- Chương trình cũ chỉ phân thành hai nội dung là an toàn bức xạ trong y tế và trong công nghiệp. Chương trình mới được xây dựng chi tiết, tương đối sát với công việc của các nhân viên bức xạ và người quản lý cơ sở bức xạ. Cách thiết kế chương trình mới tạo điều kiện tốt cho học viên nhưng một số cơ sở sẽ phải cần có thời gian để chuyển đổi, biên soạn tài liệu giảng dạy và chuẩn bị giảng viên. Việc biên soạn bộ tài liệu như vậy đòi hỏi cơ sở phải có đầu tư mất nhiều thời gian và kinh phí dẫn đến nhiều cơ sở không có đủ đội ngũ để biên soạn sẽ “ngồi đợi các cơ sở khác...”.
- Chương trình mới đòi hỏi người biên soạn tài liệu không chỉ có kiến thức về an toàn bức xạ mà còn cần cả các kiến thức liên ngành trong y tế, công nghiệp, địa vật lý, thăm dò khoáng sản, điều khiển hạt nhân, điện tử, tự động hóa, chu trình nhiên liệu, vật lý và công nghệ của lò phản ứng hạt nhân,... Thực tế ở Việt Nam hiện nay rất hiếm cơ sở đào tạo ATBX được cấp phép có được đầy đủ đội ngũ như vậy để biên soạn. Hiện nay mới chỉ duy nhất có Viện NCHN tổ chức biên soạn.
- Việc giảng dạy ATBX theo chương trình mới cũng đòi hỏi giảng viên không chỉ vững kiến thức về an toàn bức xạ mà còn đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức về chuyên ngành, hiểu biết về điện tử, tự động hóa, quy trình sản xuất và công nghệ của nội dung mình giảng dạy để có thể phân tích cho học viên các vấn đề an toàn liên quan. Quan trọng hơn, ngoài kiến thức chuyên môn, kiến thức liên ngành, kỹ năng thuyết trình,năng lực sư phạm của giảng viên là một vấn đề quyết định đến chất lượng của khóa tập huấn. Qua thực tế tổ chức các khóa đào tạo, có những giảng viên rất có chuyên môn về an toàn bức xạ, nhưng không được các học viên đánh giá cao trong quá trình giảng dạy. Đa số các giảng viên giảng dạy ATBX không phải là những cán bộ chuyên làm công tác giảng dạy do đó chưa được huấn luyện về nghiệp vụ sư phạm.
- Qua thực tế, tâm lý học đối phó và bận quá nhiều công việc dẫn đến sự thiếu tập trung hoặc “biết rồi nghe mãi” làm giảm chất lượng khóa học. Do đó, việc cung cấp tài liệu được biên soạn tốt để học viên tham khảo, sử dụng khi làm việc là rất quan trọng và cần thiết. Bên cạnh đó, cũng đã xảy ra trường hợp học viên ôn qua loa về an toàn bức xạ (do đã học nhiều lần) để dành thời gian trao đổi cùng giảng viên về những tình huống trong ghi đo bức xạ, phân tích kết quả và cách tiến hành những nhiệm vụ có dính đến nguồn bức xạ như thiết kế kho, che chắn...
- Hoạt động đào tạo ATBX là hoạt động dịch vụ nhưng là hoạt động mang tính đặc thù không thể xem như những dịch vụ khác. Thực tế các sự cố đã xảy ra liên quan đến bức xạ đều do thiếu hiểu biết hoặc ý thức thực hiện các quy phạm an toàn bức xạ. Vì vậy, cũng chỉ nên để một số lượng giới hạn các cơ sở được cấp phép đào tạo trong lĩnh vực này để đảm bảo chất lượng của các khóa đào tạo. Theo thông tư 34, việc tổ chức giảng dạy, kiểm tra đánh giá phải được thực hiện độc lập do đó chỉ những cơ sở đào tạo đúng nghĩa (có bộ phận giáo vụ, quản lý đào tạo, kiểm tra cấp chứng chỉ,...) mới có thể đảm bảo được chất lượng đào tạo. Thực tế cho thấy hiện nay một số đơn vị tham gia đào tạo trong lĩnh vực này không thể đáp ứng được các yêu cầu trên.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo của các hoạt động đào tạo nói chung và đào tạo ATBX nói riêng, Viện NCHN đã giao Trung tâm đào tạo là đơn vị tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo chính thức của Viện NCHN. Các tài liệu giảng dạy ATBX đang được xin cấp giấy phép xuất bản sẽ là tài liệu chính thức dùng giảng dạy ATBX của Viện NCHN, chương trình và quy trình tổ chức các khóa đào tạo phải tuân theo quy định trong phụ lục 1 của Thông tư 34. Trong thời gian tới, các giảng viên được chọn để giảng dạy ngoài năng lực chuyên môn phải có:
+ Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và năng lực giảng dạy;
+ Bài giảng điện tử phải soạn dạng powerpoint, không quá 12-15 slide/1 tiết giảng, thông tin trên mỗi slide phải đủ đơn giản, mỗi slide không nên quá 10 dòng, mỗi dòng không nên quá 10 từ;
+ Giảng viên phải được trên 75% các học viên nhận xét đạt từ khá trở lên.
TT Đào tạo, Viện NCHN