ra từ các ứng dụng hạt nhân dân sự. Nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ từ các chương trình quân sự không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước này.
Công ước có hiệu lực ngày 18/6/2001 và tính đến nay, có 69 thành viên, trong đó có các quốc gia có nền công nghiệp hạt nhân phát triển như Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khối ASEAN, có In-đô-nê-xi-a đã phê chuẩn và Phi-lip-pin đã ký Công ước.
Công ước kết hợp hai vấn đề: an toàn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và an toàn quản lý chất thải phóng xạ vào một văn kiện chung, và bao gồm Lời mở đầu, 7 Chương với 44 Điều. Có hai loại nghĩa vụ mà Thành viên Công ước phải thực hiện:
- Một là, áp dụng các nguyên tắc đã được thừa nhận trong quản lý an toàn hạt nhân, theo đó: Thành viên Công ước thực hiện việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thực thi pháp luật và các biện pháp hành chính để điều chỉnh việc bảo đảm an toàn cho quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ, bảo đảm con người, xã hội và môi trường được bảo vệ chống lại nguy hại bức xạ và các nguy hại khác, thông qua việc lựa chọn địa điểm, thiết kế và xây dựng cơ sở và thực hiện quy định về bảo đảm an toàn cho cơ sở trong quá trình vận hành cũng như khi đóng cửa. Trong quá trình lựa chọn địa điểm, nếu thấy các Thành viên Công ước ở gần cơ sở dự kiến có thể bị ảnh hưởng bởi cơ sở đó thì tham vấn các Thành viên Công ước này và nếu có yêu cầu, cung cấp các số liệu cơ bản liên quan đến cơ sở cho các Thành viên đó, để họ có thể đánh giá tác động có thể có đối với lãnh thổ của họ.
- Hai là, thực hiện cơ chế báo cáo và đánh giá đồng cấp, theo đó, Thành viên Công ước nộp Báo cáo quốc gia về việc thực hiện các yêu cầu của Công ước để cùng đánh giá với sự tham gia quốc tế. Báo cáo quốc gia cần làm rõ việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong việc quản lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng được khuyến cáo trong Công ước.
I. Tình hình thực hiện Công ước trên thế giới
Việc thực hiện Công ước của các Thành viên công ước về cơ bản được đánh giá thông qua các Cuộc họp đánh giá được tổ chức 03 năm một lần. Kể từ khi Công ước có hiệu lực đến nay, đã có 05 Cuộc họp đánh giá. Cuộc họp đánh giá lần thứ 5 được tổ chức từ ngày 11 - 22/5/2015.
Tại Cuộc họp đánh giá lần thứ 5, các Thanh viên công ước đánh giá là nhiều tiến bộ đáng kể đã đạt được trong các vấn đề sau:
- Xác định rõ chính sách, chiến lược và xây dựng hệ thống pháp luật về quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ;
- Nỗ lực trong việc tăng cường tính minh bạch và công khai trong các hoạt động;
- Cải thiện việc bảo đảm an toàn trong lưu giữ và kiểm soát pháp quy nguồn phóng xạ kín đã qua sử dụng;
- Xây dựng và đưa vào sử dụng các cơ sở lưu giữ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, chất thải phóng xạ và các cơ sở chôn cất đối với chất thải mức trung bình và thấp;
- Cải thiện trong việc bảo đảm an toàn, ứng phó sự cố sau sự cố Fukushima tại Nhật Bản;
- Thực hiện các hoạt động nghiên cứu và triển khai đối với quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ;
- Tăng cường việc sử dụng hợp tác quốc tế và đánh giá đồng cấp, nhiều Thành viên công ước đã sử dụng dịch vụ đánh giá của IAEA;
- Đã và đang tăng cường đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ;
- Đánh giá lại các dàn xếp liên quan đến tài chính cho hoạt động tháo dỡ;
- Giảm thiểu chất thải phóng xạ.
Đặc biệt, trong tiến trình thực hiện Công ước, các Thành viên công ước đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc quản lý nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, trong đó phải kể đến tiến bộ trong việc thu gom nguồn phóng xạ ngoài kiểm soát pháp quy và một số Thành viên công ước đã thành lập được quỹ do các cơ sở được cấp phép đóng góp cho việc quản lý nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Tuy nhiên, nhiều Thành viên công ước đã hoãn lại việc ra chính sách và chiến lược về chôn thải cuối cùng nhiên liệu đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ, và do đó cần phải nỗ lực để tiếp tục lưu giữ an toàn lâu dài các loại vật liệu này.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Công ước, Thành viên công ước cũng xác định các vấn đề mà nhiều Quốc gia gặp phải, bao gồm: Tuyển dụng, phát triển nguồn nhân lực và kinh phí cho việc phát triển nguồn nhân lực; Duy trì và tăng cường sự tham gia của dân chúng trong quá trình quản lý chất thải phóng xạ; Kế hoạch ứng phó sự cố đối với quản lý chất thải phóng xạ từ các tai nạn hạt nhân nghiệm trọng; Quản lý nguồn phóng xạ đã qua sử dụng; Quản lý và kinh phí cho chất thải phát sinh từ tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân; Tính khả thi của cơ sở chôn cất khu vực hoặc đa quốc gia; Xây dựng và thực hiện một chiến lược tổng thể quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã qua sử dụng ngay từ giai đoạn đầu của nhà máy điện hạt nhân. Các vấn đề này sẽ được thảo luận tại Cuộc họp đánh giá lần thứ 6 năm 2018.
II. Tình hình thực hiện Công ước tại Việt Nam
Việt Nam trở thành thành viên của Công ước chung về An toàn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và An toàn quản lý chất thải phóng xạ từ tháng 01/2014. Cuộc họp đánh giá lần thứ 5 là cuộc họp đầu tiên Việt nam tham dự trong khuôn khổ của Công ước này.
1. Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của các ứng dụng kỹ thuật và công nghệ hạt nhân trong các ngành kinh tế-xã hội, đồng thời để điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực này, chúng ta đã có các chiến lược phát triển năng lượng nguyên tử, quy hoạch tổng thể, phát triển năng lượng nguyên tử, quy hoạch phát triển điện hạt nhân. Các văn bản quy phạm pháp luật cũng lần lượt được ban hành.
Chiến lược Ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 03/01/2006 đã yêu cầu phải “Tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật về quản lý chất thải phóng xạ trong phạm vi toàn quốc bao gồm các tổ chức nghiên cứu và triển khai, xử lý và lưu giữ chất thải phóng xạ. Quy hoạch địa điểm cho cơ sở quốc gia về lưu giữ chất thải phóng xạ và lập phương án xử lý lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sau khi kết thúc hoạt động.” với giải pháp thực hiện là “Quy hoạch địa điểm cho …  cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ”. Chiến lược cũng giao trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường “chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành, địa phương liên quan lập quy hoạch địa điểm … cơ sở quốc gia lưu giữ chất thải phóng xạ”, đồng thời giao Bộ Xây dựng “phối hợp với các cơ quan liên quan trong lập quy hoạch địa điểm cho … cơ sở quốc gia lưu giữ chất thải phóng xạ.”
Để cụ thể hóa việc thực hiện Chiến lược, ngày 24/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 kèm theo Quyết định số 957/QĐ-TTg. Một trong các mục tiêu của Quy hoạch là “bảo đảm quản lý an toàn chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng”. Ngày 17/6/2010, Thủ tướng Chính phủ cũng ra quyết định số 906/QĐ-TTg phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, trong đó đưa ra các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn trong đó vó việc quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã qua sử dụng.
Văn bản mang tính pháp lý cao nhất trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là Luật Năng lượng nguyên tử được Quốc hội ban hành ngày 03/6/2008, có hiệu lực ngày 01/01/2009. Luật có 17 Điều liên quan đến quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, trong đó quy định một số nguyên tắc về việc xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại Điều 25.
Để thực hiện Luật Năng lượng nguyên tử, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng quy hoạch địa điểm lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó “Nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng được bảo quản, chờ xử lý tại bể làm mát của nhà máy trong thời gian 30 - 50 năm, chờ xử lý theo trình độ phát triển khoa học công nghệ hạt nhân thế giới và chính sách quản lý chất thải phóng xạ quốc gia”.
Trong nhiều năm qua, các Viện nghiên cứu thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến việc xử lý chất thải phóng xạ, đặc biệt chất thải phóng xạ do hoạt động nghiên cứu sinh ra, tập trung vào các biện pháp kỹ thuật để đưa chất thải vào dạng có thể lưu giữ một cách an toàn. Thêm vào đó, năm 2009, trong quá trình dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch địa điểm lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ, Bộ Xây dựng cũng đã có nghiên cứu cơ bản, tập trung vào việc xác định địa điểm cho các cơ sở quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã qua sử dụng. Nghiên cứu cũng đã đề xuất 05 bộ các tiêu chí nhằm đánh giá địa điểm cho việc xây dựng các cơ sở này, bao gồm: các yêu cầu về điều kiện tự nhiên, các yêu cầu về bảo vệ môi trường, các yêu cầu về điều kiện xã hội, các yêu cầu về bảo đảm an toàn, an ninh và các yêu cầu về kinh tế.
2. Tham gia Cuộc họp đánh giá của Công ước
Theo quy định của Công ước, bảy (07) tháng trước khi Cuộc họp đánh giá diễn ra, các Quốc gia thành viên phải nộp Báo cáo quốc gia cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế. Để chuẩn bị Báo cáo quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thu thập thông tin để soạn thảo và gửi Báo cáo xin ý kiến các Bộ, đơn vị liên quan trước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Báo cáo quốc gia của Việt Nam đã được gửi đến Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đúng thời hạn. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tổ chức việc đặt câu hỏi cho các Quốc gia thành viên (25 câu hỏi) và trả lời các câu hỏi (44 câu hỏi) của các quốc gia thành viên khác gửi cho Việt Nam, xin ý kiến các đơn vị liên quan và tải các câu hỏi, trả lời lên trang web này. Trên cơ sở Báo cáo quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã xây dựng bài trình bày tại Cuộc họp đánh giá lần thứ 5.
Báo cáo của Việt Nam được đánh giá là đầy đủ và chi tiết. Các Thành viên công ước đánh giá Việt Nam có các ưu điểm nổi bật sau:
- Là một quốc gia hạt nhân “trẻ”, Việt Nam đã rút ra bài học kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt  việc ban hành Quyết định của Thủ tướng thành lập quỹ đảm bảo nghĩa vụ tài chính cho việc chấm dứt và tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân;
- Việt Nam đã có hợp tác quốc tế với nhiều quốc gia trên thế giới nhằm hỗ trợ việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và phát triển nguồn nhân lực trong quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ.
Cuộc họp cũng khuyến cáo Việt Nam cần quan tâm đến các vấn đề sau:
- Tiếp tục xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã qua sử dụng; xây dựng quy định cụ thể về kho lưu giữ chất thải quốc gia và địa điểm chôn cất;
- Tiếp tục phát triển năng lực cho cơ quan pháp quy hạt nhân và sửa Luật Năng lượng nguyên tử theo hướng tăng cường tính độc lập của Cơ quan pháp quy hạt nhân;
- Quy định trách nhiệm và có kế hoạch rõ ràng về xây dựng cơ sở xử lý, lưu giữ và chôn cất chất thải phóng xạ;
- Xác định chiến lược quốc gia về  tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân;
- Thực hiện các biện pháp nhằm thu hút, lưu giữ người làm việc trong ngành năng lượng nguyên tử./.
NNHV, Cục ATBXHN
Tin bài khác
Online: 32
Số lượt truy cập: 10921637
Lên đầu trang
SSL