Hậu quả còn lại của thảm họa Chernobyl sau 20 năm (1986-2006)
00:12 25/04/2006: Hai mươi năm sau khi xảy ra sự cố hạt nhân vào tháng 4/1986, câu chuyện về Chernobyl vẫn tiếp tục được phát triển theo rất nhiều hướng - cả trên thực tế và trong tưởng tượng.

Hiện nay, các chuyên gia trong nước và quốc tế từ 8 cơ quan của Liên hợp quốc, bao gồm Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế IAEA, đang làm việc để chọn lọc các sự kiện có thật từ những câu chuyện truyền miệng. Họ kết hợp với những tư liệu của Belarus, Nga, và Ukraina để đánh giá, tập hợp tài liệu và báo cáo về mức độ thật sự của tai nạn này. Một nhóm nghiên cứu có tên là "Diễn đàn Chernobyl" đã đưa ra một bản báo cáo tổng thể vào tháng 9/2005. Bản báo cáo đề cập đến những hậu quả về môi trường và sức khoẻ, bao gồm cả các biện pháp cứu trợ đến nơi cần thiết.

Trong 20 năm qua, rất nhiều báo cáo và tính toán về hậu quả của thảm hoạ Chernobyl đã được tiến hành. Tình trạng hỗn độn, không rõ ràng xảy ra ở vài ngày đầu sau tai nạn, nhưng trong vòng vài tháng, người ta đã xác định rất rõ về mức độ và loại ô nhiễm do tai nạn này gây ra. Hàng trăm nghìn công nhân đã được huy động để dọn dẹp trên hiện trường tai nạn. Những người dân ở khu vực bị ô nhiễm nặng đã được tái định cư. Các tổ chức phi chính phủ và nhiều chính phủ (đặc biệt là Nhật Bản và Châu Âu) đã tiến hành hàng loạt chương trình khoa học. Chính quyền Xô Viết cũng thực hiện nhiều chương trình y tế và phúc lợi xã hội với quy mô lớn.

Việc đánh giá tác động của thảm hoạ đối với sức khoẻ con người gặp rất nhiều hạn chế, trong đó phải kể đến việc thiếu dữ liệu y tế về các loại bệnh, việc báo cáo không đầy đủ, sự khác nhau trong chẩn đoán, và thiếu những đánh giá về mối quan hệ giữa tác động và liều bức xạ nhiễm phải. Việc thu thập thông tin về ảnh hưởng sức khoẻ của thảm hoạ càng trở nên khó hơn do sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết. Những hiện tượng như tỷ lệ tử vong cao ở trẻ sơ sinh, việc sử dụng thuốc lá nhiều, giảm tuổi thọ trung bình ở người lớn trong xã hội Xô Viết cũ càng làm cho việc phân tích dữ liệu trở nên phức tạp hơn. Ví dụ như trong thập kỷ trước, tuổi thọ trung bình của nam giới ở Nga đã giảm từ 70 tuổi xuống 58 tuổi do tự tử và nghiện rượu. 

Những thông tin không chính xác và nhất quán trên các phương tiện truyền thông trong 2 thập kỷ qua đã gây hoang mang, nghi ngờ và để lại nhiều hậu quả dai dẳng không chỉ đối với những người phải trực tiếp gánh chịu hậu quả, mà còn đối với cả thế giới. Trong khi đó, cộng đồng các nhà khoa học đã có những đánh giá thống nhất. Những đánh giá hiện tại của "Diễn đàn Chernobyl" không khác nhiều so với những thông tin do các diễn đàn khoa học khác cung cấp như "Dự án quốc tế về Chernobyl" năm 1990 và "Hội nghị về Chernobyl" 10 năm sau thảm hoạ do IAEA,UN và WHO tổ chức vào năm 1996.

Thảm hoạ trên đã giải phóng một lượng lớn iốt phóng xạ trên diện tích hàng nghìn km vuông. Iốt phóng xạ này sau đó sẽ tập trung tại tuyến giáp của con người. Tỷ lệ ung thư tuyến giáp cao được phát hiện ở trẻ nhỏ và thanh niên có mặt tại nơi mà thảm hoạ xảy ra. Khoảng 4000 ca ung thư tuyến giáp có liên quan đến phóng xạ vào năm 2000. Con số này sẽ vẫn tiếp tục tăng trong tương lai. Về lâu dài, tỷ lệ sống sót đối với ung thư tuyến giáp vào khoảng 90 đến 95%. Người ta không thấy tỷ lệ mắc bệnh tăng do bức xạ ở những người đã trưởng thành vào thời điểm xảy ra thảm hoạ.

Hơn 100 năm qua, người ta đã biết đến nguy cơ mắc nhiều loại bệnh ung thư do nhiễm xạ. Nguy cơ mắc bệnh bạch cầu tăng ở những người tiếp xúc với bức xạ là từ 2 đến 3 năm và nguy cơ này có thể kéo dài hơn 20 năm. Trong vòng 10 năm tiếp xúc với bức xạ, hầu hết các dạng ung thư đặc biệt không xảy ra, nhưng nguy cơ mắc bệnh có thể kéo dài từ 30 đến 40 năm sau.

Mặc dù còn có nhiều nghi ngờ, nhưng đến nay, người ta vẫn chưa chứng minh được việc gia tăng tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu hoặc ung thư ở những người sống trong khu vực Chernobyl liên quan đến nhiễm xạ. Người ta vẫn chưa biết con số chính xác về những người mắc bệnh ung thư do nhiễm xạ tại Chernobyl. Ung thư do nhiễm xạ không có nhiều đặc điểm để phân biệt với các dạng ung thư khác. Số lượng người có nguy cơ mắc ung thư chỉ có thể được tính toán bằng cách nhân hệ số nguy hiểm (lấy từ những nghiên cứu về những người còn sống sót sau thảm hoạ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản) với dân số của Chernobyl và liều bức xạ.

Theo ước tính, có khoảng 4,000 người mắc ung thư ác tính trong số hơn 600,000 người bị nhiễm xạ nặng nhất và có thể hơn 5000 người khác mắc bệnh do sống ở những khu vực lân cận. Số lượng này là tương đối nhỏ (chỉ vài phần trăm) so với nguy cơ mắc bệnh ung thư thông thường. Trong khi những tính toán như vậy còn chưa rõ ràng, những kết quả tìm thấy hiện nay lại rất phù hợp với những tính toán ở Nhật.

Thảm họa hạt nhân Chernobyl ở nước Cộng hòa Ukraina thuộc Liên xô cũ đã gây ra những những lo ngại ở nhiều nước về an toàn của điện hạt nhân. Tuy nhiên cơ tới nay, đây là tai nạn điện nguyên tử duy nhất gây hại cho con người.

Thảm họa Chernobyl đã gieo rắc phóng xạ đi khắp châu Âu, đặc biệt, những quốc gia lân cận như Nga, Ukraina và Belarus phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chính quyền Xô Viết đã ban bố một khu vực đặc biệt khẩn cấp trong phạm vi bán kính 35 dặm quanh lò phản ứng. Vành đai này gần biên giới giữa Ukraina và Belarus. Khu này hiện vẫn đóng cửa, chỉ cho phép các nhân viên đặc biệt vào theo dõi mức ô nhiễm phóng xạ và một số ít ỏi những du khách tò mò.

Mặc dù thảm hoạ Chernobyl đã gây ảnh hưởng không tốt về năng lượng hạt nhân nhưng điểm tích cực của tai nạn này ở chỗ, nhờ nó, thế giới đã có một hệ thống đảm bảo an toàn hạt nhân rất mạnh. Mục đích của hệ thống kiểm tra hoạt động lẫn nhau này là đảm bảo các lò phản ứng hạt nhân đều tuân theo những tiêu chuẩn an toàn rất khắt khe của IAEA.

Ngày nay, tại hầu hết các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, những vụ việc liên quan đến an toàn hạt nhân ở mức báo động đã giảm thiểu (gần như bằng không). Các nhà máy điện nguyên tử đều có những chỉ số an toàn rất cao đối với các thiết bị máy móc, công nhân nhà máy hay công chúng. Khi vận chuyển các vật liệu hạt nhân, người ta sử dụng những thùng chứa được thiết kế đặc biệt, có khả năng hạn chế tối đa các mối nguy hại. Ðiều này đã trở thành tiêu chuẩn trong ngành hạt nhân.

Hiện tại, Chernobyl được bao bọc bởi màu xanh của cây cỏ. Lúa mạch đen đã nảy mầm trên những cánh đồng của các hợp tác xã nông nghiệp ở Viduitsy, Belarus. Sản lượng vụ hè, gồm lúa mạch, mạch đen và hạt cải dầu đạt gần 1.400 tấn, và điều quan trọng nhất là chúng không bị nhiễm xạ.

Bên cạnh đó, những nghiên cứu đã đưa ra kết luận, ảnh hưởng sau thảm họa Chernobyl đối với sức khỏe và môi trường không đáng sợ đến mức như người ta dự đoán trước đó. Đây là kết luận tích cực, giúp cho chính phủ các nước Nga, Ukraina và Belarus từng bước khắc phục nỗi sợ hãi tâm lý mà Chernobyl gây ra nhằm khuyến khích đầu tư và tái thiết những vùng bị ảnh hưởng.

Minh Hạnh, theo IAEA

 

 

 

Tin bài khác
Online: 12
Số lượt truy cập: 10302380
Lên đầu trang
SSL