Phát triển lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới (tiếp)
00:12 21/11/2008: Các hệ thống thế hệ IV bao gồm việc tái chế hoàn toàn các actinit và các công trình chu kỳ nhiên liệu tại chỗ, dựa trên các phương án xử lý tiên tiến dùng nước (aqueous), nhiệt luyện kim (pyrometallurgical) hoặc phương pháp khô khác. Tái xử lý tại chỗ cho phép giảm vận chuyển vật liệu hạt nhân, một vấn đề làm tăng rủi ro phổ biến hạt nhân. Bộ Năng lượng Mỹ đã mở rộng hoạt động điều phối để thu hút một số pháp nhân trong nước và quốc tế và tổ chức Cơ quan hợp tác năng lượng hạt nhân toàn cầu (GNEP). Dưới đây tóm tắt tình hình phát triển của sáu phương án hệ thống lò phản ứng thế hệ IV

Lò phản ứng nhanh làm mát bằng khí (gas-cooled fast reactor - GFR)

Lò GFR (Hình 2) được thiết kế chủ yếu để sản xuất điện và quản lý các chất actinit, nhưng nó cũng có khả năng hỗ trợ sản xuất hyđro. Đặc điểm của hệ thống chuẩn GFR: phổ nơtron nhanh, lò phản ứng chu trình Brayton làm mát bằng hêli, chu trình nhiên liệu kín để tái chế các actinit, và nhà máy hiệu suất 48%. Phương án bố trí hệ thống GFR đã được Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom), Pháp, Nhật Bản và Thuỵ Sĩ ký vào tháng 11/2006.

Một số dạng nhiên liệu (gốm, phần tử nhiên liệu, và các phần tử bọc gốm) hiện đang được xem xét dùng cho lò GFR có cùng điểm chung: Cho phép lò phản ứng vận hành ở nhiệt độ rất cao, nhưng vẫn đảm bảo bao bọc tốt các sản phẩm phân hạch. Cấu hình phần lõi sẽ hoặc là các khối lắp ráp nhiên liệu dựa trên dạng chốt hoặc dạng đĩa, hoặc là các khối lăng trụ. Khả năng nâng cao tính năng hiện vẫn đang được nghiên cứu, cụ thể như sử dụng vật liệu có độ bền cao hơn, chịu tác động của nơtron nhanh (lưu lượng tích phân theo thời gian) ở nhiệt độ rất cao, và phát triển tuabin làm mát bằng hêli có khả năng sản xuất điện với hiệu suất cực cao. Các trị số mục tiêu của một số tham số chính, ví dụ như mật độ năng lượng và mức độ đốt kiệt nhiên liệu, là đủ để đạt tính năng hợp lý của công nghệ thế hệ I.

 

Hai công trình GFR đã được xây dựng ở Mỹ. Công trình đầu tiên mang tên Peach Bottom 1, tại quận York, bang Pennsylvania, là lò phản ứng thực nghiệm làm chậm bằng graphít, hoạt động từ năm 1967 tới năm 1974. Công trình kia là Nhà máy điện Fort Saint Vrain (bang Colorado). Lò này vận hành từ năm 1979 đến năm 1989, đốt nhiên liệu urani-thori ở nhiệt độ cao, và có khả năng sản xuất 330 MW. Các phần tử (thanh) nhiên liệu của nhà máy Fort Saint Vrain có tiết diện lục lăng, mật độ năng lượng đủ thấp để nếu có mất chất làm mát sơ cấp cũng không dẫn đến gây quá nhiệt trực tiếp lõi lò phản ứng. Người vận hành có vài tiếng đồng hồ để đóng lò phản ứng trước khi lõi bị hư hại. Năm 1996, khu Fort Saint Vrain đã được cải tạo thành nhà máy tuabin khí chu trình hỗn hợp.

Trong số các công trình trình diễn khác về công nghệ GFR đang hoạt động phải kể đến lò phản ứng thử nghiệm nhiệt độ cao (high-temperature test reactor - HTTR) làm chậm bằng graphít của Nhật, công suất toàn phần 30 MW nhiệt đã đạt được từ năm 1999. Lò này sử dụng các khối lắp ráp nhiên liệu dài hình lục lăng, khác với các thiết kế lò phản ứng phần tử tầng (particle-bed reactor – PBR) đang cạnh tranh. Thử nghiệm chứng tỏ rằng lõi có thể đạt tới nhiệt độ đủ để sản xuất ra hyđro.
Độc lập với các công trình trên là lò phản ứng môđun tầng sỏi (pebble-bed modular reactor - PBMR), công suất 300 MW nhiệt, sử dụng hệ thống biến đổi công suất tuabin khí chu trình kín, đang được công ty điện lực Eskom của Nam Phi thiết kế triển khai.

Cuối cùng, một consortium các viện nghiên cứu của Nga đã kết hợp với General Atomics thiết kế tuabin khí - lò phản ứng hêli dạng môđun (GT-MHR), công suất 300-30 MW nhiệt. Toàn bộ nhà máy GT-MHR hầu như được chứa trong hai khoang áp lực thông nhau, tất cả nằm bên trong kết cấu bê tông ngầm dưới đất. Lõi của GT-MHR đang được thiết kế để sử dụng bất kỳ trong số nhiều loại nhiên liệu đa dạng (kể cả thori/uran hàm lượng cao và Th/U-233). Lò này còn có khả năng biến đổi plutoni phẩm cấp vũ khí hạt nhân hoặc plutoni phẩm cấp lò phản ứng thành điện năng.

Lò phản ứng nhanh làm mát bằng chì (lead-cooled fast reactor - LFR)

 

Lò LFR là lò phản ứng phổ nơtron nhanh, được thiết kế để sản xuất điện năng và hyđro, đồng thời quản lý được các actinit. Ba khía cạnh kỹ thuật cơ bản của lò LFR là: sử dụng chì để làm mát, tuổi thọ lõi cao (15 đến 20 năm), và tính môđun và kích thước nhỏ (khả năng thích hợp để triển khai ở những lưới điện nhỏ hoặc vùng xa xôi hẻo lánh).

Lò LFR, như dự kiến trong Chương trình thế hệ IV của Ban Năng lượng hạt nhân của Bộ Năng lượng Mỹ, sẽ dựa trên ý tưởng thiết kế lò phản ứng nhỏ, an toàn, di động, và vận hành độc lập (SSTAR). Sứ mệnh chủ yếu của việc phát triển SSTAR là cung cấp nguồn bổ sung, đáp ứng nhu cầu tại các nước đang phát triển và cộng đồng người dân những vùng hẻo lánh, không tiếp cận được lưới điện. Các công nghệ LFR đã được trình diễn thành công trên quốc tế. Ví dụ đầu tiên là lò phản ứng nhanh BREST của Nga, tiêu thụ nhiên liệu plutoni phẩm cấp lò phản ứng đồng thời tạo ra chất này ở dạng nguyên liệu. Công nghệ BREST dựa trên 40 năm kinh nghiệm của Nga về làm mát bằng chì-bismut các lò phản ứng trên tàu ngầm cấp alpha.

Lò phản ứng muối nóng chảy (molten salt reactor - MSR)

Lò MSR (xem hình 5) là lò nhiên liệu lỏng có thể sử dụng để đốt các actinide, sản xuất điện năng, hyđro, và nhiên liệu phân hạch. Trong hệ thống này, nhiên liệu muối nóng chảy chảy qua các kênh lõi graphít. Nhiệt tạo ra trong muối nóng chảy được truyền sang hệ thống chất làm mát thứ cấp thông qua bộ trao đổi nhiệt trung gian, sau đó qua một bộ trao nhiệt nữa tới hệ thống biến đổi năng lượng. Các actinide và phần lớn các sản phẩm phân hạch tạo nên các florua trong chất lỏng làm mát. Nhiên liệu  lỏng đồng nhất cho phép bổ sung actinide mà không yêu cầu phải chế tạo nhiên liệu.

 

Hình 5. Lò phản ứng muối nóng chảy

Trong những năm 1960, Mỹ đã phát triển lò phản ứng tái sinh muối nóng chảy như là phương án chính hỗ trợ cho lòphản ứng tái sinh truyền thống. Công tác nghiên cứu gần đây tập trung vào các chất làm mát florua lithi và berylli vớithori hoà tan và nhiên liệu U 233. Bộ Năng lượng Mỹ có kế hoạch tiếp tục hợp tác trong tương lai với các chương trình lò phản ứng muối nóng chảy của Euratom.

Lò phản ứng nhanh làm mát bằng natri (sodium-cooled fast reactor – SFR)

Hình 6. Lò phản ứng nhanh làm mát bằng natri

Mục tiêu ban đầu của chương trình lò SFR (xem hình 6) là quản lý các actinide, cắt giảm các sản phẩm thải, và tiêu thụ uran một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên theo dự kiến, các thiết kế lò trong tương lai không chỉ sản xuất ra điện năng mà còn cung cấp nhiệt, sản xuất hyđro, và có thể còn để khử mặn nữa. Phổ nơtron nhanh của lò SFR có thể cho phép sử dụng các vật liệu phân hạch hữu ích, kể cả uran yếu, một cách hiệu quả hơn nhiều so với các lò LWR hiện nay. Ngoài ra, hệ thống SFR có thể không cần phải nghiên cứu thiết kế nhiều như các hệ thống thế hệ IV khác.

So sánh các hệ thống GFR, LFR và SFR về tính sẵn sàng mặt kỹ thuật và về kinh nghiệm vận hành, có thể thấy SFR chính là lò phản ứng nhanh thế hệ IV được chọn để trước mắt triển khai. Quyết định này dựa trên 300 lò-năm kinh nghiệm vận hành các lò phản ứng nơtron nhanh ở tám quốc gia.

Trong số các đặc điểm quan trọng về độ an toàn của hệ thống SFR phải kể đến thời gian đáp ứng nhiệt dài (lò phản ứng nóng lên chậm), độ dự phòng lớn giữa nhiệt độ vận hành và nhiệt độ sôi của chất làm mát (xác suất xảy ra sự cố sôi là thấp hơn), hệ thống sơ cấp làm việc gần với áp suất khí quyển, và hệ thống natri trung gian giữa natri hoạt tính phóng xạ trong hệ thống sơ cấp và nước và hơi nước trong nhà máy điện.

Lò phản ứng làm mát bằng nước siêu tới hạn (supercritical water-cooled reactor - SCWR)

Hình 7. Lò phản ứng làm mát bằng nước siêu tới hạn

Lò SCWR (xem hình 7) hứa hẹn nhiều ưu thế đáng kể về mặt kinh tế, với hai lý do: có thể đơn giản hoá thiết kế nhà máy và hiệu suất nhiệt tăng cao. Nhiệm vụ chính của SCWR là phát điện với chi phí thấp nhờ kết hợp hai công nghệ đã qua thử thách: công nghệ LWR truyền thống và công nghệ lò hơi siêu tới hạn đốt nhiên liệu hoá thạch. Căn cứ các nghiên cứu thiết kế có thể tiên đoán hiệu suất nhiệt của nhà máy sẽ cao hơn các lò LWR hiện nay khoảng một phần ba.

Từ hình vẽ có thể thấy các hệ thống còn lại của nhà máy và các đặc điểm an toàn thụ động của lò SCWR cũng tương tự như đối với lò BWR, nhưng lại đơn giản hơn nhiều do chất làm mát không thay đổi về pha trong lò phản ứng. Nước siêu tới hạn làm quay trực tiếp tuabin, không cần đến hệ thống hơi trung gian. Trên thế giới, dẫn đầu là Nhật Bản, người ta đang tìm cách giải quyết các vấn đề cấp bách nhất về vật liệu và tính bất định trong thiết kế hệ thống nhằm chứng minh tính khả thi về kỹ thuật của lò SCWR.

Lò phản ứng nhiệt độ rất cao (very high temperature reactor - VHTR)/Nhà máy hạt nhân thế hệ tiếp theo (next - generation nuclear plant - NGNP)

Sứ mệnh cơ bản của lò VHTR/NGNP (xem hình 8) là sản xuất đồng thời điện năng và hyđro. Hệ thống chuẩn bao gồm lò phản ứng nơtron nhiệt làm mát bằng hêli, làm chậm bằng graphít. Điện năng và hyđro được sản xuất bằng cách sử dụng chu trình gián tiếp trong đó các bộ trao đổi nhiệt trung gian cung cấp thiết bị trình diễn về sản xuất hyđro và một máy phát tuabin khí. Cũng có thể cung cấp nhiệt kỹ thuật dùng cho các ứng dụng như khí hoá than và phát kết hợp nhiệt và điện.

Hình 8. Lò phản ứng nhiệt độ rất cao

Lò VHTR được đánh giá cao về mặt kinh tế bởi nó có hiệu suất cao trong sản xuất hyđro và có độ an toàn và tin cậy cao do những đặc điểm cố hữu về nhiên liệu và lò phản ứng. Lò này cũng đạt điểm tốt về chống phổ biến hạt nhân và về bảo vệ vật chất, và điểm trung bình về phát triển bền vững do nó có chu kỳ nhiên liệu mở hoặc trực lưu (once-through fuel cycle). Mặc dầu lò VHTR/NGNP đòi hỏi những tiến bộ kỹ thuật trong nghiên cứu triển khai về tính năng nhiên liệu và vật liệu chịu nhiệt độ cao, nhưng nó cũng được hưởng những lợi ích từ các tiến bộ kỹ thuật trước đó về các lò GFR, GT-MHR, và PBMR.

Theo dự kiến, các lò VHTR/NGNP sẽ được triển khai không xa, cỡ năm 2015. Mục tiêu của chương trình của Ban Năng lượng hạt nhân thuộc Bộ Năng lượng Mỹ là có các hệ thống thế hệ IV khác để triển khai vào khoảng năm 2030, khi mà nhiều nhà máy điện hạt nhân trên thế giới đã hết hoặc gần hết hạn được phép vận hành. Giống như chương trình thế hệ III+, chương trình thế hệ IV phối hợp với Chương trình điện hạt nhân 2010 của Bộ Năng lượng Mỹ nhằm đảm bảo kết quả của mọi nỗ lực sẽ bổ khuyết cho cách tiếp cận cấp giấy phép mới dựa trên rủi ro và trung lập về công nghệ của cơ quan này.

Các lò VHTR/NGNP cũng rất đặc biệt vì một lý do nữa. Mặc dầu Bộ Năng lượng Mỹ đang trợ cấp cho các công trình nghiên cứu nhiều ý tưởng thiết kế lò phản ứng, nhưng lò VHTR/NGNP được ưu tiên hàng đầu bởi nó được nêu riêng trong các Chương 641 đến 645 của Luật Chính sách Năng lượng năm 2005. Khoản 1,25 tỉ USD đã được dành riêng cho thiết kế và chế tạo nguyên mẫu công trình NGNP tại Phòng Thí nghiệm quốc gia bang Idaho, vào năm 2021 hoặc sớm hơn. Nguyên mẫu này dự kiến sẽ có hiệu suất nhiệt 48%, sản xuất hyđro cũng như điện năng, và cả nhiệt công nghệ, không phát thải cacbon, thiết kế với nhiều dạng ứng dụng, ví dụ như khí tổng hợp (syngas) và biến đổi than thành nhiên liệu lỏng.

Ưu thế về quản lí hạt cơ bản

Quản lý actinide, nét chung của tất cả các phương án lò thế hệ IV, sẽ cắt giảm khối lượng chất thải hạt nhân trong tầm trung hạn và đảm bảo khả năng cung cấp nhiên liệu hạt nhân về dài hạn. Sứ mệnh này trùng với trách nhiệm nhà nước được nêu trong Luật Chính sách chất thải hạt nhân, cụ thể là giải quyết nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và chất thải có mức năng lượng cao. Sứ mệnh quản lý actinide trung hạn (30 đến 50 năm) chủ yếu bao gồm việc hạn chế hoặc tái sử dụng lượng nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tích tụ từ các nhà máy điện hạt nhân hiện có và sẽ vận hành trong tầm ngắn hạn.

Actinide có thể là chất thải đối với lò LWR, nhưng lại có thể phân hạch trong lò phản ứng nhanh. Như đã nêu trên, siêu uran là nguyên tố rất nặng, có nguyên tử lượng cao hơn uran (92).  Siêu uran được hình thành nhân tạo bằng cách thu nơtron hoặc có thể bằng cách phân huỷ bêta sau đó. Khai thác các nuclit phóng xạ có chu kỳ bán rã dài từ nhiên liệu đã sử dụng và chiếu xạ chúng trong một chu kỳ nhiên liệu kín bằng cách sử dụng lò phản ứng nhanh, kết quả nhận được sẽ không phải chỉ là điện năng. Nó cũng biến đổi các nuclit phóng xạ có chu kỳ bán rã dài, là những chất lẽ ra phải chôn giữ sâu trong các tầng địa chất ví dụ như ở Yucca Mountain, thành các nuclit phóng xạ có chu kỳ bán rã ngắn. Các nguyên tử của nguyên tố này được biến đổi thành các nguyên tử của nguyên tố khác bằng cách bắn phá nơtron, dẫn tới hấp thụ nơtron hoặc phân hạch. Về tầm dài hạn hơn, sứ mệnh quản lý actinide có thể sản xuất ra vật liệu phân hạch dư thừa (hiện nay vẫn được cung cấp thông qua khai thác và làm giầu uran tự nhiên) để sử dụng trong các hệ thống được tối ưu hoá cho các nhiệm vụ năng lượng khác.

Khai thác tối đa từ Uran

Các lò phản ứng nhanh đóng vai trò có một không hai trong nhiệm vụ quản lý các actinide bởi vì chúng làm việc với các nơtron năng lượng cao hơn so với các lò LWR và do vậy chúng hiệu quả hơn trong việc phân hạch các actinide và các chất siêu uran thu hồi từ nhiên liệu đã tiêu thụ trong lò LWR.

Về lý thuyết, lò phản ứng nhanh có thể tái sinh toàn bộ uran và nuclit phóng xạ siêu uran. Ngược lại, các lò phản ứng nhiệt, ví dụ như lò LWR, sử dụng các nơtron năng lượng thấp hơn và khai thác năng lượng chủ yếu từ các đồng vị phân hạch. Đồng vị phân hạch duy nhất xảy ra trong tự nhiên là U 235, chỉ có 0,7% trong uran tự nhiên. Qua làm giầu, tỉ lệ này được nâng lên bằng khoảng 3% đến 5%, đủ để vận hành trong lò LWR. Tuy nhiên, bởi vì lò LWR không thể sử dụng để tái sinh hoàn toàn nên trên 99% lượng uran khai thác ban đầu cuối cùng lại trở thành nhiên liệu đã sử dụng và bã quặng thải ra từ quá trình làm giàu. Lò phản ứng nhanh tận dụng uran tốt hơn bởi vì nó hỗ trợ nhiều chu trình tái sinh, nhờ đó có thể sử dụng được toàn bộ nhiệt chứa trong nhiên liệu.

Khởi đầu nền kinh tế hyđro

Một nét đặc trưng khác nữa của nhiều lò phản ứng thế hệ IV là khả năng sản xuất hyđro ở dạng sản phẩm phụ. Khai thác được tiềm năng này sẽ khiến cho việc sử dụng pin nhiên liệu trong giao thông và phát điện trở nên kinh tế hơn và thân thiện hơn với môi trường, đồng thời giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn dầu lửa nhập khẩu.

Trong giờ thấp điểm, có thể sản xuất ra lượng hyđro đủ để sử dụng trong thương mại, nhờ đó nâng cao tính kinh tế trong vận hành các nhà máy điện hạt nhân chạy ở chế độ phụ tải nền. Mục tiêu dài hạn sẽ là các nhà máy điện hạt nhân thế hệ IV vận hành ở nhiệt độ cao hơn, chuyên sản xuất hyđro với năng suất ổn định để tích trữ và sau đó sử dụng trong các bộ pin nhiên liệu cực lớn (công suất trên 1.000 MW), giúp đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh trong ngày.

Theo KHCN Điện số 4/2008

 

 

 

Tin bài khác
Online: 51
Số lượt truy cập: 10921723
Lên đầu trang
SSL