Chiều ngày 06/02/2025, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Góp ý hoàn thiện chính sách, pháp luật về năng lượng nguyên tử”. Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có khoảng 100 đại biểu, là đại diện đơn vị của các Bộ ngành, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN, các chuyên gia và nhà khoa học. Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích thu thập ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Toàn cảnh Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định khẳng định việc thông qua Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, qua đó hình thành nên hệ thống pháp luật về năng lượng nguyên tử. Lần đầu tiên ở nước ta có một đạo luật điều chỉnh các quan hệ xã hội về năng lượng nguyên tử, đặc biệt về lò phản ứng hạt nhân và nhà máy điện hạt nhân, tạo khung pháp luật để thực hiện chủ trương đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình của Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, chỉ ra trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, bên cạnh vai trò, tác động và đóng góp rất lớn của Luật Năng lượng nguyên tử trong việc hình thành công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn, an ninh, phát triển bền vững ứng dụng năng lượng nguyên tử vì hòa bình, tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì một số chính sách, quy định của Luật Năng lượng nguyên tử cũng đã bộc lộ bất cập, hạn chế về thực tiễn quản lý, tính khả thi; sự đồng bộ với một số luật ban hành sau đó; sự phù hợp với các yêu cầu, hướng dẫn mới của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về an toàn, an ninh, thanh sát và yêu cầu nội luật hóa quy định của các điều ước quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử mà Việt Nam là thành viên.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 174/2024/QH15 về kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử.
Ngày 15/01/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 65/2025/UBTVQH15 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trong đó có nội dung Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Trong bối cảnh hết sức khẩn trương, Bộ KH&CN đã chỉ đạo Cục An toàn bức xạ và hạt nhân phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực triển khai xây dựng và đã hoàn thành Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Hội thảo này là sự kiện khoa học quan trọng, là diễn đàn để các đơn vị của Bộ, ban, ngành cùng chuyên gia, nhà khoa học thảo luận, trao đổi, đóng góp ý kiến giá trị nhằm góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật để bảo đảm chất lượng, yêu cầu quản lý, tính khả thi; phục vụ kịp thời cho việc thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và bảo đảm an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân cho các ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình tại Việt Nam.
PGS. TS. Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục ATBXHN báo cáo tại Hội thảo.
Sau phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, đại diện đơn vị chủ trì được Bộ KH&CN giao phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đã có báo cáo trình bày về quá trình xây dựng và những nội dung chính của Dự thảo Luật, bao gồm các quy định trong phạm vi điều chỉnh về các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân trong các hoạt động đó. Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải nhấn mạnh nội dung đề xuất 04 nhóm chính sách trong xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), bao gồm: (1) Thúc đẩy sự phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; (2) Bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn, an ninh hạt nhân và phân cấp trong công tác quản lý nhà nước; (3) Tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân và (4) Quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tiếp tục được nghe 04 báo cáo tham luận, trao đổi và thảo luận của các đại diện đến từ cơ quan quản lý, chuyên gia và nhà khoa học, tập trung vào các vấn đề: Chính sách phát triển ứng dụng và xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; Quản lý nhà nước đối với Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; Áp dụng các nguyên tắc an toàn, an ninh của IAEA và nội luật hóa các điều ước quốc tế về an ninh hạt nhân, thanh sát hạt nhân trong việc xây dựng Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Xuân Định đã ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp quý báu, trách nhiệm và tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu tham dự. Đồng thời, nhấn mạnh việc bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu trình ban hành Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) là thách thức lớn, điều này đặt ra yêu cầu, trách nhiệm cao đối với đơn vị chủ trì và các đơn vị liên quan. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị có trách nhiệm tiếp thu cầu thị, đầy đủ ý kiến đóng góp của đại biểu, trong đó những quy định trong Dự thảo Luật cần bám sát theo hướng dẫn của Luật Năng lượng nguyên tử mẫu của IAEA. Tập trung làm rõ những nội hàm quy định về các yêu cầu bảo đảm an toàn và an ninh phục vụ phát triển điện hạt nhân; vai trò, chức năng, hoạt động của cơ quan quản lý pháp quy; xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; tiềm lực nghiên cứu phát triển để tiến tới làm chủ công nghệ, phát triển ngành công nghiệp hạt nhân. Thứ trưởng tin tưởng rằng với thời gian, trí tuệ tập thể và sự quyết đoán sẽ hoàn thiện Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu chất lượng và trình ban hành.
Trung tâm Thông tin và Đào tạo, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục